Đến nay, đã có hơn 4.300 DNNN được cổ phần hóa

Đến nay, đã có hơn 4.300 DNNN được cổ phần hóa

Cải cách doanh nghiệp nhà nước, cần khơi thông “điểm nghẽn”

(ĐTCK) Quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở nước ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng, nhưng tốc độ cải cách còn chậm, mức độ cải cách chưa sâu và còn không ít tồn tại, bất cập. Cần sớm khơi thông các “điểm nghẽn” đang cản trở quá trình cải cách này.

Những kết quả quan trọng

Cải cách DNNN là một trong những trọng tâm của công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường. Từ cuối những năm 1980 đến nay, quá trình này đã được thực hiện với hàng loạt biện pháp như: đổi mới, hoàn thiện khung pháp lý; xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính; cổ phần hóa, tái cơ cấu; đào thải các DNNN yếu kém…

Qua hơn 25 năm triển khai thực hiện, hoạt động cải cách DNNN đã đạt được những kết quả quan trọng sau:

Thứ nhất, khung pháp luật điều chỉnh hoạt động của DNNN và phục vụ việc đẩy mạnh cải cách DNNN ngày càng được hoàn thiện, bao gồm các quy định pháp luật về cổ phần hóa, giao, bán, tổ chức lại, giải thể DNNN; quản lý, giám sát DNNN…

Thứ hai, cổ phần hóa DNNN bắt đầu thí điểm từ năm 1992 và được coi là giải pháp trọng tâm của cải cách DNNN. Cho đến nay, đã có hơn 4.300 doanh nghiệp được cổ phần hóa.

Thứ ba, việc giao, bán DNNN quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém đã cơ bản hoàn thành với 222 doanh nghiệp được giao và 158 doanh nghiệp được bán.

Thứ tư, thực hiện được việc đào thải các DNNN yếu kém thông qua sáp nhập và hợp nhất 877 doanh nghiệp, giải thể 313 doanh nghiệp và cho phá sản 92 doanh nghiệp, góp phần làm giảm gánh nặng cho nền kinh tế.

Thứ năm, thực hiện điều chỉnh cơ cấu khu vực DNNN theo hướng giảm mạnh số lượng DNNN, từ trên 12.000 doanh nghiệp năm 1990 xuống còn khoảng 800 doanh nghiệp năm 2015; thu hẹp ngành, lĩnh vực hoạt động của DNNN từ 60 ngành, lĩnh vực xuống còn 19 ngành, lĩnh vực.

Thứ sáu, quản trị DNNN đã được cải thiện một bước thông qua áp đặt DNNN thực hiện các luật kinh doanh chung như doanh nghiệp tư nhân; xác định rõ hơn trách nhiệm giải trình đối với hoạt động của DNNN và tăng cường giám sát DNNN; áp dụng chuẩn mực công khai thông tin của công ty đại chúng vào DNNN…

Vì vậy, hiệu quả hoạt động của khối DNNN đã được nâng lên; quy mô, lĩnh vực hoạt động của các DNNN được thu hẹp, tạo ra dư địa nhất định cho khu vực tư nhân hoạt động. 

Các “điểm nghẽn”

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, nhưng tiến trình tái cơ cấu DNNN còn chậm, chưa đẩy mạnh được tái cơ cấu DNNN theo ngành và vùng lãnh thổ; cơ chế hoạt động và quản trị DNNN còn nhiều điểm chưa phù hợp với kinh tế thị trường; năng lực cạnh tranh và hiệu quả còn thấp... Có thể kể ra những “điểm nghẽn” chủ yếu dẫn đến tình trạng này:

Trước hết, tư duy và cách ứng xử của Nhà nước đối với DNNN chưa phù hợp với bối cảnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta. DNNN được giao thực hiện vai trò là lực lượng nòng cốt để kinh tế nhà nước đảm bảo vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô.

Để các DNNN thực hiện được vai trò này, Nhà nước đã tạo nhiều ưu tiên, ưu đãi cho DNNN, tạo lợi thế cho DNNN trong tiếp cận tài chính, đất đai và các nguồn lực khác.

Đồng thời, việc xác định DNNN như một công cụ điều tiết của Nhà nước đã biến DNNN thành một phần hoạt động của chức năng quản lý nhà nước và tạo nên sự gắn kết lợi ích khó tách rời giữa bộ máy nhà nước với DNNN.

