Các doanh nghiệp nhân thọ đang đối mặt với rất nhiều thách thức

Các doanh nghiệp nhân thọ đang đối mặt với rất nhiều thách thức

Bảo hiểm và "hiệu ứng ếch luộc"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau hơn 2 thập kỷ tăng trưởng 2 chữ số, ngành bảo hiểm Việt Nam đã bước một chân vào giai đoạn đặc biệt khó khăn.

Doanh thu giảm, chi trả bảo hiểm tăng

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đánh giá, cùng với tác động khách quan từ kinh tế vĩ mô, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn.

Ông Trung cho biết, tính đến hết tháng 8/2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 147.130 tỷ đồng, giảm 6,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 46.199 tỷ đồng, tăng 3,5%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 100.931 tỷ đồng, giảm 9,9%.

Đáng chú ý, tuy doanh thu giảm nhưng tổng chi trả quyền lợi cho khách hàng toàn thị trường vẫn tăng, ước đạt 46.529 tỷ đồng, tăng 20,78% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khối nhân thọ chiếm khoảng 32.208 tỷ đồng, còn khối phi nhân thọ chiếm khoảng 14.321 tỷ đồng.

Hiện chưa có số liệu kinh doanh chính thức quý III/2023 (tháng 10 mới công bố) tại từng công ty bảo hiểm, nhưng từ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm đã cho thấy tăng trưởng doanh thu của khối phi nhân thọ tích cực hơn khối nhân thọ, tập trung ở nhóm doanh nghiệp lớn.

Ở khối phi nhân thọ, Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Bảo Việt tiếp tục ở tốp dẫn đầu về doanh thu. Cụ thể, Bảo hiểm PVI đứng đầu thị trường với tổng doanh thu đạt 7.252 tỷ đồng, hoàn thành 113,5% kế hoạch 6 tháng. Bảo hiểm Bảo Việt vẫn đứng thứ hai, nhưng giữ khoảng cách khá xa so với Bảo hiểm PVI khi doanh thu 6 tháng đầu năm gần như không tăng trưởng, đạt 5.556 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ năm trước).

Một số doanh nghiệp phi nhân thọ khác nằm trong Top 10 doanh thu cao nhất thị trường như PJICO, MIC… vẫn duy trì được đà tăng doanh thu, trong khi BSH tăng trưởng chậm lại. Đáng chú ý, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm BIDV (BIC) ghi nhận tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ tăng tới 24,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.363 tỷ đồng - nằm trong nhóm tăng trưởng doanh thu cao nhất thị trường.

Xóa bỏ mối lo không được chi trả bảo hiểm

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước cùng sự chủ động điều chỉnh của các doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm nhân thọ bắt đầu có sự chuyển biến, mà điều dễ thấy nhất là việc gia tăng đảm bảo quyền lợi khách hàng thông qua con số chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng cao.

Với khối nhân thọ, theo chuyên gia bảo hiểm Lê Minh, các doanh nghiệp khối này đang đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là về niềm tin.

“Giai đoạn này sẽ tiếp tục thử thách sự kiên nhẫn của nhiều người làm bảo hiểm, nhất là với tầng lớp quản lý cấp trung và cấp cao: Hoặc là khác biệt để dẫn đầu, hoặc là lụi tàn. Lần đầu tiên, ngành bảo hiểm nhân thọ xuất hiện ‘hiệu ứng ếch luộc’ ở quy mô lớn khi hàng nghìn MDRT đã phải nghỉ việc. Bởi vậy, muốn có doanh số đột phá thì phải có cách làm đột phá và khác biệt”, vị chuyên gia này nói.

Nhiều đại lý bảo hiểm lâu năm cũng có cùng quan điểm rằng, xu hướng của ngành bảo hiểm nhân thọ thời gian tới sẽ là đại lý nào tạo sự cạnh tranh tốt về dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ khách hàng sẽ là người quyết định cuộc chơi. Bởi lẽ, dù có quảng cáo “sản phẩm ưu việt nhất thị trường, số 1 về doanh thu thị phần”… nhưng không đảm bảo quyền lợi cho khách hàng thì cũng trở nên vô nghĩa.

“Bí quyết chốt deal lúc này là phải xóa bỏ mối lo lớn nhất của khách hàng, đó là không được bảo đảm quyền lợi khi tham gia bảo hiểm. Song, khác biệt nằm ở chỗ, có người chỉ nói suông, trong khi người khác biết dùng thêm hành động. Những lời nói, hành động không hướng tới việc tạo dựng niềm tin lâu dài với khách hàng thông qua hỗ trợ claim (bồi thường bảo hiểm), chi trả quyền lợi cho khách hàng, kê khai trung thực hồ sơ sức khỏe cho khách hàng, hỗ trợ bất kể khi nào khách hàng cần… thì đều lãng phí và vô nghĩa”, đại lý bảo hiểm lâu năm Phạm Quỳnh Anh nhấn mạnh.

Theo ông Ngô Việt Trung, việc tăng chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp, nhưng cũng đem lại hiệu ứng tích cực. Ông Trung cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước cùng sự chủ động điều chỉnh của các doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm nhân thọ bắt đầu có sự chuyển biến, mà điều dễ thấy nhất là việc gia tăng đảm bảo quyền lợi khách hàng thông qua con số chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng cao.

“Có khách hàng phản ánh chất lượng tư vấn của đại lý bảo hiểm bắt đầu có sự cải thiện. Dẫu vậy, sự cải thiện này cần được duy trì đều đặn và bền vững hơn nữa”, ông Trung nói.

Trong một diễn biến liên quan tới chi trả bảo hiểm, ngay sau khi xảy ra vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm trong vụ cháy trước ngày 19/9/2023. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan và tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm do vụ cháy gây ra để đánh giá mức độ thiệt hại, xác định phạm vi bồi thường bảo hiểm và thực hiện các thủ tục giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho người tham gia bảo hiểm.

Thông tin từ cơ quan này cho biết, thống kê đến ngày 19/9/2023, 10 doanh nghiệp bảo hiểm có khách hàng tham gia bảo hiểm bị thiệt hại về người trong vụ cháy. Số tiền chi trả bảo hiểm ước khoảng 10,3 tỷ đồng.

Về phía doanh nghiệp, đến nay, Manulife Việt Nam và AIA Việt Nam đã và đang thực hiện chi trả bảo hiểm cho gia đình có người thân không may qua đời trong vụ cháy. Ngoài ra, Manulife Việt Nam đang làm việc để xác minh danh tính và tình trạng các khách hàng của 8 hợp đồng khác nhằm hỗ trợ chi trả bảo hiểm nhanh nhất.

Cơ quan quản lý bảo hiểm cũng yêu cầu Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và quy định của pháp luật có liên quan.

Trong một động thái khác, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, gia tăng nhận thức của người dân về các sản phẩm bảo hiểm, từ đó giúp lựa chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu bảo vệ và tài chính, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi quyết định tham gia hợp đồng bảo hiểm, tránh các tranh chấp không đáng có.

Ngoài ra, cơ quan này đang triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo hướng quy định rõ ràng, minh bạch, cụ thể nhằm tăng tính răn đe, đảm bảo tính kỷ cương của thị trường bảo hiểm. Nghị định này dự kiến sẽ trình Bộ Tài chính, Chính phủ phê duyệt và ban hành trong quý IV/2023. Việc hoàn thiện Nghị định sẽ tạo khung khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc, hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển minh bạch, bền vững.

Tin bài liên quan