Mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Các nhà băng chống chọi khi NIM thu hẹp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để đảm bảo biên lãi ròng (NIM), các ngân hàng thường lựa chọn giải pháp nâng lãi suất cho vay, nhưng việc này làm giảm khả năng hoàn thành nghĩa vụ trả nợ của người vay.

NIM phân hóa

Báo cáo tài chính của VIB cho biết, năm 2022, NIM của Ngân hàng đạt mức 4,5%, nhờ chiến lược tập trung vào bán lẻ và nguồn vốn huy động trung và dài hạn chất lượng, đồng thời duy trì tính ổn định của thanh khoản và lãi suất trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Tương tự, sự phục hồi mạnh mẽ của HD Saison được cho là đã có đóng góp vào việc cải thiện NIM của HDB.

Đối với LPB, NIM được cải thiện đến từ chi phí vốn giảm mạnh do Ngân hàng giảm được tỷ trọng giấy tờ có giá với lãi suất cao trong cơ cấu huy động.

MSB vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 cho thấy, NIM tăng tốt so với năm 2021, đạt 4,5%. Một lãnh đạo cao cấp MSB cho hay, số liệu NIM trên là kết quả của chiến lược tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh mảng khách hàng cá nhân, ứng dụng số hóa cho các sản phẩm mới, phù hợp thị trường, kết hợp với hiệu quả điều phối nguồn vốn huy động chất lượng. Đặc biệt, trong năm 2022, Ngân hàng đảm bảo tính thanh khoản, đồng thời ổn định lãi suất.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có NIM được được cải thiện. Một lãnh đạo cao cấp VietinBank chia sẻ, NIM của Ngân hàng giảm chủ yếu do có dư nợ và số tiền lãi theo chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN đứng đầu toàn hệ thống ngân hàng, với dư nợ hỗ trợ lãi suất gần 9.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trái phiếu doanh nghiệp thường có lãi suất cao hơn các khoản vay thông thường nên trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó đã ảnh hưởng xấu đến NIM.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, một trong những nguyên nhân khiến NIM suy giảm đó là việc huy động với mức lãi suất cao, khiến chi phí đầu vào gia tăng. Để đảm bảo NIM, các ngân hàng thường lựa chọn giải pháp nâng lãi suất cho vay. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, điều này góp phần làm giảm khả năng hoàn thành nghĩa vụ trả nợ của người vay, khiến chất lượng tài sản của ngân hàng bị ảnh hưởng.

Trong diễn biến có liên quan, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước đến ngày 21/12/2022 cho thấy, tín dụng toàn hệ thống tăng 12,87% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng qua kênh tổ chức và dân cư tăng 5,99%.

Cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 9064/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện một số nội dung về công tác tín dụng, lãi suất trong thời gian tới. Theo đó, cơ quan quản lý yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay…

“Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này”, văn bản nêu rõ.

Cụ thể hơn, nhà điều hành yêu cầu khống chế lãi suất tiết kiệm không quá 9,5%/năm, song thực tế khảo sát cho thấy vẫn có một số ngân hàng huy động ở mức cao hơn. Theo các chuyên gia, các hệ quả của cuộc đua lãi suất có thể được nhìn thấy trong quý I/2023.

Lãi suất huy động vẫn trong đà tăng

Dự báo, biên lãi ròng của nhiều ngân hàng sẽ thu hẹp do áp lực chi phí vốn tăng cao và Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.

Theo tổng hợp mới đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động 12 tháng trung bình trong tháng 1/2023 tăng 0,07%/năm so với tháng 12/2022, lên mức 8,49%/năm. Như vậy, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã tăng 2,68%/năm so với 1 năm trước. Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng trung bình đạt 7,92%/năm, tăng 0,11%/năm so với mức trung bình của tháng 12/2022 và tăng 2,92%/năm so với 1 năm trước. Mức lãi suất huy động hiện tại đã thiết lập mặt bằng cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19. Áp lực tăng của cả 2 loại kỳ hạn chủ yếu tới từ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối hầu như chỉ tăng nhẹ lãi suất huy động đối với kỳ hạn 6 tháng).

