Lợi nhuận ngân hàng giảm theo lãi suất

Lợi nhuận ngân hàng giảm theo lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù lãi suất giảm, nhưng tín dụng cũng giảm mạnh nên lợi nhuận các ngân hàng đang hao hụt.

Lãi suất dồn dập giảm

Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã lần thứ 4 liên tiếp hạ lãi suất điều hành, nhưng trước đó nhiều ngân hàng đã cắt giảm khá mạnh lãi suất huy động và cho vay.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank (mã VCB) cho biết, từ đầu năm 2023 tới nay, Ngân hàng đã triển khai 2 chương trình giảm lãi suất. Chương trình đầu tiên kết thúc vào ngày 30/4, nhưng ngay sau đó được triển khai tiếp từ ngày 1/5 đến 30/7/2023. Như vậy, trong 7 tháng đầu năm, Vietcombank giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả các khách hàng có dư nợ hiện hữu, với tổng dư nợ trên 600.000 tỷ đồng và hơn 110.000 khách hàng được giảm lãi suất.

“Chỉ tính riêng 2 đợt giảm lãi suất này, lợi nhuận của Vietcombank đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng luôn là ngân hàng tiên phong giảm lãi suất cho vay và thường ở mức thấp nhất thị trường. Chưa kể, nhiều loại phí cũng được Ngân hàng thực hiện miễn, giảm từ năm 2022 đến nay”, ông Tùng nói.

Cũng trong diễn biến có liên quan, kể từ ngày 1/6/2023, BIDV (mã BID) tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành đối với các khoản vay trung - dài hạn hiện hữu. Đây là lần thứ 2 trong năm BIDV thực hiện giảm lãi vay đối với khách hàng có dư nợ.

Trước đó, thực hiện hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, BIDV đã dành khoản tín dụng quy mô 30.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2%/năm so với mức thông thường của các ngân hàng.

Ngoài ra, ngay từ đầu năm 2023, BIDV đã tiên phong trong việc triển khai các chương trình tín dụng cạnh tranh với mức lãi suất hỗ trợ lên tới 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý.

Thông tin tại LPBank (mã LPB) cho biết, sau 2 lần hạ lãi suất, Ngân hàng tiếp tục dành 8.000 tỷ đồng triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh ngắn hạn. Cụ thể, hạn mức 5.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp với lãi suất từ 7,5%/năm và 3.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân lãi suất từ 8,5%/năm.

Đáng chú ý, trước đó, LPBank công bố ưu tiên giảm lãi suất cho các khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, khách hàng doanh nghiệp bán lẻ với mức giảm 1%/năm từ 1/6-31/8/2023 với tổng quy mô lên tới 104.000 tỷ đồng. Đây là chương trình hỗ trợ lãi suất có quy mô lớn nhất LPBank triển khai trong năm nay.

Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, hạ lãi suất mặc dù là chủ trương, định hướng của cơ quan quản lý, nhưng các yếu tố hỗ trợ cho xu hướng giảm cơ bản vẫn chiếm ưu thế, giúp mặt bằng lãi suất huy động vốn có thể giảm thêm khoảng 0,1-0,3%/năm. Chẳng hạn, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước dự kiến tiếp tục kiên định với xu hướng nới lỏng chủ đạo để đồng hành cùng doanh nghiệp và nền kinh tế, khi mà áp lực lên tỷ giá và lạm phát chưa đáng lo ngại.

“Ngân hàng Nhà nước dự kiến tiếp tục kêu gọi các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm lãi suất huy động/cho vay, đồng thời điều tiết cung tiền lỏng tay hơn trên thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản dồi dào”, vị lãnh đạo BIDV nói và chia sẻ thêm, cân đối huy động - cho vay có thể mở rộng thêm do tăng trưởng huy động vốn vẫn tương đối tích cực trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ thuận lợi và tăng trưởng tín dụng kỳ vọng được đẩy nhanh hơn chu kỳ cuối quý II. Tuy nhiên, nhìn chung, dư nợ vẫn ở mức thấp so với mức tăng trưởng cùng kỳ các năm.

Lợi nhuận cũng giảm theo

Cầu tín dụng thấp, cân đối vốn không tối ưu sẽ dẫn đến giảm hiệu quả kinh doanh và là chỉ báo sớm cho việc nợ xấu sẽ gia tăng.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, lãi tiền gửi sẽ còn giảm xuống do nhu cầu tín dụng yếu khi tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thị trường địa ốc ảm đạm.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: “Các năm trước đây, Vietcombank đều ‘bùng nổ’ trong việc tăng trưởng, chẳng hạn hết năm 2022, dư nợ tín dụng tăng 19% so với đầu năm, tương đương tăng hơn 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu trong năm 2023 là đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, nên Ngân hàng thận trọng hơn trong việc tăng trưởng tín dụng”.

