Dự báo, huy động vốn của hệ thống ngân hàng năm 2023 có thể đạt mức tăng 11 - 12%. Ảnh: Dũng Minh

Dự báo, huy động vốn của hệ thống ngân hàng năm 2023 có thể đạt mức tăng 11 - 12%. Ảnh: Dũng Minh

Bình yên sau "cơn bão"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau một năm 2022 đầy biến động với lãi suất VND liên tục tăng, mặt bằng lãi suất được kỳ vọng có xu hướng đi ngang trong năm 2023.

Lãi suất tăng về mức trước dịch

Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chênh lệch tăng trưởng tín dụng so với tăng trưởng huy động mở rộng trong năm 2022 đã gián tiếp tạo áp lực lên lãi suất thị trường 1. Thặng dư thị trường 1 bắt đầu đảo chiều và âm kể từ tháng 7/2022 và đến cuối tháng 11/2022, chênh lệch tăng trưởng huy động và tăng trưởng tín dụng âm khoảng 7%.

Liên quan đến vấn đề này, từ cuối quý II/2022, tỷ lệ cho vay trên huy động thuần đạt mức cao so với nhiều năm trước, nên các ngân hàng tận dụng thị trường liên ngân hàng nhằm đảm bảo thanh khoản trong ngắn hạn. Cùng lúc đó, các quy định nghiêm ngặt về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng sự kiện pháp lý liên quan đến Vạn Thịnh Phát liên đới với SCB càng gây sức ép trên thị trường liên ngân hàng, dẫn đến lãi suất và hoạt động liên ngân hàng đẩy lên mức cao.

“Thanh khoản trên thị trường 1 bắt đầu khó khăn từ đầu quý III/2022 gây áp lực lên thị trường liên ngân hàng cùng với vấn đề liên quan đến pháp lý khiến áp lực chồng áp lực lên lãi suất huy động”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Giám đốc nguồn vốn một ngân hàng ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Sau sự kiện Vạn Thịnh Phát và SCB, đến đầu tháng 12/2022, lãi suất huy động đã tăng về mức trước dịch Covid-19 và mức tăng tương đối phân hóa. Điều này cũng thể hiện thực trạng thanh khoản của từng ngân hàng”.

Các chuyên gia phân tích của VDSC chia sẻ: “Trong tệp ngân hàng mà chúng tôi theo dõi, nhóm ngân hàng quốc doanh tăng trung bình lãi suất huy động 2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi nhóm tư nhân tăng 2,8%/năm tính từ đầu năm 2022. Mức tăng cho từng kỳ hạn cũng tương đối khác nhau, cụ thể, nhóm tư nhân tăng mạnh ở kỳ hạn trên 6 tháng”.

Lãi suất đảo chiều: Diễn biến tất yếu

Áp lực với lãi suất huy động và thanh khoản VND đã dịu bớt trong giai đoạn cuối năm 2022.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho hay, trong năm 2022, mặt bằng lãi suất huy động vốn trên thị trường 1 ghi nhận mức tăng từ 2,5 - 4%/năm tại hầu hết các ngân hàng thương mại và tăng mạnh hơn ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Tính đến cuối năm 2022, phần lớn các ngân hàng niêm yết lãi suất ở mức trần 6%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. Đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng, các ngân hàng Techcombank, VPBank, Bac A Bank, SCB niêm yết lãi suất ở mức cao nhất, từ 9,1 - 9,5%/năm.

Vị lãnh đạo BIDV cho rằng, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và sự sụt giảm mạnh mẽ của nguồn cung tiền đồng (VND) là hai yếu tố chính tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất VND trong năm 2022. Cụ thể, sau giai đoạn liên tục được bồi đắp nhờ xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và nguồn cung ngoại tệ dồi dào trong năm 2020 - 2021, nền tảng thanh khoản VND dần bị bào mòn và chuyển sang trạng thái căng thẳng trong phần lớn thời gian của năm 2022 dưới tác động của 4 yếu tố chính.

Thứ nhất, cân đối cung - cầu ngoại tệ chuyển sang trạng thái thâm hụt lớn khiến Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường bán ngoại tệ can thiệp để ổn định tỷ giá và kéo theo dòng tiền bị hút về.

Thứ hai, tình trạng ứ đọng dòng tiền ở kênh tiền gửi Kho bạc Nhà nước tiếp tục diễn ra nghiêm trọng trong năm 2022 do cân đối ngân sách nhà nước duy trì trạng thái thặng dư tích cực trong phần lớn thời gian của năm.

