Vietcombank đang triển khai kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại

Vietcombank đang triển khai kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại

Vốn ngoại tiếp tục đổ vào ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng loạt thương vụ M&A ngân hàng, công ty tài chính của nhà đầu tư nước ngoài đã được “chốt hạ” trong năm qua. Dòng vốn ngoại dự báo tiếp tục đổ vào lĩnh vực này khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh kế hoạch gọi vốn từ bên ngoài.

Nhiều kế hoạch “khủng”

Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban Quan hệ đầu tư của HDBank cho biết, Ngân hàng dành khoảng 10% room ngoại cho việc phát hành tăng vốn.

“Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn có thể triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và Ngân hàng tìm được đối tác phù hợp”, ông Tùng khẳng định.

Theo ông Tùng, thời gian qua, HDBank đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác nước ngoài đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Việc lựa chọn nhà đầu tư để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược luôn nằm trong định hướng của Ngân hàng nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời bảo đảm chỉ tiêu an toàn vốn và thanh khoản.

Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển từng thông tin với cổ đông, Ngân hàng sẽ hoàn tất việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024 (kế hoạch này đã được thông qua tại đại hội cổ đông thường niên 2023). Hồi tháng 7/2023, Reuters từng dẫn nguồn tin tin cậy cho biết, SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá Ngân hàng có thể đạt mức 2 - 2,2 tỷ USD. Nguồn tin cũng cho biết, thỏa thuận này dự kiến được hoàn tất trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024 và cần được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

LPBank cũng đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian chào bán cụ thể sẽ được Hội đồng quản trị Ngân hàng quyết định sau khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược, hạn chế chuyển nhượng 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Trước đó, tháng 7/2023, Hội đồng quản trị SeABank đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là Quỹ Norfund (quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển). Thương vụ này sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng, tối đa 3.503 tỷ đồng.

Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, ngân hàng này có thể “mở cửa” chào đón thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược dài hạn trong thời gian tới. Các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm khoảng 22% cổ phần của Techcombank và họ có thể sở hữu thêm 8% nữa. Song theo CEO Techcombank, Ngân hàng sẽ không quá tập trung vào việc tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, Vietcombank đang thuê tổ chức tư vấn để triển khai kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.

BIDV cũng thông qua việc điều chỉnh thời gian thực hiện chào bán cổ phiếu tại phương án tăng vốn điều lệ năm 2023 sang năm 2024. Trước đó, BIDV đã trình đại hội cổ đông thường niên 2023 thông qua phương án phát hành 455 triệu cổ phiếu để tăng vốn cho cổ đông hiện hữu hoặc chào bán riêng lẻ. Chưa công bố chi tiết kế hoạch chào bán, song BIDV từ lâu đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV từng cho biết, Ban lãnh đạo Ngân hàng rất nỗ lực để thực hiện việc này cũng như tiếp xúc tổng cộng 38 nhà đầu tư trong 3 năm qua, nhưng do kinh tế thế giới suy thoái, cộng với việc các ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất làm giảm sút việc mở rộng đầu tư sang các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Sang năm 2024, BIDV tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này và hiện có một số nhà đầu tư tiềm năng.

Trong báo cáo phân tích mới đây, nhóm chuyên gia Công ty Chứng khoán Vietcap (VCSC) kỳ vọng, các hoạt động huy động vốn trong ngành ngân hàng sẽ mạnh hơn từ nửa cuối năm 2024. Trong đó, Vietcombank, BIDV và LPBank sẽ huy động vốn mới thông qua phát hành riêng lẻ với tổng giá trị ước tính là 64.900 tỷ đồng trong năm nay. HDBank có kế hoạch phát hành 12.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi quốc tế vào năm 2024, song VCSC cho rằng, mốc thời gian có thể được kéo dài do chi phí tài trợ trong nước vẫn đang thuận lợi.

