Để gỡ nghẽn cho vấn đề thanh khoản cần xử lý một lúc 3 bài toán

Để gỡ nghẽn cho vấn đề thanh khoản cần xử lý một lúc 3 bài toán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là đánh giá của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương tại Talkshow Chọn danh mục (phần 2) kỳ 4 do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua.

Tại Talkshow Chọn danh mục (phần 2) - kỳ 4 với chủ đề Gỡ nghẽn dòng tiền do Báo Đầu tư tổ chức sáng 18/11, khi được hỏi về áp lực thanh khoản đối với doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung, TS. Võ Trí Thành nhận định, Việt Nam còn có 2 đặc thù.

Thứ nhất, trong những tháng đầu năm nay, do nhu cầu phục hồi kinh tế, tốc độ tăng tín dụng rất mạnh. Room tín dụng theo quy định là khoảng 14% nhưng nếu so từng tháng của năm nay so với năm ngoái thì có những thời điểm tốc độ tăng room tín dụng đạt tới 17%. Những giai đoạn như vậy tổng cung tiền chỉ tăng 5-6%, nhưng tín dụng tăng nhanh như thế nên áp lực thanh khoản đối với không ít ngân hàng là rất khó khăn, đòi hỏi phải tăng lãi suất để huy động vào.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Thứ hai, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều năm trì hoãn dần dần tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, nhưng nhiều tháng đầu năm nay, tỷ lệ tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản (cả cho nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng cá nhân vay để sửa chữa nhà hay là đầu tư thứ cấp) lại tăng nhanh hơn mức tăng trung bình của tín dụng. Cho nên, khi cho vay trung và dài hạn thì khoản vay có thể thu lại được theo thời gian lại giảm đi, chưa nói đến các vấn đề khó khăn, nợ xấu khi cho vay trung và dài hạn.

Bên cạnh khó khăn tổng thể, thì có những đặc thù của hệ thống tài chính, cũng như hoạt động huy động tín dụng của Việt Nam trong năm nay khiến việc tiếp cận vốn khó khăn như vậy.

Theo ông Thành, còn một lý do nữa là một lượng tiền rất lớn hàng trăm ngàn tỷ đồng của ngân sách qua phát hành trái phiếu để thực hiện đầu tư công phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển chưa chi được. Thêm nữa, thắt chặt tiền tệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tăng trưởng và hồi phục. Đó là cái phải đánh đổi mà thường nhiều nước phải làm. Vậy nên, từ khoảng quý III/2022 đến nay, xuất khẩu cũng đã giảm và theo dự báo sang năm trụ đỡ về xuất khẩu này cũng sẽ giảm.

Việt Nam đang cố gắng một mặt giữ ổn định, mặt khác đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng và ít nhất cũng cố hạn chế được tác động tiêu cực từ bên ngoài do các điều kiện tài chính tiền tệ khó khăn ngặt nghèo hơn, để làm sao hạn chế tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất kinh doanh và phục hồi. Đó là một bài toán khó, ông Thành nhận định.

Theo ông Thành, thanh khoản hiện nay lại khó khăn như vậy là vì từ câu chuyện chính sách, từ các kênh dẫn vốn tín dụng, trái phiếu, cổ phiếu (cổ phiếu có thị trường ảm đạm như hiện nay thì IPO rất khó khăn), các cách huy động vốn đều khó. Thêm nữa, tâm lý thị trường hiện nay là tâm lý phòng thủ rất cao: người ta có thể có tiền nhưng không muốn xuống tiền.

Ông Thành nhận định, cái khó lớn nhất hiện nay là cùng lúc chúng ta phải xử lý ba bài toán. Thứ nhất là ổn định vĩ mô, không chỉ đơn thuần là lạm phát, mặc dù lạm phát tính theo năm của Việt Nam vẫn đang tăng, nhưng mục tiêu là ổn định lạm phát trung bình.

Thứ hai là tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế, vì cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam tuy không quá khó khăn, nhưng không còn đẹp như những năm trước đây.

Thứ ba, bên cạnh ổn định vĩ mô còn là câu chuyện an toàn của hệ thống ngân hàng. Câu chuyện không chỉ là sản xuất - kinh doanh ở những lĩnh vực phi tài chính, phi ngân hàng, mà còn là câu chuyện cả hệ thống tài chính ngân hàng.

"Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm được điểm cân bằng, quan trọng nhất không gây ra sự đổ vỡ, có thể tác động tiêu cực nhưng không tiêu cực quá. Quan trọng nhất là không gây ra sự đổ vỡ ở thị trường bất động sản, ở hệ thống ngân hàng hay ở niềm tin thị trường và xã hội", ông Thành kết luận.

Tin bài liên quan