Xử phạt bảo hiểm: Lý, tình và sự cẩn trọng

(ĐTCK-online) Đại diện pháp lý của 19 DN đã vùng vẫy. Đủ mọi lập luận được đưa ra tại phiên điều trần vào giữa tuần trước. Tuy nhiên, kết luận sau cùng là tất cả đều phải chịu phạt.

Đại diện pháp lý của 19 DN đã vùng vẫy. Đủ mọi lập luận được đưa ra tại phiên điều trần vào giữa tuần trước. Tuy nhiên, kết luận sau cùng là tất cả đều phải chịu phạt.

3 ngày điều trần, gần 400 ngày điều tra với kết quả là một chồng văn bản liên quan cao tới cả mét đã đưa vụ việc gây tranh cãi này tới kết luận sơ bộ. Nói những lời cuối cùng trước khi Hội đồng Cạnh tranh họp kín ra quyết định, đại diện của Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông Nghiệp (ABIC) gọi đây là một bài học "quá sâu sắc", do thiếu hiểu biết pháp luật. Một bài học quý, với mức học phí hợp lý!

 

Bên lý…

Việc vi phạm điều 8, Luật Cạnh tranh là rõ ràng khi các DN thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp. 19 DN sẽ chia nhau mức phí điều trần 100 triệu đồng và mỗi đơn vị phải nộp mức phạt là 0,025% tổng doanh thu của năm 2007.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   

Nhắc lại một chút để bạn đọc tiện theo dõi vụ việc. Tháng 9/2008, tại Hội nghị thường niên các CEO bảo hiểm phi nhân thọ, 15 DN đã đồng lòng ký kết một thoả thuận tăng mức phí bảo hiểm xe cơ giới lên mức sàn là 1,56% số tiền bảo hiểm. Sau đó, có thêm 4 DN nữa tham gia ký kết thoả thuận.

Tất nhiên, sau phiên điều trần tuần trước, một số DN có thể sẽ còn kháng án, kéo dài thêm thời gian xét xử. Nhưng, bình luận về kết luận của Hội đồng Cạnh tranh, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (HHBH) nói ngắn gọn rằng, nó có lý mà chưa có tình.

Cái lý của án phạt ở đây là "án tại hồ sơ". Sau khi ký kết thoả thuận, HHBH đã đăng thông tin công khai lên website của mình. Một số DN đã ban hành các văn bản hướng dẫn nội bộ về việc áp dụng mức phí mới. Như một số đại diện DN đã thừa nhận, họ thiếu hiểu biết về Luật Cạnh tranh. Cá biệt, có đại diện còn phát biểu tại phiên điều trần rằng, luật này mới quá(!?).

Xin được nhắc lại, Luật Cạnh tranh đã được ban hành từ năm 2005 với độ dài chỉ 37 trang A4. DN mà còn nói như vậy thì án phạt khó có thể coi là không hợp lý.

Tại phiên điều trần, một vị phó giám đốc DN (xin không nêu tên) nói với ĐTCK rằng, ông là người duy nhất phản đối thoả thuận tăng phí bảo hiểm tại cuộc họp tháng 9/2008 đó. Nghĩa là đa số DN không nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật.

Một chi tiết khác: tại Cục Cạnh tranh, đơn vị điều tra vụ việc, luôn có những chuyên gia nước ngoài làm nhiệm vụ tư vấn thực thi Luật. Trong các vụ điều tra, các chuyên gia từ Mỹ, Nhật hoặc châu Âu thường xuyên có những quan điểm trái ngược nhau về việc xác định có vi phạm hay không do hệ thống pháp lý từng nước có sự khác biệt. Tuy nhiên, với vụ việc này, tất cả các chuyên gia nước ngoài đều đồng tình với kết luận của nhóm điều tra. Về lý, có lẽ chẳng còn gì để nói.

 

…bên tình

Khi nói "có lý mà không có tình", ông Lộc dựa trên quan điểm thực tiễn thị trường. Giai đoạn 2003 - 2008 là đỉnh cao của cuộc cạnh tranh hạ phí bảo hiểm phi nhân thọ, trong đó có bảo hiểm xe cơ giới, khiến nhiều DN bảo hiểm lỗ nặng trong mảng này. Phí thấp thì phải tăng, đó chính là động lực để các DN ký vào bản thoả thuận.

Điều kỳ lạ là trong bối cảnh lạm phát, chi phí sửa chữa, thay thế và chi phí lương thưởng tăng cao, nhưng phí bảo hiểm lại ngày một hạ. Nhìn chung, mức phí bảo hiểm phi nhân thọ nói chung, của năm 2008 chỉ còn 30 - 50% mức phí của năm 2003, một mức giảm đáng lo ngại.

