HDBank đang hợp tác với hai công ty bảo hiểm là Dai-ichi Life và FWD.

HDBank đang hợp tác với hai công ty bảo hiểm là Dai-ichi Life và FWD.

Bancassurance vẫn là… mỏ vàng

(ĐTCK) Bất chấp ngành bảo hiểm nhân thọ vừa trải qua "cuộc khủng hoảng niềm tin", lĩnh vực phân phối bảo hiểm qua ngân hàng vẫn sẽ mang lại nguồn thu lớn cho các ngân hàng năm 2023.

Lãi từ mảng bảo hiểm chiếm tỷ trọng lớn

Năm 2022, MB đạt lợi nhuận trước thuế 18.155 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với năm 2021, một phần là nhờ doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm tăng gần 1.800 tỷ đồng, đạt 10.185 tỷ đồng (năm 2021 đạt 8.386 tỷ đồng, năm 2020 đạt 5.849 tỷ đồng, năm 2019 đạt 4.202 tỷ đồng). Nguồn thu từ bảo hiểm chiếm tới 71,5% doanh thu mảng dịch vụ chung của MB, tiếp tục tăng so với tỷ lệ 68% năm 2021. Ngân hàng này có hai công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm là MIC và MB Ageas.

Tương tự, VPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 16.923 tỷ đồng trong năm 2022; nguồn thu từ kinh doanh bảo hiểm đạt 3.354 tỷ đồng, tăng 42% so năm 2021 và chiếm một phần ba tổng thu nhập dịch vụ.

Theo VPBank, kể từ khi thỏa thuận hợp tác phân phối độc quyền bảo hiểm được ký kết lần đầu năm 2017, VPBank luôn nằm trong nhóm ngân hàng có doanh số bán bảo hiểm nhân thọ cao nhất. Hoạt động phân phối bảo hiểm cho AIA đã được triển khai ở hơn 250 chi nhánh của Ngân hàng (giữa tháng 3/2022, VPBank tái ký hợp đồng phân phối bảo hiểm với AIA với thời hạn 19 năm, khoản phí được chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta ước tính là 8.000 tỷ đồng). Ngoài ra, đầu tháng 11/2022, VPBank nhận chuyển nhượng thêm vốn và sở hữu 98% Bảo hiểm OPES.

Techcombank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 20.436 tỷ đồng trong năm 2022; thu nhập từ lãi, doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm đạt 1.750,6 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2021. Hiện ngân hàng này có chương trình bảo hiểm kết hợp đầu tư cùng đối tác Manulife Việt Nam.

VIB có thu nhập hoa hồng bảo hiểm 1.302 tỷ đồng trong năm 2022, tăng gần 9% so với năm 2021, nhờ phân phối các sản phẩm bảo hiểm của Prudential.

Một nhà băng khác được cho là có doanh thu bảo hiểm đóng góp tỷ trọng lớn vào lợi nhuận nhưng không được thuyết minh cụ thể trong báo cáo tài chính, đó là VietinBank. Cuối tháng 1/2022, VietinBank và Manulife công bố thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài 16 năm, với phí trả trước khoảng 30 triệu USD, dự kiến chi trả trong 6 năm.

Doanh thu từ dịch vụ kinh doanh và tư vấn bảo hiểm năm 2022 của TPBank giảm 8% so với năm 2021, xuống đạt 876 tỷ đồng. Đây là nhà băng hiếm hoi ghi nhận nguồn thu từ mảng bảo hiểm giảm. TPBank hiện phân phối bảo hiểm của Manulife và Sun Life.

Một số nhà băng nhỏ ghi nhận vài chục tỷ đồng doanh thu từ bảo hiểm, nhưng có tốc độ tăng trưởng nhanh. Chẳng hạn, PGBank thu 33 tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm năm 2022, tăng hơn 310% so với năm 2021.

SCB chưa công bố doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm năm 2022. Theo báo cáo tài chính năm 2021, doanh số bảo hiểm nhân thọ của SCB đạt 1.028 tỷ đồng.