Đáng chú ý, trong tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,25%/năm, lên 4,5 - 4,75%/năm. Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh đã tổ chức các cuộc họp chính sách và nâng lãi suất thêm 0,5%/năm, mức cao nhất kể từ năm 2008 (khi Lehman Brothers đệ đơn phá sản).

“Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất chắc chắn sẽ có những tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam, trong đó bao gồm lãi suất trên thị trường tiền tệ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

BVSC cho rằng, áp lực tăng lãi suất vẫn còn khi các ngân hàng trung ương trên thế giới có kế hoạch nâng thêm lãi suất, đặc biệt là Fed. Bên cạnh đó, khi dư nợ tín dụng trong hệ thống trong năm vừa qua đã vượt mức huy động, các ngân hàng trong nước có áp lực thu hút tiền gửi nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ ổn định giá cả, đặc biệt trong những tháng đầu năm nay khi áp lực lạm phát xuất hiện từ quý IV/2022 và chưa có dấu hiệu giảm (BVSC dự báo, lạm phát có thể vượt mục tiêu 4,5% trong các tháng đầu năm 2023).

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, NIM của nhiều ngân hàng dự kiến thu hẹp do áp lực chi phí vốn tăng cao và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2023 - 2024 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô dự báo có không ít biến động.

“Cụ thể, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chính sách “diều hâu” (chính sách tiền tệ cứng rắn) của Fed gây áp lực lên tỷ giá, lãi suất và lạm phát. Cùng với tình trạng căng thẳng thanh khoản, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với chi phí vốn tăng trong năm 2023”, bà Hiền nói.

Mặc dù lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt thời điểm cuối năm 2022 sau một thời gian tăng mạnh do Ngân hàng Nhà nước hút tiền đồng từ hệ thống để cân đối tỷ giá, doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn…, nhưng lãi suất liên ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục dao động quanh mức 5 - 6%/năm đối với kỳ hạn qua đêm. Trong tuần thứ hai của năm 2023, tính đến ngày 12/1, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần tăng lần lượt là 0,52%/năm, 0,62%/năm, 1,95%/năm, lên 5,59%/năm, 6,25%/năm, 7,66%/năm. Lãi suất tiếp tục có xu hướng tăng từ mức đáy ngắn hạn cuối tháng 12/2022 khi Ngân hàng Nhà nước sử dụng nghiệp vụ bán hẳn tín phiếu để điều tiết cung tiền.

“Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành 2%/năm (1%/năm trong tháng 9 và 1%/năm trong tháng 10/2022), các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng nâng mạnh lãi suất huy động ở mọi kỳ hạn và sang năm 2023, khi chi phí vốn của ngành ngân hàng dự kiến tăng mạnh, NIM của các ngân hàng sẽ thu hẹp. Tôi cho rằng, lợi suất tài sản (asset yield) khó có thể tăng đủ mạnh để bù đắp, do lãi suất cho vay khó tăng mạnh khi Chính phủ đang kêu gọi giảm lãi suất để chia sẻ gánh nặng cùng khách hàng”, bà Hiền nhận định.

Theo bà Hiền, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Hiện VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất trong nhóm doanh nghiệp mà VNDIRECT phân tích, lần lượt ở mức 87% và 64%. CTG, VPB, TPB, và MBB cũng là những ngân hàng đáng chú ý khi đã thành công trong việc tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ trong năm 2022. Trên phương diện CASA, TCB, MBB và VCB là những ngân hàng có tỷ lệ CASA tốt nhất hệ thống.

“VCB đặc biệt gây ấn tượng khi là một trong số ít ngân hàng cải thiện được tỷ lệ CASA, với động lực chính đến từ chính sách “zero-fee” (miễn phí dịch vụ giao dịch trên các kênh số) mà Ngân hàng triển khai từ đầu năm 2022”, bà Hiền nói.

Tin bài liên quan