Bảo hiểm ứng phó với lãi suất tiền gửi giảm

Bảo hiểm ứng phó với lãi suất tiền gửi giảm

(ĐTCK) Lợi nhuận kỳ vọng của các DN bảo hiểm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi xu hướng giảm mạnh lãi suất tiền gửi trong năm nay.

Giảm lãi suất, Doanh nghiệp bảo hiểm giảm lợi nhuận

Khối bảo hiểm đang có 7 DN có cổ phiếu niêm yết là Tập đoàn Bảo Việt (BVH), CTCP PVI (PVI), Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR), Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), Tổng CTCP Bảo Minh (BMI), Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PGI) và Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI).

Ngoại trừ trường hợp Tập đoàn Bảo Việt, các khoản lãi từ tiền gửi ngân hàng đều chiếm 60 - 80% doanh thu hoạt động tài chính cho các nhà bảo hiểm. Các trường hợp điển hình có BIC chiếm hơn 82% hay VNR chiếm 70%. Tại Bảo Việt, tỷ trọng doanh thu lãi tiền gửi chỉ chiếm 40% doanh thu tài chính, nhưng doanh thu hoạt động tài chính lại đem lại đến 125% lợi nhuận cho cả Tập đoàn.

Trong khi lãi tiền gửi chiếm 60 - 80% doanh thu tài chính, lợi nhuận tài chính đang là “đệm đỡ” cho các nhà bảo hiểm phi nhân thọ - không những đem lại khoản lợi nhuận trước thuế cho các DN này, mà trong nhiều trường hợp còn bù đắp phần lỗ nghiệp vụ bảo hiểm. Tại BIC, lợi nhuận tài chính chiếm 105% lợi nhuận trước thuế, trong khi với Bảo hiểm Bưu điện, tỷ lệ này là 118%. Chỉ có trường hợp Bảo Minh, phần lợi nhuận tài chính chiếm tỷ trọng thấp là 60% lợi nhuận trước thuế.

Trần lãi suất tiền gửi 1 năm đã giảm xuống 7,5% bắt đầu từ ngày 25/3/2013, từ mức trước đó là 8%. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể còn tiếp tục giảm lãi suất về 7% cùng với giảm lãi suất các kỳ hạn khác, nên có thể sẽ ảnh hưởng rõ rệt tới lợi nhuận của các nhà bảo hiểm.

“Trong xu hướng lãi suất tiền gửi giảm, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất do lợi nhuận chủ yếu của khối DN này đến từ hoạt động đầu tư tài chính và chủ yếu tập trung vào tiền gửi ngân hàng hay mua trái phiếu”, bà Lê Thị Lệ Dung, Phó phòng Phân tích CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định.

Bà Dung cho biết, VCBS có thể điều chỉnh giảm lợi nhuận kỳ vọng đối với nhóm cổ phiếu bảo hiểm trong trường hợp lãi suất tiền gửi giảm mạnh. Ngoài ra, theo bà Dung, nhóm các DN sản xuất có nguồn tiền mặt lớn cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ xu hướng giảm lãi suất này. Tuy nhiên, vì doanh thu tài chính thường chiếm tỷ trọng nhỏ đối với nhóm DN này, nên sẽ không có điều chỉnh lợi nhuận đáng kể.

Thực tế, ngoài các DN bảo hiểm, một vài công ty chứng khoán như Agriseco cũng đã có thu nhập đáng kể từ tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên, tỷ trọng doanh thu tiền gửi của các công ty này thấp hơn hẳn nhóm ngành bảo hiểm, chỉ chiếm 10 - 30% tổng doanh thu.

 

Tìm cách sinh lợi mới và kỳ vọng lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng

“Ở góc nhìn tích cực, lãi suất hạ đang giúp giá trị danh mục đầu tư trái phiếu của các công ty bảo hiểm tăng”, ông Trần Thế Phong, Trưởng phòng Tài chính-ngân hàng, Khối nghiên cứu & Tư vấn đầu tư SSI nhận xét. Ông Phong lưu ý, trước mắt thu nhập tài chính của các DN này vẫn sẽ giảm và chỉ khi nào các DN chốt lãi thì mới có thể ghi nhận lợi nhuận của danh mục này.

Bên cạnh đó, theo ông Phong, lãi suất giảm là một trong những yếu tố có khả năng khiến TTCK khởi sắc. Nếu diễn biến này xảy ra, nhiều khoản dự phòng đầu tư chứng khoán của nhóm công ty bảo hiểm, cũng như các DN có đầu tư tài chính, sẽ được hoàn nhập.

Một vài DN trong khối bảo hiểm đã bắt đầu chuẩn bị ứng phó với tình trạng giảm lãi suất tiết kiệm.  Ông Dương Đức Chuyển, Giám đốc Khối Xây dựng Chiến lược của Tập đoàn Bảo Việt trong buổi họp báo công bố kết quả kinh doanh tuần trước chia sẻ, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh đang ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của Tập đoàn và các DN bảo hiểm. Tuy nhiên, Tập đoàn sẽ chuyển một phần tiền gửi vào cách kênh đầu tư khác hợp lý. Các kênh đầu tư này không ngoại trừ cổ phiếu.

Dù phải tìm cách xoay xở, nhưng khả năng dòng tiền đầu tư chuyển từ tiền gửi của các DN bảo hiểm sang kênh cổ phiếu được dự đoán không lớn, do các DN bảo hiểm chịu hạn chế về loại hình đầu tư. Do đó, tiền gửi ngân hàng và trái phiếu vẫn là kênh chủ yếu của các DN này. Trong khi đối với DN sản xuất có lượng tiền gửi ngân hàng lớn, việc chuyển số tiền này sang đầu tư chứng khoán sẽ không thanh khoản và linh động cho các DN này bằng việc để tiền mặt ở ngân hàng, do đó lượng tiền này khó có thể bứt khỏi ngân hàng để chảy vào TTCK.