Thứ ba, cân đối huy động vốn - tín dụng có xu hướng thu hẹp đáng kể trong bối cảnh tăng trưởng huy động chậm lại và tín dụng duy trì đà tăng khi nền kinh tế phục hồi tích cực. Số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến 21/12/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 12,87%, cao hơn so với huy động vốn khoảng 6 - 7%.

Thứ tư, câu chuyện về sức khỏe của hệ thống ngân hàng hay hiện tượng dòng chảy kém thông suốt giữa các ngân hàng thương mại làm gia tăng sức ép lên nguồn cung vốn VND hay mặt bằng lãi suất VND tại một số thời điểm.

“Ở chiều ngược lại, áp lực với lãi suất VND và thanh khoản VND phần nào dịu bớt trong 2 tháng cuối năm 2022, khi câu chuyện quốc tế và tỷ giá trong nước giảm bớt sức nóng, đồng thời Ngân hàng Nhà nước tăng cường hỗ trợ thanh khoản hay giảm bớt mức độ thắt chặt trong giai đoạn này. Tuy nhiên, thanh khoản VND nhìn chung vẫn kém dồi dào và thiếu bền vững khi phụ thuộc lớn vào dòng tiền hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước cũng như Kho bạc Nhà nước”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Kỳ vọng xu hướng đi ngang

Theo vị lãnh đạo BIDV, áp lực đối với mặt bằng lãi suất cũng như nguồn cung VND trong năm 2023 vẫn là do những nhân tố cũ như xu hướng đi lên của lãi suất USD trên thị trường quốc tế, với dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm khoảng 0,5%/năm trong nửa đầu năm 2023, hay câu chuyện ngành ngân hàng tuân thủ các tỷ lệ an toàn. Mặc dù vậy, tương quan tăng trưởng tín dụng - huy động vốn dự kiến bớt căng thẳng. Tăng trưởng huy động vốn có thể được cải thiện nhờ một số yếu tố như cân đối cung - cầu ngoại tệ bớt thâm hụt, sự ứ đọng tiền gửi Kho bạc Nhà nước có thể giảm.

“Theo đó, huy động vốn năm 2023 có thể đạt mức tăng trưởng 11 - 12%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 7 - 8% của năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 2% so với tăng trưởng tín dụng”, lãnh đạo BIDV dự báo.

Đồng quan điểm, các chuyên gia VDSC kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng cung tiền sẽ tốt hơn trong năm nay, giúp thanh khoản cải thiện, giảm áp lực tăng lãi suất. Cụ thể, giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, lạm phát toàn cầu hạ nhiệt và động thái giảm đà tăng lãi suất của Fed sẽ tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước vận hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn theo hướng ổn định vĩ mô và hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.

“Mặt trái của hoạt động thương mại chậm lại là mức thặng dư thương mại có thể cao hơn, theo dự báo của chúng tôi vào khoảng 12 - 15 tỷ USD. Đây là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ bổ sung cho dự trữ ngoại hối vốn đã sụt giảm nhanh trong năm 2022, gián tiếp cung tiền đồng ra thị trường”, chuyên gia phân tích của VDSC nói.

Vị giám đốc nguồn vốn trên nhận định, nhu cầu tín dụng nhiều khả năng sẽ thấp hơn trong năm 2023 bên cạnh vấn đề lãi suất cao cũng sẽ góp phần thu hẹp chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động, giảm áp lực lên lãi suất huy động.

Theo lãnh đạo BIDV, chính sách tiền tệ dự kiến giảm bớt mức độ thắt chặt, chuyển sang trạng thái trung tính hơn cũng là yếu tố hỗ trợ cho xu hướng ổn định của lãi suất huy động VND trong năm 2023. Nhưng rủi ro đối với triển vọng lãi suất VND theo chiều hướng tăng có thể đến từ các yếu tố: chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước gia tăng mức độ thắt chặt; cân đối cung - cầu ngoại tệ tiêu cực hơn dự kiến; giải ngân đầu tư công chậm trễ hay triển vọng cân đối ngân sách tích cực hơn khiến cho tiền gửi Kho bạc Nhà nước tiếp tục tăng mạnh.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đang dự báo khả năng Ngân hàng Nhà nước thực hiện một đợt tăng lãi suất 1%/năm khác vào đầu năm 2023 và có thể tạm ngừng từ đó, phù hợp với quan điểm của chúng tôi về quỹ đạo chính sách của Fed”.

Trong diễn biến có liên quan, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank đề nghị: “Tiếp tục kiểm soát tăng lãi suất huy động, tránh phát sinh cuộc đua tăng lãi suất dẫn đến tăng chi phí vốn của các ngân hàng”.

Tin bài liên quan