Bancassurance là “con gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng và công ty bảo hiểm

Bancassurance là “con gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng và công ty bảo hiểm

Siết chặt Bancassurance

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau liên tiếp những lùm xùm, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) sẽ được siết chặt hơn trong thời gian tới.

Tiếp tục thanh tra doanh nghiệp có doanh thu bancassurance cao

Cập nhật mới nhất từ Bộ Tài chính cho thấy, sau khi thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh liên quan đến bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, kết quả đến ngày 25/4/2023, cơ quan này nhận được 192 kiến nghị, phản ánh qua điện thoại và 299 kiến nghị, phản ánh qua email, đồng thời phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến bancassurance.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước xây dựng quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan trong việc thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng; rà soát, sửa đổi và bổ sung các hành vi vi phạm hành chính về bancassurance trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, dự kiến trình Chính phủ thông qua và ban hành trong quý IV/2023. Ngoài ra, trong năm nay, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng cao.

Hiện nay, ở nhiều quốc gia, bancassurance có tốc độ phát triển gấp 4 lần so với mức tăng trưởng chung của thị trường. Chẳng hạn, tại Tây Ban Nha, bancassurance hiện chiếm hơn 65% doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ, tương tự ở Pháp là 60%, Bỉ và Ý là 50%... Theo báo cáo nghiên cứu ngành bancassurance toàn cầu năm 2023 do MarketWatch công bố, quy mô thị trường bancassurance toàn cầu được định giá hơn 2,4 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến tăng lên 3,2 tỷ USD vào năm 2028, tương đương tăng bình quân 5,01%/năm.

Tại Việt Nam, tổng doanh thu phí qua kênh bancassurance hiện chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ. Năm 2022, tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ 2 qua kênh phân phối ngân hàng có sự phân hóa rõ nét giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, có doanh nghiệp tương đối thấp ở mức khoảng 60%, nhưng cũng có doanh nghiệp tương đối cao vào khoảng 75-80%.

Nhìn vào những con số của thị trường bancassurance thế giới và Việt Nam, có thể thấy xu hướng phát triển bancassurance những năm tới là tất yếu. Theo các chuyên gia trong ngành, bancassurance nếu được thực hiện đúng tinh thần và triển khai đúng cách sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, bao gồm khách hàng, ngân hàng và công ty bảo hiểm. Ngược lại, nếu không được quản lý tốt sẽ khiến khách hàng không hài lòng, ngân hàng bị tổn thất về danh tiếng, công ty bảo hiểm gánh lỗ do chi phí trả cho ngân hàng cao mà khai thác không hiệu quả.

Tại một hội thảo về bancassurance hồi đầu năm 2023, lãnh đạo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, do đặc thù của kênh bancassurance, khách hàng mua bảo hiểm thường sử dụng các dịch vụ của ngân hàng nên dễ bị tác động bởi uy tín hoặc áp lực từ ngân hàng trong việc mua bảo hiểm. Nhân viên bán bảo hiểm tại ngân hàng cũng mang tính kiêm nhiệm nên chưa thực sự chuyên nghiệp, mức độ tập trung bán hàng chưa cao. Áp lực đạt doanh số có thể dẫn đến việc tư vấn sản phẩm không phù hợp với nhu cầu, công tác chăm sóc khách hàng hạn chế…

Do đó, để đảm bảo quyền và lợi ích cho bên mua bảo hiểm, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm phân phối sản phẩm qua các tổ chức tích dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bổ sung một số quy định, trong đó yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc chào bán, tư vấn, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.

“Mặc dù quy định pháp luật đã tương đối đầy đủ và các biện pháp quản lý, giám sát cũng được tăng cường, nhưng ý thức của một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng khi tham gia phân phối sản phẩm bảo hiểm còn chưa cao. Nếu cải thiện được điều này sẽ góp phần đáng kể trong việc triển khai bancassurance một cách chuyên nghiệp, hiệu quả”, vị lãnh đạo trên nói.

