Việc bảo vệ sức khỏe khách hàng được các doanh nghiệp nhân thọ quan tâm nhiều hơn. Ảnh: Dũng Minh.

Việc bảo vệ sức khỏe khách hàng được các doanh nghiệp nhân thọ quan tâm nhiều hơn. Ảnh: Dũng Minh.

Bảo hiểm nhân thọ “lấn sân” bảo hiểm sức khỏe

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như trước đây bảo hiểm sức khỏe gần như là "lãnh địa" của các doanh nghiệp phi nhân thọ thì giờ đây sức cạnh tranh sẽ khác.

Các gói bảo hiểm sức khỏe luôn được ưu tiên trong danh mục chi tiêu tiền nhàn rỗi của người dân, điều này đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ chi tiêu cho bảo hiểm sức khỏe, theo nhận định của Nielsen.

Thực tế, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh, kéo theo mức lạm phát y tế cao hơn so với các nước trên thế giới. Ngoài ra, sự già hóa dân số dẫn đến rủi ro sức khỏe lớn hơn, đồng nghĩa với chi phí y tế điều trị cao hơn. Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần người trẻ vì người người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc.

Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ chi trả tiền túi từ người sử dụng dịch vụ y tế còn cao, chiếm 43% dân số, gấp 2 lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và gấp 2,5 lần so với các nước phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình bị nghèo hóa, hoặc tái nghèo sau điều trị bệnh. Thực tế này thúc đẩy người dân tìm kiếm các phương án phù hợp nhằm giảm gánh nặng chi phí y tế khi phải nhập viện.

Số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 4/2022, tổng số hợp đồng khai thác sản phẩm bảo hiểm sức khỏe mới của khối nhân thọ tăng 31,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 7,8%. Ở khối phi nhân thọ, doanh thu bảo hiểm sức khỏe tăng 17,9% và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các nghiệp vụ với 31%.

Theo đại diện Manulife Việt Nam, các dịch vụ về sức khỏe đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với ngành bảo hiểm nhân thọ khi tuổi thọ trung bình ngày càng tăng và công nghệ sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi này để cải thiện sức khỏe của khách hàng.

Được biết, Manulife Việt Nam vừa đưa ra thị trường 2 sản phẩm bảo hiểm bổ trợ mới, trong đó nới rộng độ tuổi tham gia lên đến 69 tuổi và bảo vệ toàn diện đến 85 tuổi. Đồng thời, với quyền lợi bảo hiểm y tế đặc biệt lần đầu tiên có mặt trên thị trường, khách hàng sẽ được chi trả quyền lợi dựa vào một số tiêu chí về điều trị hoặc phẫu thuật, mà không cần thỏa mãn định nghĩa bệnh.

Cũng nhắm vào phân khúc chăm sóc sức khỏe, BIDV MetLife cho ra mắt sản phẩm Quà tặng sức khỏe - sản phẩm đầu tiên và duy nhất trên thị trường bảo hiểm nhân thọ chi trả chi phí điều trị cho bệnh tiểu đường Type-2, đồng thời hỗ trợ điều trị bệnh ung thư ngay từ giai đoạn sớm.

Ông Gaurav Sharma, Tổng giám đốc BIDV MetLife chia sẻ, sắp tới, nhà bảo hiểm này sẽ đưa vào ứng dụng một dịch vụ tổng thể nhằm trao quyền tự chủ cho khách hàng để họ có thể chủ động truy vấn các thông tin về hợp đồng, thực hiện các giao dịch quyền lợi cơ bản...

Tương tự, Mirae Asset Prévoir (MAP Life) cũng giới thiệu đến khách hàng sản phẩm bảo hiểm bệnh ung thư “Vững tin sống khỏe” với mức bảo hiểm lên đến 500 triệu đồng... Theo ông Ko Young Wan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc MAP Life, nền tảng này cho phép các hợp đồng được thẩm định và phát hành ngay lập tức sau khi thanh toán phí bảo hiểm thành công. Nền tảng cung cấp cách thức tính phí bảo hiểm đơn giản, minh bạch và hiệu quả để nhận mức phí bảo hiểm phù hợp...

Thực tế, bên cạnh phát triển sản phẩm mới, các công ty bảo hiểm cũng đang tập trung cung cấp các dịch vụ gia tăng, bao gồm cả chăm sóc sức khỏe từ xa, để không chỉ chăm sóc khách hàng tốt hơn, mà còn giúp họ làm quen dần với những ứng dụng bảo hiểm, từ đó nhà bảo hiểm có thêm dữ liệu để cung cấp những sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn.

Tin bài liên quan