Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm sắp xếp lại nhân sự cấp cao nhằm phù hợp hơn với tình hình mới

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm sắp xếp lại nhân sự cấp cao nhằm phù hợp hơn với tình hình mới

Cần CEO bảo hiểm “thấu hiểu”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bảo hiểm thiếu nhân sự cấp cao nên vị trí tổng giám đốc (CEO) thường được các doanh nghiệp “câu kéo”, nhất là trong bối cảnh thị trường gặp khủng hoảng, nhưng có ý kiến cho rằng, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào các CEO mới.

CEO “xoay tua”

Tính đến ngày 13/12/2023, AIA Việt Nam gần như hoàn tất quá trình bổ nhiệm CEO mới khi chỉ còn chờ phê duyệt từ Bộ Tài chính về việc bổ nhiệm ông Andrew Loh, CEO AIA Capuchia, thay thế ông Wayne Besant.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ như Generali, Manulife, Dai-ichi Life, Shinhan Life, Phú Hưng Life… đã bổ nhiệm vị trí điều hành cao nhất.

Cụ thể, bà Nguyễn Phương Anh giữ vị trí CEO Generali Việt Nam kể từ ngày 16/10/2023. Bà Phương Anh từng nắm giữ nhiều vai trò lãnh đạo cấp cao tại một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng. Trong đó, bà Phương Anh từng giữ vị trí giám đốc kênh huấn luyện, đào tạo tại Prudential Việt Nam, có 7 năm phụ trách huấn luyện kênh phân phối và phát triển kinh doanh tại AIA Việt Nam, có 7 năm gắn bó với FWD Việt Nam, gần 3 năm phụ trách việc thanh toán toàn cầu và kênh dịch vụ tài chính cá nhân tại HSBC.

Trong tháng 8/2023, ông Đặng Hồng Hải, người có hơn 17 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm, tái bảo hiểm nhân thọ trong nước và quốc tế, được bổ nhiệm vị trí CEO Dai-ichi Việt Nam.

Cũng trong tháng 8, Shinhan Life Việt Nam bổ nhiệm ông Bae Seung Jun làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm CEO, thay cho ông Lee EuiChul.

Tháng 7/2023, bà Tina Nguyễn được bổ nhiệm vị trí CEO Manulife Việt Nam, người có gần 20 năm kinh nghiệm trong ngành bảo hiểm nhân thọ, trong đó có 7 năm giữ vị trí CEO Generali Việt Nam.

Ông Paul George Nguyễn, người từng giữ vị trí CEO tại Manulife Việt Nam và Aviva Việt Nam, chính thức gia nhập Phú Hưng Life ở vị trí điều hành cao nhất từ ngày 21/7/2023.

Còn ông Anantharaman Sridharan, với hơn 20 năm dẫn dắt ở nhiều vai trò khác nhau tại không ít thị trường châu Á, được bổ nhiệm CEO FWD Việt Nam vào ngày 1/8/2023.

Ở khối bảo hiểm phi nhân thọ, vào tháng 7/2023, ông Nguyễn Thành Quang, Phó tổng giám đốc thường trực điều hành Bảo hiểm Hàng không (VNI) được bổ nhiệm vào vị trí CEO.

Một số công ty khác có sự thay đổi nhân sự ở vị trí phó tổng giám đốc như tháng 10/2023, Bảo hiểm VietinBank (VBI) có phó tổng giám đốc mới là bà Bùi Thị Thanh Xuân, người có 18 năm công tác tại Công ty. VBI hiện chưa có CEO, sau khi ông Lê Tuấn Dũng thôi giữ chức vụ này kể từ ngày 30/3/2023.

Ngày 22/9/2023, Bảo Minh bổ nhiệm chức vụ phó tổng giám đốc cho ông Nguyễn Thành Nam và bổ nhiệm lại chức vụ phó tổng giám đốc cho ông Phạm Minh Tuân. Sự kiện diễn ra đúng thời điểm Bảo Minh giành lại vị trí thứ 3 về thị phần trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ sau nhiều năm liên tục tụt hạng.

Kỳ vọng cách làm mới

Thị trường bảo hiểm đang có những “con sâu làm rầu nồi canh”, bên cạnh các giải pháp của cơ quan quản lý thì lãnh đạo các doanh bảo hiểm cần mạnh tay chấn chỉnh nhân sự cấp dưới, nhân viên và đại lý.

