Thanh khoản dồi dào, lãi suất cho vay hạ xuống kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu vay đầu tư, tiêu dùng.

Thanh khoản dồi dào, lãi suất cho vay hạ xuống kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu vay đầu tư, tiêu dùng.

Biến số lợi nhuận ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bức tranh lợi nhuận quý II của ngành ngân hàng được dự báo khó sáng sủa hơn quý đầu năm, song kỳ vọng sẽ tích cực hơn khi các chính sách tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng thẩm thấu vào thực tiễn dù thanh khoản hiện tại đang dư thừa.

Quý II chưa đổi gam màu

Tuần này sẽ là cao điểm công bố lợi nhuận quý II/2023 của các ngân hàng. Theo dự báo của giới chuyên gia, bức tranh lợi nhuận quý II của nhóm này khó có khả năng sáng sủa hơn quý I.

Quý đầu năm nay, toàn ngành ngân hàng ghi nhận tổng lợi nhuận sau thuế 53.074,62 tỷ đồng, sụt giảm hơn 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước (nắm sở hữu chi phối) có mức tăng trưởng lợi nhuận 22,8% so với cùng kỳ, nhưng đà tăng này không đủ bù đắp cho sự sụt giảm về lợi nhuận của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Có ba yếu tố chính ảnh hưởng tới bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý I/2023 và thực tế này vẫn tiếp diễn trong quý II.

Thứ nhất, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng vốn huy động (CASA) ở hầu hết các ngân hàng thương mại đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối đạt mức CASA trung bình 20,7%, giảm 14,3% so với cùng kỳ.

Suy giảm CASA là phản ứng tương đối phù hợp trong môi trường lãi suất tăng cao. Theo đó, khách hàng có xu hướng tối ưu dòng vốn, gửi tiền theo kỳ hạn để hưởng mức lãi suất tốt hơn, thay vì “để không” trong tài khoản ngân hàng. Dù vậy, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí vốn của các ngân hàng.

Thứ hai, biên lãi ròng (NIM) toàn ngành tiếp tục bị thu hẹp, từ mức 3,79% trong quý IV/2022 xuống mức 3,61% trong quý I/2023. Bóc tách tỷ lệ NIM theo từng nhóm, có thể nhận thấy, tăng trưởng NIM của ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước chi phối và ngân hàng thương mại khác cũng không thể bù đắp sự sụt giảm NIM đến

từ ngân hàng thương mại quy mô lớn. Cụ thể, NIM của nhóm ngân hàng thương mại như VPBank, Techcombank, MB Bank đã giảm gần 10% do kênh trái phiếu doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng, hai lĩnh vực có lợi suất cao hơn các khoản vay thông thường đang gặp khó khăn.

Yếu tố đáng chú ý là, lãi suất huy động tại các ngân hàng có xu hướng tăng trong quý IV/2022 và quý I/2023 nhưng NIM toàn ngành mới giảm nhẹ trong quý I. Điều này cho thấy độ trễ của kỳ hạn huy động và thời điểm tăng lãi suất sẽ phản ánh vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong quý II/2023.

Thứ ba, nợ xấu lộ diện tại các ngân hàng khi chất lượng tài sản suy giảm. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng từ mức 1,92% tại ngày 31/12/2022 lên 2,9% tại ngày 31/3/2023. Hầu hết các ngân hàng đều tăng tỷ lệ nợ xấu, trong đó 4 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng hơn 150%, 20 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 100% so với cuối năm 2022.

Sự gia tăng tỷ lệ này chủ yếu đến từ các khoản nợ dưới tiêu chuẩn, đạt mức hơn 57.000 tỷ đồng, tăng 115% so với cùng kỳ. Thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế khó khăn đã phản ánh vào bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng.

Mặt khác, tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tính đến thời điểm ngày 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp đáng báo động. Tín dụng tăng chậm cũng là một nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao.

Bộ đệm dự phòng tại một số ngân hàng đã mỏng đi trong quý I/2023, điển hình tại nhóm ngân hàng thương mại lớn đang niêm yết có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao trước đó (hơn 150%) đã sử dụng quỹ dự phòng để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trước áp lực mùa đại hội cổ đông. Cụ thể, tỷ lệ LLR của nhóm này đã giảm gần 25%, từ mức 144,2% trong quý IV/2022 xuống còn 109%.

Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ cải thiện phần nào trong nửa cuối năm 2023.

Thanh khoản dư thừa

Với thay đổi trong chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ trong 6 tháng đầu năm đang là chất xúc tác cho tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng phục hồi.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022.

Các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5 - 3,0%/năm, tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm vào tuần trước đã giảm về còn 0,14%/năm - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1/2021. Như vậy, lãi suất qua đêm liên ngân hàng hiện đã giảm về vùng đáy lịch sử (0,1 – 0,2%/năm) duy trì trong giai đoạn nửa cuối năm 2020.

Cùng với kỳ hạn qua đêm, hai kỳ hạn chủ chốt khác là 1 tuần và 2 tuần cũng giảm về còn lần lượt 0,32%/năm và 0,49%/năm - đều là mức thấp nhất trong vòng 2,5 năm qua. Lãi suất giảm sâu, khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao 200.000 - 220.000 tỷ đồng/phiên cho thấy sự dồi dào về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Sự dư thừa thanh khoản, cũng như lãi suất xuống thấp được kỳ vọng kích thích nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp, người dân trong thời gian tới.

Tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 7 vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, thanh khoản của các ngân hàng thương mại dư thừa do tốc độ tín dụng đang tăng trưởng chậm. Thực tế này đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gia tăng sức cầu.

Tin bài liên quan