Công ty tài chính vẫn là “miếng bánh” thơm

Với quy mô dân số hơn 100 triệu người, tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, Việt Nam được xem là thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Nhưng do các ngân hàng còn bị hạn chế room ngoại ở mức tối đa 30%, trong khi đối với tài chính tiêu dùng, các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu mức cao hơn nên các tập đoàn tài chính nước ngoài đang tìm cách tiến sâu vào lĩnh vực tiềm năng này.

Mới đây, Ngân hàng SCB X của Thái Lan chính thức xác nhận việc mua lại 100% vốn điều lệ của Công ty tài chính Home Credit Việt Nam. Tổng giá trị của thương vụ là 20.973 tỷ đồng (tương đương 31 tỷ baht, hay 860 triệu USD). Thương vụ trên dự kiến sẽ hoàn tất vào nửa đầu năm 2025, tùy thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Nếu thương vụ mua lại Home Credit của nhà đầu tư Thái được tiến hành thành công thì đây sẽ là thương vụ M&A lớn thứ hai trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Trước đó, Công ty tài chính tiêu dùng SMBC (SMBCCF) nhận chuyển nhượng 49% vốn tại FE Credit từ tay VPBank với giá hơn 1 tỷ USD. Tại thời điểm bán vốn vào cuối năm 2021, FE Credit được định giá đến 2,8 tỷ USD và VPBank có thể thu về gần 1,4 tỷ USD từ thương vụ này. SMBCCF là thành viên của SMBC, tập đoàn tài chính - ngân hàng quy mô hàng đầu Nhật Bản, hoạt động tại hơn 40 quốc gia.

Ông Jun Ohta, Tổng giám đốc SMBC khẳng định, Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm của Tập đoàn. Thương vụ trên không chỉ giới hạn ở kỳ vọng tăng trưởng của FE Credit, mà còn là minh chứng cho niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam. Thực tế cho thấy, không chỉ các thương vụ trên mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào lĩnh vực tài chính, tiêu dùng của Việt Nam trước đó.

SHB đã đạt được thỏa thuận bán 100% vốn điều lệ của SHB Finance cho đối tác Krungsri. Tổng giá trị thương vụ được ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng. SHB đã chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại SHBFinance cho Krungsri trong tháng 6/2023 và tiếp tục chuyển nhượng 50% cổ phần còn lại trong thời gian tới. Krungsri là tập đoàn tài chính lớn thứ 5 tại Thái Lan về tổng tài sản, dư nợ, tiền gửi; trong đó, Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) nắm giữ 76,88% vốn.

4.300 tỷ đồng là giá trị thương vụ chuyển nhượng 100% phần vốn góp của SeABank tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) cho Công ty AEON Financial của Nhật Bản vào cuối năm 2023. Thương vụ được nhận định sẽ mang lại hiệu quả cho hai bên. Ông Kenji Fujita, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AEON Financial đánh giá, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh so với các nước trong khu vực. Ngoài việc cung cấp các khoản vay cá nhân, AEON dự định sẽ phát hành thẻ tín dụng…

Trước đó, hàng loạt thương vụ M&A trong khối công ty tài chính, mà bên mua là nhà đầu tư ngoại đã diễn ra, như Tập đoàn Shinsei mua 49% cổ phần Mcredit (thuộc MB), Công ty tài chính Lotte Finance mua 100% cổ phần của Công ty tài chính TNHH một thành viên Kỹ Thương (Techcom Finance), hay thương vụ mua lại 100% vốn chủ sở hữu trong Công ty TNHH Tài chính Prudential Việt Nam bởi Công ty TNHH Shinhan Card, nay đổi tên thành Công ty tài chính Shinhan Việt Nam… Hiện một số ngân hàng có ý định thoái vốn tại công ty tài chính tiêu dùng như MSB có kế hoạch bán 100% vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng Đồng (FCCOM).

Đánh giá được đưa ra từ chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, dù trước mắt có khó khăn, song tài chính tiêu dùng là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển. Hiện quy mô dư nợ vay tiêu dùng của Việt Nam mới chỉ tương đương 27,17% GDP, trong khi tỷ lệ trung bình ở các nước trong khu vực châu Á là 60 - 70% GDP.

Tin bài liên quan