ABS hướng tới các nhóm ngành hưởng lợi từ xu hướng giảm lãi suất trong tháng 8

ABS hướng tới các nhóm ngành hưởng lợi từ xu hướng giảm lãi suất trong tháng 8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xu hướng chung của thị trường chứng khoán trên thế giới trong tháng 7 là hồi phục. Đặc biệt là VN-Index được ghi nhận trong top 4 thị trường chứng khoán hồi phục mạnh nhất thế giới.

ABS Research đánh giá, nối dài chuỗi phiên tăng điểm, dòng tiền tiếp tục đà hưng phấn đưa VN-Index hồi phục mạnh mẽ trong tháng 7 và đạt mốc 1.200 điểm trong những phiên cuối tháng. Trung bình giá trị giao dịch/phiên của VN-Index tiếp tục được cải thiện từ 17.001 tỷ đồng tháng trước đó tăng lên mức 18.361 tỷ đồng, thị trường chứng kiến sự trở lại của những phiên giao dịch tỷ USD ở cuối tháng.

Bước sang tháng 8, ABS nhận thấy một số yếu tố ảnh hưởng đến thị trường là kinh tế thế giới tiếp tục chịu tác động tiêu cực do lạm phát vẫn neo cao ở nhiều nền kinh tế lớn khiến ngân hàng trung ương nhiều nước lên kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ. Bên cạnh đó, rủi ro suy thoái kinh tế ở châu Âu, tác động tiêu cực của tăng lãi suất lên nền kinh tế Mỹ, kinh tế Trung Quốc mất đà tăng trưởng...

Fed đã tăng lãi suất điều hành thêm 0,25% trong kỳ họp cuối tháng 7 và có xác suất cao tăng thêm một lần nữa trong quý IV/2023. Tuy nhiên, đây đã là giai đoạn cuối của quá trình tăng lãi suất của Mỹ. Dự kiến từ cuối 2023 - đầu 2024 Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất và thực hiện nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.

Trong nước, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6 - 6,5%, ABS cho rằng áp lực tăng trưởng 2 quý cuối năm là rất lớn. Để hỗ trợ tăng trưởng, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong các lĩnh vực hạ tầng và năng lượng, và ABS Research cho rằng đây sẽ là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam cũng như của thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới.

Với mặt bằng lãi suất trong nước dự kiến tiếp tục giảm, nhà đầu tư nội sẽ có xu hướng chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có cổ phiếu, để tìm kiếm cơ hội sinh lời cao hơn lãi suất tiền gửi.

Chỉ số tăng điểm tiến tới các mốc 1.250 - 1.255 và 1.276 - 1.284 điểm

Theo thống kê đến ngày 3/8/2023, thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP, TP.HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án; Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án; nhiều địa phương khác cũng đang nỗ lực triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản..., qua đó cho thấy Chính phủ có nhiều giải pháp hỗ trợ ngành bất động sản.

Về mặt định giá, với việc VN-Index tăng điểm trong 3 tháng 5 - 6 - 7, dựa trên kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết, P/E toàn thị trường đã tăng từ 12,74x cuối tháng 5 lên 13,3x cuối tháng 6 và lên 14,6x cuối tháng 7. Tuy nhiên, lợi nhuận các doanh nghiệp được kỳ vọng tạo đáy trong quý II/2023 và bắt đầu hồi phục từ quý III/2023, do đó ABS cho rằng, P/E dự phóng của quý tới sẽ giảm đi.

Tuy nhiên, vẫn có các ngành sẽ được hưởng lợi từ các diễn biến vĩ mô như lãi suất giảm (các ngành tài chính, bất động sản và sản xuất...) và tỷ giá tăng (ví dụ ngành xuất khẩu hưởng lợi từ tỷ giá tăng và nhu cầu thị trường thế giới hồi phục...), cũng như nhiều doanh nghiệp đang được định giá rẻ trong khi đã qua giai đoạn đáy lợi nhuận. Đây tiếp tục sẽ là các cơ hội đầu tư trong tháng 8.

Từ những yếu tố trên, ABS dự báo diễn biến VN-Index trong tháng 8 như sau: Chỉ số VN-Index sau khi rung lắc và dòng tiền xoay chuyển giữa các dòng cổ phiếu thì chỉ số tăng điểm tiến tới các mốc 1.250 - 1.255 và 1.276 - 1.284 điểm.

Do đó, nhóm phân tích khuyến nghị tập trung giao dịch các mã trụ trong rổ chỉ số VN30, ngành chứng khoán, bất động sản, và các cổ phiếu chưa tăng nhiều của các ngành khác (nhịp tăng tính từ đầu tháng 5).

Trong danh mục tháng 8, ABS đang hướng tới các nhóm ngành hưởng lợi từ xu hướng giảm lãi suất bao gồm: ngân hàng (ACB, CTG, MSB), chứng khoán (VND, MBS, HDB), bất động sản (NLG), phân bón (DPM, DCM, DGC), sản xuất xuất khẩu (PTB, VCS), năng lượng (BCG, POW), bán lẻ (PNJ)...

Tin bài liên quan