Ông Nguyễn Phúc Long

Ông Nguyễn Phúc Long

Bí quyết “giữ lửa” của Chủ tịch TIG

(ĐTCK) Là doanh nhân thế hệ 7x, ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG) vừa có sự từng trải của lớp doanh nhân trải qua nhiều “va đập” với thương trường, nhưng không vì thế mà thiếu đi tốc độ, thậm chí là độ… liều của lớp doanh nhân trẻ.

Có lẽ bởi vậy mà Nguyễn Phúc Long luôn giữ được “lửa” trong kinh doanh, mặc dù từng nếm trải nhiều thăng trầm. Trong câu chuyện đầu Xuân với ĐTCK, Nguyễn Phúc Long trải lòng về bí quyết giữ lửa trong kinh doanh.

Chính ông đã nắm bắt được cơ hội phát triển mới đằng sau những lần vấp ngã?

Có thể hiểu gần như vậy, tuy tôi chưa đối mặt với cú vấp ngã lớn nào nhờ biết dừng lại để chiêm nghiệm, rút bài học cho mình từ những đồng nghiệp gặp “tai nạn” và cũng nhờ chút may mắn.

Tôi là người thích nhìn về tương lai hơn là đắm chìm trong quá khứ. Kết quả kinh doanh trong quá khứ, nếu thành công là điều tuyệt vời, nhưng nếu chưa thành công, thì cũng đâu có quá tệ. Quan trọng là làm sao “không thành công cũng phải thành nhân”. Với bất kỳ một lĩnh vực kinh doanh nào, không có giới hạn cho sự sáng tạo, cho sự phát triển. Cơ hội luôn rộng mở với những người có tư duy và tầm nhìn nhạy bén trong kinh doanh. 

Là người chèo lái TIG, một tập đoàn đầu tư đa ngành vào tài chính, bất động sản, thương mại, truyền thông… Ông thấy mình “phát” ở lĩnh vực nào nhất?

Hiệu quả đầu tư vào bất động sản và tài chính hiện khá tốt. Một số lĩnh vực chưa mang lại kết quả như mong đợi bởi cơ hội chưa rõ rệt, nên TIG chưa tập trung đầu tư. Tuy nhiên, đó vẫn là những lĩnh vực tiềm năng. TIG đang có lợi thế về quỹ đất, dự án để đẩy mạnh lĩnh vực bất động sản nhằm đón đầu cơ hội khi thị trường khởi sắc. Hoạt động đầu tư M&A cũng như thương mại, phân phối sẽ là những lĩnh vực góp phần tạo sự phát triển bền vững cũng như đột biến về kết quả kinh doanh cho TIG. 

Ngoài TIG, ông còn chèo lái một số doanh nghiệp khác đầu tư vào lĩnh vực tài chính, bất động sản. Trong bối cảnh các lĩnh vực này đối mặt với nhiều khó khăn, ông đã vượt bão thành công và vươn lên. Đây có phải là một trong những lý do hai lần liên tiếp trong giai đoạn khó khăn với các doanh nghiệp tài chính và bất động sản vừa qua, ông được Ernst & Young vinh danh tại Giải thưởng quốc tế EY - Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp Việt Nam 2011 và 2014?

Đạt giải thưởng quốc tế do tập đoàn hàng đầu thế giới về kiểm toán, tư vấn tài chính bình chọn và đánh giá cùng những doanh nhân Việt Nam thành công khác thực sự là một vinh dự lớn, bởi những nỗ lực trong kinh doanh của mình mới ở phạm vi khá hẹp. Giải thưởng này ghi nhận các doanh nhân ở khía cạnh tự thân lập nghiệp, đóng góp cho xã hội và hướng tới các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp, minh bạch, cho nên mình cảm thấy cần có trách nhiệm hơn nữa trong xây dựng và phát triển doanh nghiệp bền vững, lành mạnh hơn theo các chuẩn mực đối với doanh nghiệp niêm yết, hoàn thành trách nhiệm với cổ đông, người lao động, cũng như đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng, xã hội. 

Ông nhìn nhận gì về nền kinh tế, cơ hội đầu tư trong năm 2015?

Kinh tế vĩ mô sẽ tốt hơn, nên TTCK, thị trường bất động sản… sẽ khởi sắc rõ nét hơn, thanh khoản hứa hẹn có bước đột phá. Điều này mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới hấp dẫn. Có điều, sự phát triển của các thị trường này sẽ đi vào chiều sâu, sàng lọc và phân hóa cao, nên để giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh ngày một gay gắt, những người chèo lái doanh nghiệp sẽ phải chú trọng hơn đến nâng cao chất lượng của doanh nghiệp mình, bao gồm cả nhân sự, nguồn lực tài chính, sản phẩm, dịch vụ…, qua đó gia tăng uy tín cho doanh nghiệp. Thời kỳ kinh doanh chụp giật, “đánh quả” đã qua, nên uy tín, chất lượng của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định thành công trong giai đoạn tới.

Ông Long chia sẻ, trong kinh doanh, được và mất, lãi và lỗ là lẽ thường, nên những người làm kinh doanh phải luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận. Khi không thành công trong kinh doanh ở một lĩnh vực, thay vì nuối tiếc, rồi tìm cách đổ thêm công sức, vốn liếng để cố phát triển lĩnh vực đó, hãy tỉnh táo và dũng cảm thừa nhận mình đã không thành công và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Đừng quên rằng, thất bại cũng có giá trị của nó. Đằng sau thất bại là cơ hội hé mở đang chực chờ, nếu chỉ vì nản chí, dẫn đến từ bỏ ham muốn kinh doanh, thì sẽ đánh mất những cơ hội quý giá đã được trả giá bằng chính những lần thất bại.  
Tin bài liên quan