Kinh nghiệm từ các thị trường phát triển

Tính đến ngày 25/4/2023, Bộ Tài chính nhận được 192 kiến nghị, phản ánh qua điện thoại và 299 kiến nghị, phản ánh qua email, đồng thời phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến bancassurance.

Sau những sự cố về bancassurance, thời gian gần đây, những thắc mắc về hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng ở các thị trường khác, về việc các ngân hàng khi ký kết hợp tác với các hãng bảo hiểm phải chịu trách nhiệm ra sao về chất lượng tư vấn bảo hiểm cũng như tỷ lệ duy trì hợp đồng các năm sau cho đối tác bảo hiểm, hoặc khách hàng liệu có bị “ép” phải mua bảo hiểm khi vay vốn mà không hiểu gì về sản phẩm như ở Việt Nam hay không… được đề cập nhiều.

Trả lời cho những thắc mắc trên, một chuyên gia bảo hiểm cho biết, mỗi quốc gia có những quy định riêng về việc ngân hàng khai thác kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Chẳng hạn, Canada không cho phép ngân hàng được bán bảo hiểm, kể cả bảo hiểm nhân thọ. Có những ngân hàng sở hữu công ty bảo hiểm nhưng vẫn là hoạt động riêng biệt giữa mảng ngân hàng và bảo hiểm, thậm chí còn không được phép giới thiệu (refer) khách hàng từ ngân hàng sang bảo hiểm. Ngân hàng muốn bán bảo hiểm nhân thọ thì phải lập công ty bảo hiểm và việc kinh doanh này phải hoàn toàn tự chủ, độc lập với mảng ngân hàng.

Hay tại Hoa Kỳ, các cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý bảo hiểm và tòa án dù cho phép các ngân hàng được kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, nhưng đi kèm theo đó là nhiều điều kiện rất chặt chẽ như: Nhân viên ngân hàng khi tư vấn bảo hiểm bị cấm không được có bất cứ hành động tư vấn nào khiến khách hàng hiểu rằng, các hoạt động tín dụng của họ bị ảnh hưởng/có điều kiện dựa trên việc họ tham gia bảo hiểm nhân thọ với ngân hàng; nghiêm cấm nhân viên ngân hàng có hành động tư vấn khiến khách hàng hiểu sai việc tham gia bảo hiểm nhân thọ với hoạt động tiết kiệm, đầu tư khác; việc phê chuẩn tín dụng của ngân hàng không được liên quan đến việc khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ với nhân viên ngân hàng; khách hàng được quyền tự do tham gia bảo hiểm với các đơn vị khác ngoài ngân hàng.

Đồng thời, ngân hàng phải bố trí khu vực tư vấn bảo hiểm cách xa khu vực kinh doanh hoạt động ngân hàng nhằm tránh cho khách hàng hiểu lầm là đang tham gia vào hoạt động giao dịch với ngân hàng, chứ không phải bảo hiểm. Nhân viên ngân hàng thực hiện nghiệp vụ khai thác bảo hiểm phải tuân thủ quy định về bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận chuyên môn theo luật liên bang và luật tiểu bang. Bất cứ khách hàng nào phát hiện nhân viên ngân hàng hoặc ngân hàng không đáp ứng các quy định của pháp luật đều có quyền (và được khuyến khích) báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý (cụ thể là bộ phận hỗ trợ khách hàng của Cục Quản lý tiền tệ - Bộ Ngân khố Hoa Kỳ).

“Với các quy định cụ thể, rõ ràng và sự giám sát chặt chẽ của cả cơ quan chức năng lẫn người dân (khách hàng), ở các nước nêu trên hoàn toàn không để xảy ra các hành vi ‘ép’ phải mua bảo hiểm nhân thọ tại ngân hàng như ở Việt Nam”, vị chuyên gia trên khẳng định.

Tin bài liên quan