Lãi suất giảm nhanh là điều mà nhiều người gửi tiền không lường đến

Lãi suất giảm nhanh là điều mà nhiều người gửi tiền không lường đến

Xoay xở khi lãi suất huy động giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không ít ngân hàng giảm lãi suất huy động hơn 1%/năm tại các kỳ hạn dưới 6 tháng, xấp xỉ 3%/năm tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên trong thời gian ngắn, khiến nhiều khách hàng bất ngờ.

Lãi suất huy động giảm quá nhanh

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, chị Thanh Nga ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, chị có mấy cuốn sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng A với lãi suất cao trong thời gian trước, dự định gom vào một cuốn sau khi cuốn cuối cùng đến hạn ngày 27/6/2023, nhưng ngày 16/6, nhân viên ngân hàng gọi điện tư vấn: “Sang tuần, lãi suất sẽ giảm, chị nên đổi sổ luôn để được hưởng lãi suất tốt nhất”.

“Đổi được sổ tiết kiệm thứ nhất với lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, nhưng đến sổ thứ hai, lãi suất giảm còn 7,6%/năm và đến sổ thứ ba thì chỉ còn 7,4%/năm”, chị Nga nói.

Anh Thanh Tùng ở quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: “Thời điểm cuối năm 2022, khi lãi suất huy động tăng cao thì sổ tiết kiệm của tôi chưa đến hạn, rút ra thì mất lãi nên đành phải để lại. Đến ngày 28/3/2023, đáo hạn sổ thì lãi suất giảm nhẹ. Thấy thị trường có nhiều thông tin khó dự đoán nên tôi quyết định gửi 3 tháng để nghe ngóng tình hình. Hiện tại, lãi suất kỳ hạn 6 tháng cao nhất cũng chỉ được 7,6%/năm, trong khi nếu gửi thời điểm tháng 3 sẽ hưởng tới 9%/năm. Thật là “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”.

Theo anh Thanh Tùng, thấy người quen rỉ tai, vẫn còn một vài ngân hàng trả lãi suất cao đến 8%/năm nên anh quyết định “shopping” lãi suất, nhưng GPBank vừa đồng loạt giảm 0,25%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đối với hình thức gửi online.

Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng giảm từ 7,8%/năm xuống 7,55%/năm; kỳ hạn 7 - 8 tháng giảm từ 7,85%/năm xuống 7,6%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm từ 7,9%/năm xuống 7,65%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 8%/năm xuống 7,75%/năm/năm; 13 - 36 tháng giảm từ 8,1%/năm xuống 7,85%/năm.

“Duy nhất SaigonBank niêm yết mức lãi suất huy động 8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng gửi online, nhưng không trong kỳ hạn tôi dự tính”, anh Tùng nói.

Lãi suất giảm nhanh là điều mà nhiều người gửi tiền không lường đến. Cuối năm 2022, SCB là một trong những ngân hàng niêm yết lãi suất huy động cao nhất hệ thống, lên tới 9,95%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Nhưng đến ngày 28/6/2023, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng gửi online là 4,75%/năm (mức trần theo quy định); kỳ hạn 6 - 11 tháng giảm từ 7,35%/năm xuống 6,85%/năm; kỳ hạn 12 - 13 tháng giảm từ 7,45%/năm xuống 6,95%/năm; kỳ hạn 13 - 36 tháng giảm từ 7,35%/năm xuống 6,85%/năm.

Kể từ đầu năm 2023 đến nay, lãi suất huy động tại SCB giảm 1,25%/năm tại các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm khoảng 3%/năm tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Không ít ngân hàng khác cũng có mức giảm lãi suất tương tự. Tính đến cuối tháng 6/2023, lãi suất huy động cao nhất tại một số ngân hàng tư nhân lớn chỉ dao động quanh 7%/năm như ACB, VIB, VPBank, Sacombank. Trong nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank), lãi suất cao nhất khi giao dịch tại quầy và online cho kỳ hạn 12 tháng trở lên là 6,3%/năm.

Cơ hội đa dạng hóa đầu tư

Lãi suất thấp khiến dòng tiền nhàn rỗi tìm tới các kênh đầu tư mới, đây là yếu tố quan trọng giúp thị trường chứng khoán sôi động hơn trong gần 2 tháng qua. Nhưng lựa chọn đầu tư hợp lý để cân bằng rủi ro, lợi nhuận là điều cần quan tâm.

Một chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng trở lại trong 6 tháng qua, nhưng định giá vẫn thấp hơn mức bình quân 5 năm.

“Khi một số nút thắt liên quan đến bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp được giải tỏa để bảo vệ hệ thống ngân hàng, giá cổ phiếu ngân hàng đã bật tăng trở lại, nhưng đây vẫn là mức định giá hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu nhóm ngân hàng”, vị chuyên gia nói.

Một lãnh đạo cao cấp của Công ty Quản lý quỹ UOB Asset Management (Việt Nam) (UOBAM Việt Nam) nhận xét, thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nền giá tốt và nhiều dấu hiệu khởi sắc kể từ đợt biến động cuối năm 2022.

Đầu tư vào chứng chỉ quỹ, với thủ tục đầu tư an toàn, đơn giản, vốn khởi đầu nhỏ và đa dạng, cũng như chủ động tiết kiệm thời gian quản lý, là một lựa chọn tốt.

Lãi vay sớm “hòa nhịp”

Trong nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank), lãi suất cao nhất khi giao dịch tại quầy và online cho kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện là 6,3%/năm.

Tại BIDV, từ ngày 15/6/2023, Ngân hàng triển khai chương trình cho vay nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng, lãi suất từ 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và từ 7,8%/năm đối với người mua nhà, áp dụng đến hết ngày 31/12/2024, hoặc đến khi hết quy mô của gói tín dụng.

“Đây là một trong những động thái nhằm làm “ấm” hơn thị trường bất động sản”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhìn nhận.

Trong diễn biến có liên quan, ngày 27/6/2023, Ngân hàng Nhà nước có Văn bản số 4985/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung về việc tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất. Đối với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất tiền gửi, niêm yết công khai lãi suất tiền gửi. Đáng chú ý, cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm cam kết giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.

“Các tổ chức tín dụng tích cực chủ động truyền thông về việc giảm lãi suất cho vay; đồng thời, thông tin cụ thể cho khách hàng về chính sách giảm lãi suất cho vay để khách hàng biết và tiếp cận chính sách hỗ trợ”, văn bản nêu rõ.

Các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố phải theo dõi sát diễn biến lãi suất trên địa bàn để có giải pháp, đề xuất phù hợp trong việc triển khai chính sách của Ngân hàng Nhà nước; chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Trong vòng 3 tháng, kể từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 đợt hạ lãi suất điều hành, tổng mức giảm từ 0,5 - 2%/năm, tùy loại lãi suất. Động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước cho thấy thông điệp mạnh mẽ về việc hạ mặt bằng lãi suất trên thị trường, qua đó định hướng các ngân hàng quyết liệt hơn trong việc giảm lãi vay, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại là 5,7%/năm, giảm khoảng 0,7%/năm; lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới là 8,9%/năm, giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022. Tác động của chính sách có độ trễ, nên mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Tin bài liên quan