Xác định các kênh đầu tư tiềm năng trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
Các yếu tố tác động đến từng kênh đầu tư (sản xuất, kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, CPI, vàng, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, tiền ảo,...) được nhận diện ở những góc độ khác nhau.
Xác định các kênh đầu tư tiềm năng trong năm 2022

CPI 2022 tăng cao hơn?

Về sản xuất, khả năng năm 2022, giá nguyên, nhiên, vật liệu sẽ không tăng cao như năm 2021 (5,51%), nhưng sẽ tiếp tục tăng. Giá sản xuất năm ngoái tăng 2,12%, khả năng năm nay còn tăng. CPI sẽ tăng cao hơn trong năm nay, do các loại giá sẽ chuyển dịch đến hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Tăng trưởng sản xuất, tiêu dùng tăng góp phần làm cho việc đầu tư vốn vào sản xuất sẽ có lãi, nhưng mức lãi sẽ không cao.

CPI năm 2021 tăng thấp nhất từ năm 2016, năm 2022 sẽ tăng hơn gấp đôi (thậm chí cao hơn), do tác động của các yếu tố trong nước và từ nước ngoài. Ở trong nước, có một số yếu tố đáng lưu ý: CPI và giá USD năm 2021 thấp sẽ làm cho CPI 2022 tăng cao; hiệu ứng phụ của gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng trong 2 năm với lạm phát; tổng cầu chuyển từ giảm trong năm 2021 sang tăng tương đối cao năm 2022…

Từ nước ngoài, các yếu tố tiếp tục tác động với lạm phát trong nước gồm “nhập khẩu lạm phát” trong năm trước chuyển sang gây áp lực với thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; chính sách tiền tệ ở các nước lớn chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt sẽ cản trở sự nới lỏng ở trong nước…

Giá vàng, giá USD

Giá vàng đã tăng rất cao năm 2020 (20,05%), tiếp tục tăng cao năm 2021 (8,67%), có thể sẽ tăng trong năm nay do tốc độ tăng CPI cao lên. Giá vàng thế giới tăng, song do giá trong nước cao hơn giá thế giới ở mức lớn (trên 12 triệu đồng/lượng), sẽ xuất hiện nhập khẩu vàng (hoặc nguyên liệu chế biến vàng) tăng cao hơn xuất khẩu. Theo đó, giá vàng trong nước khó tăng cao, nếu thấp hơn CPI thì bị lỗ thực, thậm chí còn bị lỗ về danh nghĩa.

Giá USD ở trong nước sau khi tăng thấp năm 2019 (0,99%), giảm liên tiếp trong 2 năm 2020 và 2021, sẽ không giảm, mà tăng lên trong năm 2022. Tỷ giá thương mại mang dấu âm 2 năm liền, năm 2022 sẽ trở lại mang dấu dương để khuyến khích xuất khẩu, xuất siêu, hạn chế nhập khẩu, nhập siêu. Gói kích cầu lớn có thể có hiệu ứng phụ làm cho lạm phát, tỷ giá VND/USD tăng.

Diễn biến trong nước cộng hưởng với giá USD trên thế giới có thể tăng sẽ làm cho giá USD ở trong nước năm 2022 tăng. Tuy nhiên, với các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với bài học kinh nghiệm từ hàng chục năm trước…, thì tỷ giá tuy tăng, nhưng sẽ không tăng cao quá mức định hướng 2%.

Các kênh đầu tư khác

Bất động sản từ vài năm nay, ở một số địa bàn, một số phân khúc đã tăng với mức cao, nhờ thu hút một tỷ trọng không nhỏ gần 1/5 dư nợ tín dụng. Năm 2022, có thể có một phần không nhỏ từ kiều hối, từ gói kích cầu được lái vào thị trường này, sẽ làm cho một số địa bàn, một số phân khúc tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, trừ các bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực của người dân, thì NHNN sẽ siết chặt tín dụng vào bất động sản có tính đầu cơ, các dự án lớn. Một số tài sản thế chấp mà một số ngân hàng thương mại nắm giữ cũng đang khó bán ra. Hơn nữa, bất động sản đòi hỏi lượng tiền lớn, tính thanh khoản thấp…, không phải ai đầu tư, đầu tư vào phân khúc nào, ở đâu cũng có lãi thực dương.

Chứng khoán năm 2021 đạt kỷ lục về số nhà đầu tư mới (F0), giá trị giao dịch, giá trị vốn hóa và điểm số. Năm 2022, gói kích cầu nếu không được kiểm soát tốt, sẽ được “lái” vào thị trường này một lượng không nhỏ, nên có thể tiếp tục tăng. Tuy nhiên, đây là thị trường cao cấp, không phải ai cũng đầu tư có lãi.

Trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cao, quy mô lớn (vượt 600.000 tỷ đồng), sắp đến kỳ đáo hạn thanh toán…, nhưng năm nay, NHNN sẽ chỉ đạo không khuyến khích đẩy mạnh, mà sẽ tiến hành thanh, kiểm tra.

Tiền ảo đã hút một lượng tiền không nhỏ của nhiều nhà đầu tư từ một vài năm nay. Tuy nhiên, đây cũng là kênh đầu tư “đau tim nhất”, diễn biến như “tàu lượn cao tốc”, tăng rất nhanh và rơi cũng rất nhanh. Hơn nữa, tiền ảo không được công nhận ở Việt Nam cùng nhiều nước trên thế giới và gặp nhiều rủi ro. Ở Việt Nam, tiền ảo còn bị quá nhiều sàn trá hình, sàn đa cấp đánh cắp làm hàng vạn nhà đầu tư sập bẫy...

Lãi suất từ cuối năm 2021 đến nay đã cao lên và khả năng sẽ cao hơn theo mức tăng CPI khi gói kích cầu được triển khai và để bảo đảm tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại, ngăn chặn hiệu ứng phụ - lạm phát cao. Có thể sẽ xảy ra cuộc đua lãi suất trở lại như cách đây 10 năm khi lạm phát cao lên.

Tin bài liên quan