Hơn nữa, việc coi DNNN là bộ phận nòng cốt để bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước tạo ra tâm lý rằng, DNNN phải lớn mạnh, khó có thể thu hẹp về quy mô; theo đó, gây cản trở đối với quá trình cải cách DNNN.

Bên cạnh đó, mô hình tổ chức thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước còn bất cập, có khoảng cách nhất định với thông lệ quốc tế, cụ thể: chưa tách biệt chức năng chủ sở hữu với các chức năng hoạch định chính sách, quản lý hành chính, điều tiết thị trường của Nhà nước; có sự phân tán và thiếu thống nhất trong thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN; bộ máy và cán bộ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước chưa chuyên trách, chuyên nghiệp, khó tạo động lực/chế tài đối với các chủ thể này do vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước; chưa tạo lập được sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp…

Những bất cập này là nguyên nhân trực tiếp làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và của chủ sở hữu nhà nước; cơ chế hoạt động của DNNN chưa tuân thủ đầy đủ cơ chế thị trường.

Ngoài ra, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt. Việc bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn chưa kịp thời cũng ảnh hưởng đến tiến độ cải cách DNNN. 

Khuyến nghị giải pháp

Trong bối cảnh Việt Nam đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã phát triển, đủ khả năng thay thế DNNN trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước đã và đang thoái vốn; hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương có những yêu cầu cao về tự do hóa, môi trường kinh doanh bình đẳng…, thì để đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN trong thời gian tới, cần quyết liệt thực hiện một số giải pháp, bao gồm:

Tiếp tục đổi mới tư duy thông qua việc xác định lại vị trí, vai trò và chức năng của DNNN theo hướng Nhà nước chỉ thành lập DNNN mới, hoặc tham gia góp vốn vào doanh nghiệp khác trong trường hợp đạt hiệu quả hơn so với các công cụ chính sách khác khi thực hiện vai trò của Nhà nước.

Vai trò của DNNN cần thể hiện ở việc hỗ trợ, mở đường và tạo động lực phát triển cho các thành phần kinh tế cũng như toàn bộ nền kinh tế; đặc biệt là trong một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn để thực hiện các nhiệm vụ phát triển quốc gia trên các lĩnh vực, ngành nghề mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không làm hoặc chưa làm được; làm công cụ hỗ trợ khắc phục các khuyết tật của kinh tế thị trường.

Trong đó, tập trung hoạt động ở những khâu, công đoạn then chốt của các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh; cung ứng các dịch vụ, sản phẩm công cộng; sản phẩm, dịch vụ, sản phẩm khuyến dụng mà khu vực kinh tế tư nhân không muốn cung ứng; ngành, lĩnh vực độc quyền tự nhiên do hiệu quả quy mô nên can thiệp của thị trường thông qua cơ chế cạnh tranh rất ít tác dụng; những địa bàn, khu vực có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khó khăn mà khu vực tư nhân không muốn đầu tư, nhằm thực hiện chính sách giảm thiểu chênh lệch giữa các vùng, miền.

Cần đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước theo hướng hình thành một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng này.

Việc việc hình thành một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước sẽ tách biệt được chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước; đảm bảo chức năng chủ sở hữu nhà nước được thực hiện tập trung, thống nhất, chuyên trách, chuyên nghiệp; qua đó góp phần tạo điều kiện tập trung nguồn lực để nâng cao hiệu quả chức năng quản lý nhà nước, chức năng chủ sở hữu nhà nước và khắc phục được các tồn tại, bất cập do chưa tách bạch được hai chức năng nêu trên của các cơ quan hành chính nhà nước; đảm bảo nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN theo ngành, vùng lãnh thổ; thực hiện quản trị tốt và nâng cao hiệu quả DNNN.

Đây là điểm tựa quan trọng để đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả của DNNN trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cần thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên của Chính phủ, Quốc hội đối với cơ quan này nhằm đảm bảo hoạt động có hiệu quả và tránh lạm quyền, tham nhũng.

Ba là, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường; đổi mới quản trị DNNN theo thông lệ quốc tế; tách bạch nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích; đảm bảo DNNN công ích, quốc phòng, an ninh hạch toán kinh doanh và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

                                         Bùi Văn Dũng, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM  

                                 Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM

Tin bài liên quan