Không gian của chính sách tiếp tục giảm lãi suất không còn nhiều

Không gian của chính sách tiếp tục giảm lãi suất không còn nhiều

“Cần phải nhẹ về tiền tệ và nặng về tài khoá”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Liên quan đến vấn đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng cần đi kèm với chính sách tài khoá mở rộng.

Tăng trưởng tín dụng tính đến đầu tháng 4/2024 chỉ đạt khoảng 1% so với cuối năm 2023, dù lãi suất cho vay đã hạ rất thấp. Ông có nhận định gì về tình trạng này?

Lãi suất thấp mà tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, theo tôi là do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp chưa tăng mạnh, điều này thể hiện rất rõ qua việc tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng trong nước chậm. Khi đầu tư, tiêu dùng trong nước chậm thì cầu của người vay cuối cùng thấp dẫn đến cầu tín dụng thấp. Mặc dù lãi suất thấp nhưng vay tiền về không có hoạt động mang lại lợi nhuận tốt hơn thì doanh nghiệp sẽ không vay. Hay nói cách khác, tăng trưởng tín dụng thấp có nguyên nhân chính là cầu tín dụng yếu, phản ánh nhu cầu trong nền kinh tế yếu.

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng sẽ cần các biện pháp kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước là chủ đạo. Khi nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng lên sẽ tăng nhu cầu về tín dụng và theo đó trên hệ thống tài chính mới thể hiện được sự tăng trưởng. Câu chuyện này cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ, bởi nếu tăng trưởng tín dụng không đi vào sản xuất sẽ đi vào thị trường tài sản tài chính và tạo ra bong bóng. Theo đó, cần sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá. Cụ thể, chính sách tiền tệ nới lỏng đã tốt, vẫn cần đi kèm với chính sách tài khoá mở rộng để thúc đẩy đầu tư trong nước tạo ra hoạt động sôi động trên thị trường hàng hoá dịch vụ, từ đó tạo ra nhu cầu tín dụng thực của người dân và doanh nghiệp.

Ông có cho rằng, chính sách tiền tệ có thể nới lỏng thêm nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng?

Chính sách tiền tệ nới lỏng, cụ thể là hạ lãi suất hơn nữa để giảm chi phí vốn, chỉ góp phần kích thích tăng trưởng tín dụng nếu có cầu tín dụng hiệu quả, nghĩa là thu được lợi nhuận từ khoản vay. Như đã trao đổi ở trên, trong bối cảnh cầu tín dụng yếu, hiệu lực của nới lỏng tiền tệ thêm nữa cũng chỉ rất hạn chế. Bên cạnh đó, nếu các khoản vay lãi suất thấp không hiệu quả, rủi ro các khoản này biến thành nợ xấu trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn có thể khiến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với các khoản nợ hiện tại gặp khó khăn. Điểm đáng chú ý là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sẽ giám sát tốt hơn các hoạt động cho vay này.

Theo ông, dư địa chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế hiện ở mức nào?

Nhìn lại tổng thể, chính sách tài khoá thời gian qua có tác động rất tích cực. Các biện pháp hỗ trợ trong năm 2022 - 2023 đã có những tác động mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Dù trong hoàn cảnh thuận lợi, GDP năm 2022 tăng hơn 8% cũng có phần đóng góp của chính sách tài khoá. Năm 2023, tăng trưởng GDP chậm lại, chỉ đạt hơn 5% trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, nhưng chính sách tài khoá vẫn có những tác động tích cực lên chỉ số này.

Về phía chính sách tiền tệ, nhà quản lý đã điều hành rất khéo léo và phù hợp. Chính sách tiền tệ trong đại dịch Covid-19 là thúc đẩy tăng trưởng, nhưng thời điểm năm 2022 - kinh tế thế giới, khu vực, Việt Nam biến động sau dịch với lạm phát cao, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, nhưng khi kinh tế bắt đầu có dấu hiệu khó khăn, tăng trưởng chậm lại, cơ quan này có hành động nhanh, dứt khoát là chuyển đổi từ thắt chặt tiền tệ, kiểm soát lạm phát sang thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Trung ương đã giảm lãi suất 4 lần và mức lãi suất thấp như hiện nay được duy trì từ tháng 6/2023. Hiện tại, lãi suất thực của tiền đồng (chênh lệch giữa lãi suất và lạm phát) khá nhỏ, nên dư địa giảm thêm lãi suất không nhiều.