Còn bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, lãi suất điều hành đang trong xu hướng giảm, nhưng lãi suất huy động lũy kế trong 10 tháng trước vẫn cao nên bình quân lãi suất đầu vào cao, trong khi tín dụng tăng trưởng thấp. Nói cách khác, cầu tín dụng thấp, cân đối vốn không tối ưu sẽ dẫn đến giảm hiệu quả kinh doanh và là chỉ báo sớm cho việc nợ xấu sẽ gia tăng.

“Dự kiến, nợ xấu năm 2023 sẽ lớn và để chống đỡ, các ngân hàng buộc phải thận trọng, tập trung giảm áp lực tài chính, chấp nhận tăng trưởng thấp”, bà Phượng nói.

Một lãnh đạo cao cấp MBBank (mã MBB) thừa nhận, hoạt động kinh doanh năm nay rất khó khăn, nên việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đặt ra đầu năm là điều bất khả thi tại nhiều ngân hàng.

“Lúc này, kết quả kinh doanh quý II/2023 về cơ bản đã hiển lộ và ban lãnh đạo đang lên phương án giảm chỉ tiêu kinh doanh trong kỳ sơ kết 6 tháng đầu năm. Muốn cố gắng, nhưng cố quá e lại thành quá cố”, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nói.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, báo cáo tài chính quý I/2023 của một số ngân hàng thương mại cho thấy lợi nhuận có tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng chưa phản ánh đúng kết quả hoạt động do chưa tính đầy đủ trích lập dự phòng rủi ro. Bên cạnh đó, một số vụ việc tranh chấp liên quan đến sản phẩm bảo hiểm liên kết giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng (chủ yếu xảy ra đối với sản phẩm liên kết đầu tư) có thể gây ảnh hưởng đến kết quả dịch vụ của các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm.

Đáng chú ý, theo ông Lực, trong quý I/2023, một số ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận ở mức âm như VPBank (mã VPB) giảm 62%, Techcombank (mã TCB) giảm 17%, SeABank (mã SSB) giảm 18%, LPBank (mã LBP) giảm 13%...

Về tổng thể, ông Lực cho rằng, năm 2023 sẽ là năm khó khăn, thách thức hơn với nền kinh tế và ngành ngân hàng. Sau năm 2022 tăng trưởng khá ấn tượng (gần 35% bình quân của 28 ngân hàng niêm yết), lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 dự báo sẽ tăng ở mức thấp hơn (khoảng 13-15%) do:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế thấp hơn dẫn tới nhu cầu tín dụng chậm lại, ảnh hưởng tới nguồn thu từ tín dụng. Năm 2023, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,5-6% (thấp hơn nhiều mức tăng 8,02% của năm 2022); đồng thời, lãi suất vẫn còn cao làm nhu cầu tín dụng giảm. Đặc biệt là một số lĩnh vực như bất động sản, tiêu dùng cá nhân, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp… đang chậm lại do nhu cầu quốc tế yếu đi và đơn hàng xuất khẩu giảm và kỳ vọng phục hồi trong nửa cuối năm.

Thứ hai, biên lãi ròng (NIM) của các tổ chức tín dụng chịu áp lực giảm do mặt bằng lãi suất cho vay và huy động có xu hướng giảm trong năm 2023. Trong đó, lãi suất cho vay giảm theo yêu cầu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng, lãi suất huy động cũng trong xu hướng giảm nhằm tiết giảm chi phí, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay. Mặc dù vậy, chi phí lãi sẽ giảm chậm hơn thu nhập lãi do các khoản vốn huy động lãi suất cao phát sinh cuối năm 2022 chưa đến kỳ đáo hạn, có thể kéo dài sang nửa đầu năm 2023, trong khi lãi suất cho vay giảm nhanh hơn, dẫn đến NIM thấp hơn so với năm 2022.

Thứ ba, thu nhập từ dịch vụ và kinh doanh ngoại hối sẽ chậm lại do chính sách miễn phí chuyển tiền số, thanh toán số được duy trì và tỷ giá cơ bản ổn định hơn. Ngược lại, thu từ mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư dự báo sẽ cải thiện hơn so với năm 2022 do thị trường chứng khoán sôi động hơn, dù không nhiều.

“Có quá nhiều yếu tố khó lường nên việc phòng thủ và tăng trưởng chậm lại sẽ giúp ngân hàng trụ vững trước sóng gió”, vị tổng giám đốc ngân hàng cổ phần trên nói.

Tin bài liên quan