Kỳ vọng tăng trưởng dài hạn

Trong vòng hai năm qua, hàng loạt thương vụ hợp tác giữa các công ty bảo hiểm và ngân hàng được công bố như ACB mở rộng hợp tác với Sun Life, MSB bắt tay với Prudential, Sacombank nâng tầm hợp tác với Dai-ichi Life, VPBank tái ký hợp đồng bảo hiểm độc quyền với AIA, ABBank hợp tác chiến lược với Dai-ichi Life… Động thái này cho thấy, các nhà băng kỳ vọng, mảng kinh doanh bảo hiểm sẽ tăng trưởng mạnh trong dài hạn, đóng góp không nhỏ vào tổng lợi nhuận.

Ảnh tác giả

Việc các ngân hàng triển khai bán bảo hiểm liên kết để tăng thu dịch vụ sẽ tiếp tục là xu hướng phổ biến.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, việc các ngân hàng triển khai bán bảo hiểm liên kết để tăng thu dịch vụ là xu hướng phổ biến hiện nay.

Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho hay, Ngân hàng đang hợp tác với hai công ty bảo hiểm là Dai-ichi Life và FWD. Đến nay, mảng kinh doanh bảo hiểm được HDBank đầu tư bài bản, triển khai tư vấn cho khách hàng chưa có vụ việc đáng tiếc nào xảy ra. Năm 2023, Ngân hàng đặt mục tiêu nằm trong Top 5 về doanh thu bảo hiểm.

Tổng giám đốc Techcombank Jens Lottner chia sẻ, mô hình phân phối bảo hiểm của Techcombank khác biệt so với các ngân hàng khác, hướng tới nhu cầu của từng khách hàng, chú trọng vào khâu tư vấn để khách hàng phân biệt rõ sản phẩm bảo hiểm và tiết kiệm. Ngân hàng tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác với Manulife Việt Nam.

Với VietinBank, ngân hàng này đặt mục tiêu năm 2023 đạt doanh thu từ phí 4.080 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2022, trong đó phí từ bán chéo bảo hiểm là 809 tỷ đồng, riêng sản phẩm nhân thọ của Manulife Việt Nam kỳ vọng tăng 51%.

ABBank xác định, tăng cường phát triển sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thông qua kênh hợp tác đối tác chiến lược là một trong những giải pháp hữu hiệu để gia tăng thu nhập từ phí. Ngân hàng đã xây dựng những công cụ mới về dữ liệu khách hàng, tập trung đưa sản phẩm bảo hiểm đến với khách hàng thực sự có nhu cầu. Năm 2023, ABBank đề ra mục tiêu tỷ lệ thu phí dịch vụ và bảo lãnh trên tổng thu nhập đạt 18,36%, gấp 3,3 lần năm 2022.

Thu nhập từ lãi đóng vai trò là nguồn thu chính của các ngân hàng, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng bị kiểm soát bởi quy mô ngân hàng và trần tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp hàng năm. Do đó, các ngân hàng từ lâu đã có định hướng hạn chế sự phụ thuộc vào tín dụng và đa dạng hóa nguồn thu. Thu nhập từ dịch vụ là trụ cột chính trong thu nhập phi tín dụng mà ngân hàng hướng đến và thu từ phí thông qua bancassurance là một trong những nguồn chiếm tỷ trọng cao trong cấu phần này.

Sau khi ký kết hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm, các ngân hàng đưa ra chỉ tiêu kinh doanh về bảo hiểm tương tự như các nghiệp vụ khác. Theo đó, mỗi chi nhánh, phòng giao dịch phân bổ chỉ tiêu này cho từng nhân viên, nhất là bộ phận tín dụng có tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Thực tế, phản ánh trên thị trường cho thấy, có những nhân viên ngân hàng vì áp lực hoàn thành chỉ tiêu nên vừa chào mời, vừa năn nỉ khách hàng vay vốn mua bảo hiểm, điều này gây bức xúc cho người đi vay. Đặc biệt, tại SCB, một số khách hàng đến gửi tiết kiệm được “hô biến” thành mua bảo hiểm.

Trước tình trạng trên, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm, không để xảy ra trường hợp o ép khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức…

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cùng các văn bản có liên quan; nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nâng cao chất lượng của đại lý bảo hiểm, giám sát hoạt động tư vấn của đại lý, bảo đảm minh bạch thông tin với khách hàng; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phù hợp với thực tiễn, triệt để khắc phục những bất cập trong triển khai bảo hiểm nhân thọ; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có vi phạm…

Doanh thu kênh bancassurance từ năm 2023 được giới phân tích nhận định sẽ không dễ đạt mức tăng trưởng cao như trước.

Tin bài liên quan