Với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh. Ảnh: Đức Thanh

Với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh. Ảnh: Đức Thanh

Xuất khẩu đừng quên CPTPP

0:00 / 0:00
0:00
EVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 với nhiều dòng thuế về 0%, thúc đẩy xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp Việt đừng quên CPTPP và nhiều FTA lớn khác mà Việt Nam đã ký kết.

EVFTA và doanh nghiệp Việt

Chỉ còn đúng 1 tháng nữa, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ chính thức đi vào thực thi. Với những cam kết sâu rộng, EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam và EU.

Với việc mở cửa thị trường thông qua thực thi EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân, GDP bình quân hơn 35.000 USD/người, với mức thuế bằng 0% ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Thực tế, Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, thương mại của Việt Nam từ đầu năm đến nay. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 6/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 121,21 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, EVFTA đi vào thực thi sẽ giúp tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển hoạt động kinh doanh, kỳ vọng phần nào giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, có thêm đơn hàng, gia nhập chuỗi cung ứng mới.

Phát biểu tại Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19” do Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đầu tuần này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, kỳ vọng vào EVFTA thì nhiều, tuy nhiên, để hiện thực hóa các cơ hội, Chính phủ và các doanh nghiệp còn khá nhiều việc phải chuẩn bị.

Cụ thể, về phía Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn tất kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ nội dung Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực, cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng các yêu cầu không chỉ của Hiệp định, mà của cả thị trường EU.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, sở dĩ mọi thứ vẫn là kỳ vọng, bởi dịch bệnh đang ảnh hưởng rất nặng nề đến kinh tế toàn cầu và cả EU, khi dự báo tăng trưởng kinh tế tại khu vực này trong năm nay có thể giảm 7-7,5%. Với điều kiện như vậy, để có tăng trưởng thương mại dương sang EU trong năm nay là rất khó.

Tính riêng 5 tháng qua, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU đã giảm 12% so với cùng kỳ, chỉ đạt 12 tỷ USD.

Đừng quên CPTPP

EVFTA được chuẩn bị thực thi từ sớm tới cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, đảm bảo ban hành ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, các hiệp hội dệt may, da giày, thủy sản là những ngành hàng đã tích cực đồng hành với đoàn đàm phán EVFTA của Chính phủ, đáp ứng tốt vai trò của các hiệp hội trong chặng đường vừa qua. EVFTA sắp đi vào thực thi, mong các doanh nghiệp chủ động hơn nữa.    

Song, sự chuẩn bị của các bộ, ngành dù tốt đến đâu, nhưng nếu doanh nghiệp không vào cuộc sẽ không cụ thể hóa được các cơ hội từ mở cửa thị trường.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu một thực tế: “EVFTA kết thúc đàm phán từ năm 2015. Trong 5 năm qua, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị lớn để phổ biến thông tin về Hiệp định, nhưng trong cả thời gian dài đó, Bộ không nhận được bất kỳ một câu hỏi nào của doanh nghiệp liên quan đến EVFTA, điều đó cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp là rất ít”.

Cũng theo ông Khánh, trong số các doanh nghiệp xuất khẩu, phần lớn là xuất FOB và nhập hàng CNF, tức là ngồi nhà bán cho khách đến mua (xuất FOB) mà không cần biết khách hàng ấy là ai và mua hàng theo hình thức được nhận hàng ngay tại cảng (mua CNF), nên sự quan tâm còn hạn chế là điều dễ hiểu.

Xuất FOB - nhập CNF nhiều năm qua đã trở thành thói quen của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, sự chủ động của doanh nghiệp trong việc đón bắt thời cơ thị trường từ các hiệp định thương mại mang lại sẽ quyết định đến sự thành bại của chính doanh nghiệp. “Chúng tôi chờ đợi những băn khoăn, thắc mắc cụ thể của doanh nghiệp như xuất khẩu mã hàng thủy sản này vào EU có được giảm thuế không? lộ trình ra sao và điều kiện được giảm thuế là gì?, chứ không phải là những câu hỏi chung chung, để từ đó có giải đáp, góp phần vào định hướng sản xuất của doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường EU”.

Ông Khanh cũng nhấn mạnh, có EVFTA rồi cũng không thể hồ hởi quá mức, bởi mọi sự sẽ không dễ dàng, doanh nghiệp đừng quên chúng ta còn CPTPP và một loạt FTA khác đã đi vào hiệu lực, hãy tận dụng triệt để các FTA đã có để tăng xuất khẩu. Đơn cử, tính riêng thặng dư thương mại từ 2 thị trường mới trong CPTPP là Mexico và Canada trong năm 2019 đã lên tới 5 tỷ USD, chiếm 50% thặng dư thương mại của cả nước.

Tin bài liên quan