Theo tính toán sơ bộ, nếu tính doanh thu trừ đi dự phòng phí 50%, dự phòng dao động lớn 5%, tiền hoa hồng bảo hiểm, thì tỷ lệ số tiền để giải quyết bồi thường/doanh thu là rất cao và tăng đều qua các năm kể trên. Đặc biệt, năm 2008, tỷ lệ này lên tới 76,59%, nghĩa là thu về 10 đồng phí thì phải trả gần 8 đồng bồi thường. Con số này khẳng định thêm một sự thật là đa số DN phải chịu lỗ hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2008 (18/26 DN), trong đó có vai trò đáng kể của bảo hiểm xe cơ giới, với mức đóng góp khoảng 1/3 vào tổng doanh thu.

Kết luận của Hội đồng Cạnh tranh cũng thừa nhận rằng, thua lỗ do cạnh tranh giảm phí chính là nguyên cớ thúc đẩy các DN tham gia thoả thuận.

Trong các phát biểu cuối cùng trước khi Hội đồng ra quyết định, đa số DN đều mong muốn được xét xử nương nhẹ và có một vài ý kiến đã đưa ra con số phạt 0,025% doanh thu năm 2007.

Có thể nói, mức phạt 0,025% đã thoả mãn nhiều DN, vì nó chỉ bằng 1/4 mức phạt ban đầu đề xuất là 0,1% và còn nhỏ hơn rất nhiều mức phạt tối đa 5% tổng doanh thu. Xử như vậy đã là nhẹ nhàng.

Bảo Việt bị phạt nhiều nhất (doanh thu lớn nhất thị trường) là 553,5 triệu đồng, còn đại đa số DN chỉ phải chịu phạt dưới 100 triệu đồng.

 

Bài học về sự cẩn trọng         

Các bên liên quan đều hiểu rằng, việc tăng phí bảo hiểm xe cơ giới là điều tất yếu phải làm để thị trường bảo hiểm phát triển bền vững. Ông Thái Văn Cách, Phó tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Viễn Đông đặt vấn đề rất dễ hiểu là: tình hình sẽ ra sao, quyền lợi của người mua bảo hiểm sẽ thế nào nếu có một vài DN không còn khả năng thanh toán do lỗ nặng quá? Và nếu DN tiếp tục lỗ thì có thể thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước hay không?

Tuy nhiên, không vì thế mà các DN bảo hiểm được tiến hành ấn định giá một cách "thô" như vậy.

Trái pháp luật, Hội đồng Cạnh tranh vẫn phải phạt hành chính, cho dù nhiều DN cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng tới uy tín của thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung và từng DN nói riêng.

Nhìn vào danh sách, ta có thể thấy ngay ba công ty bảo hiểm của Mỹ là ACE, AIG (nay đổi tên thành Chartis) và Liberty đều không tham gia thoả thuận. Phải chăng, các công ty Mỹ, vốn rất cẩn trọng với các vấn đề liên quan tới pháp lý, đã tính toán kỹ hơn các công ty còn lại?

Thêm nữa, nhìn sang các ngành tài chính khác, ví dụ như ngân hàng thì sao? Hiệp hội Ngân hàng đã từng kêu gọi các thành viên thị trường giảm lãi suất xuống một mức nào đó. Cũng tương tự như ngành bảo hiểm đấy chứ? Thậm chí còn diễn ra trước sự kiện của ngành bảo hiểm.

Xin giải thích ngay rằng, Cục Cạnh tranh cũng từng có ý định tiến hành điều tra về ngành ngân hàng. Tuy nhiên, ngay sau những thoả thuận của ngành ngân hàng, cơ quan quản lý là NHNN và Hiệp hội Ngân hàng thường có văn bản gửi tới các bộ, ban, ngành giải thích cụ thể lý do tại sao ngành ngân hàng phải làm như vậy. Một động tác vô cùng đơn giản!

Sau đó, Cục Cạnh tranh, nếu có ý kiến, cùng lắm cũng chỉ là văn bản góp ý cho ngành ngân hàng mà thôi.

Phải nhắc lại là ngành bảo hiểm nói chung, từ lâu đã nằm "trong tầm ngắm" của cơ quan quản lý cạnh tranh. Vụ việc này, như một lời cảnh báo tới ngành bảo hiểm cần phải cẩn trọng hơn. Bởi lẽ, tham gia cuộc họp CEO tháng 9/2008 đâu phải chỉ có HHBH và các DN!