Trong năm 2023, thị trường bảo hiểm có “biến”, nên sự thay đổi về nhân sự cấp cao tại nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu “nóng” hơn trước. Theo đó, ngoài lý do nhân sự đó hết nhiệm kỳ, doanh nghiệp đổi chủ, thay cổ đông lớn, điều chỉnh chiến lược hoạt động kinh doanh, thì một lý do khác được cho là ông chủ của doanh nghiệp có kỳ vọng mới nên sắp xếp lại nhân sự cấp cao nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Nhìn chung, việc các CEO liên tục “xoay tua”, di chuyển từ công ty bảo hiểm này sang công ty bảo khác được coi là bình thường trong bối cảnh thị trường thiếu nhân sự cấp cao. Người làm nghề bảo hiểm chuyên nghiệp đã ít, người giữ vị trí quản lý cấp cao, đặc biệt là CEO càng hiếm. Vì thế, với chính sách “săn đầu người”, ưu đãi cho người mới, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng thường xuyên “nhảy việc” sang vị trí tương đương, hoặc vị trí cao hơn.

Dù đa số nhân sự cấp cao được bổ nhiệm mới là những gương mặt cũ, nhưng với bề dày kinh nghiệm, kiến thức sâu rộng về phát triển thị trường, họ ở vị trí mới hoặc môi trường làm việc mới có thể sẽ tạo ra cách làm để doanh nghiệp sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển bền vững hơn.

Ông Phil Witherington, CEO Manulife châu Á kỳ vọng, sự gia nhập của bà Tina Nguyễn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm, củng cố ưu tiên của Manulife trong việc thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam và các thị trường mới nổi khác ở châu Á.

Một số đại lý bảo hiểm lâu năm, làm việc chuyên thời gian hy vọng, “sếp” mới sẽ có các động thái mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ kinh doanh, vững vàng về kiến thức, chuyên nghiệp về phong cách, làm chủ công nghệ số… để áp dụng mô hình kinh doanh mới.

Cũng có ý kiến cho rằng, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào các CEO mới, nhất là CEO ngoại cần thời gian để hiểu văn hóa Việt, chưa thật sự thấu hiểu thị trường bảo hiểm hiện nay. Hiện tại, “sếp” Tây ở các doanh nghiệp bảo hiểm chiếm tỷ lệ lớn.

“Chỉ CEO giỏi tiếng Việt, biết những hoạt động đang diễn ra trên thị trường bảo hiểm mới hiểu bản chất diễn biến của thị trường. Còn nếu không, rất dễ có sự che đậy những yếu kém, sai phạm bởi đội ngũ nhân sự cấp dưới, CEO ngoại đôi khi giống ‘bù nhìn’, không nắm bắt được tình hình”, bà Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Financial Insurance Services Vietnam nói và bày tỏ băn khoăn: “Với các trường hợp đó, liệu khi biết sự thật và báo cáo thật với tập đoàn mẹ ở nước ngoài, thì tập đoàn mẹ có tiếp tục giữ cam kết đầu tư mạnh mẽ và dài hạn vào Việt Nam?”.

Thực tế, thời gian qua, tại một số doanh nghiệp bảo hiểm để xảy ra sai phạm như giả mạo chữ ký của khách hàng nhằm thay đổi thông tin hợp đồng bảo hiểm (thay đổi chữ ký, thay đổi nơi ở, thay đổi phí đóng), đại lý bảo hiểm vì chạy theo doanh số nên tư vấn không đầy đủ khiến khách hàng sau đó cảm thấy bị lừa tham gia bảo hiểm, dẫn đến mất niềm tin, nhất là sau những “lùm xùm” trong kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng…

“Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu CEO ngoại tại doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ biết được những ‘điểm tối’, hay chỉ biết đến những thông số đẹp, thiếu đầy đủ được cấp dưới báo cáo. Ngay cả khi đi họp, liệu người trợ lý phiên dịch có phiên dịch hết những điểm tồn tại của doanh nghiệp nói riêng, toàn ngành nói chung để CEO người nước ngoài hiểu đầy đủ hay không?”, luật sư Ngô Thu Hà, Đoàn Luật sư TP.HCM nói.

Giống như trước đây, thị trường có tình trạng hợp đồng bảo hiểm “ảo”, khách hàng “ảo”, liệu CEO ngoại có biết để chấn chỉnh, hay biết mà vẫn làm ngơ, không báo về tập đoàn mẹ, nhằm giữ “ghế”?

Nhân sự cấp trung của một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ, sau khi công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023, vị trí “ghế nóng” bị lung lay do các “góc khuất” đã đến “tai” tập đoàn mẹ. Hiện tập đoàn đang xem xét thay đổi chiến lược đầu tư tại thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Tin bài liên quan