Tôi cho rằng, phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Đối với chính sách tài khoá, ngoài chính sách hỗ trợ thuế, phí, thì đầu tư công giữ vai trò chủ đạo hơn khi vừa hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, vừa tạo ra tiền đề cho tăng trưởng trong dài hạn. Do đó, các biện pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng nhấn mạnh vào việc thực hiện hiệu quả đầu tư công sẽ trở thành những giải pháp chính sách then chốt để kích thích tăng trưởng.

Về mặt vĩ mô, tôi muốn nhấn mạnh rằng, chính sách tiền tệ đã hỗ trợ tăng trưởng, nhưng không gian của chính sách tiếp tục giảm lãi suất không còn nhiều. Chính sách vĩ mô thời gian tới cần phải “nhẹ” về tiền tệ và “nặng” về tài khoá.

Các biện pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công liên tục được ADB nhấn mạnh sẽ trở thành những giải pháp chính sách then chốt để kích thích tăng trưởng, ông có thể lý giải nguyên nhân?

Các biện pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công cuối cùng sẽ trở thành những giải pháp chính sách then chốt để kích thích tăng trưởng hiệu quả.

Nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã cản trở tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023. Nhu cầu toàn cầu suy yếu do phục hồi kinh tế chậm và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn sẽ làm chậm quá trình khôi phục của ngành chế biến xuất khẩu. Việc trì hoãn bình thường hóa lãi suất tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác sẽ cản trở việc chuyển hướng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, các biện pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công cuối cùng sẽ trở thành những giải pháp chính sách then chốt để kích thích tăng trưởng hiệu quả.

Vị thế tài khóa thuận lợi, với thâm hụt ngân sách vừa phải và tỷ lệ nợ công trên GDP thấp, mang lại đủ không gian tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng. Chương trình giảm thuế giá trị gia tăng hiện tại đã được gia hạn tới tháng 6/2024 và có thể được kéo dài tới cuối năm 2024. Một lượng lớn vốn đầu tư công, tương đương 27,3 tỷ USD, đã được lên kế hoạch giải ngân trong năm nay. Cùng với số vốn giải ngân trong năm 2023, khoản đầu tư công bổ sung này sẽ thúc đẩy tăng trưởng đáng kể. Sự phục hồi dần của ngành công nghệ chế biến xuất khẩu sẽ hỗ trợ dòng vốn FDI. Trong quý I/2024, vốn FDI đăng ký tăng 13,4% và vốn giải ngân tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư công được đẩy mạnh và điều kiện kinh doanh được cải thiện có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân trong năm 2024.

Quan trọng hơn, để kích thích tăng trưởng, các biện pháp cải cách để giải quyết những vấn đề nội tại trong cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là sự phụ thuộc quá mức vào các doanh nghiệp FDI trong ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, mối liên kết lỏng lẻo giữa ngành công nghiệp chế biến - chế tạo xuất khẩu với phần còn lại của nền kinh tế trong nước, thị trường vốn còn non trẻ, sự phụ thuộc quá lớn vào tín dụng ngân hàng và các rào cản pháp lý trong môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp. Do vậy, các biện pháp chính sách trong năm 2024 cần kết hợp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn với khắc phục các yếu kém cơ cấu trong dài hạn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Ông có dự báo như thế nào về lạm phát, dù đang được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, tạo áp lực lên chính sách tiền tệ?

Tình trạng suy thoái dự kiến của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 có thể kiềm chế giá dầu thế giới, từ đó làm giảm áp lực lạm phát. Lạm phát bình quân trong quý I/2024 giảm còn 3,8% so với mức hơn 4,2% cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát được dự báo ở mức 4% trong năm 2024 và 2025. Mặc dù dự báo lạm phát vẫn dưới mức mục tiêu 4 - 4,5%, song tôi cho rằng, áp lực trong ngắn hạn vẫn có thể xuất hiện do những căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tin bài liên quan