Agribank quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững

Agribank quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững

Cần sớm ban hành tiêu chí cho vay xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam cần sớm thống nhất tiêu chuẩn xanh và đưa ra khung phân loại xanh nên chưa cần hoàn chỉnh tất cả các tiêu chí, chỉ tiêu, mà sẽ có sự cập nhật, bổ sung sau. Bởi lẽ, việc chưa có khung tiêu chuẩn chung khiến ngành ngân hàng gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh tín dụng xanh.

Tiêu chí cho vay xanh: Vẫn chưa cụ thể

Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank cho biết, sản xuất xanh, tín dụng xanh là vấn đề không mới. Từ phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã đề cập vấn đề này từ trước năm 2018. Theo đó, Agribank và các ngân hàng thương mại trong hệ thống đã và đang vào cuộc tích cực. Ngân hàng có cơ chế, ưu đãi, nhưng không thể chuyển vốn tới doanh nghiệp và bắt doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh. Bên cạnh các chương trình ưu đãi của ngân hàng, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, nhu cầu và mong muốn thực hiện sản xuất xanh.

Theo ông Bách, suất đầu tư ban đầu cho sản xuất xanh hoặc chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất xanh cần nguồn vốn lớn, nhưng việc thu hồi vốn từ hiệu quả của sản xuất xanh có thể cần thời gian dài. Doanh nghiệp muốn bắt nhịp để không thụt lùi, hoặc bị giảm đơn hàng từ các thị trường mà ở đó có những yêu cầu về sản phẩm xanh từ sản xuất xanh buộc phải đặt mục tiêu chuyển đổi.

“Ngân hàng là trung gian về tài chính, kết nối nguồn vốn mang đến các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất xanh. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ vốn cấp cho tín dụng xanh vẫn còn hạn chế và chưa thể hiện hết được thực tế tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng nói chung cũng như của Agribank nói riêng đã cấp cho nền kinh tế do việc xác định tiêu chí xanh theo từng ngành, lĩnh vực chưa có hướng dẫn cụ thể”, ông Bách chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước thừa nhận: “Tín dụng xanh đã đạt được một số kết quả, nhưng vẫn còn một số hạn chế”.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, doanh nghiệp phải dần chuyển đổi sản xuất xanh để đáp ứng tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu và đó là con đường sống còn. Về phía các tổ chức tín dụng, hoạt động cho vay phải tuân theo theo các nguyên tắc, khách hàng sản xuất xanh phải đáp ứng được nguyên tắc tín dụng là phải chứng minh được khả năng trả nợ.

“Nhiệm vụ quan trọng của một trung gian tài chính là cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhưng phải hạn chế phát sinh nợ xấu. Do vậy, doanh nghiệp làm dự án xanh phải chứng minh được dòng tiền, khả năng trả nợ; chia sẻ đơn hàng được ký kết; việc thực hiện các cam kết về môi trường theo tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu, xuất khẩu; từ đó tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh tín dụng xanh”, bà Tùng nói.

Theo bà Tùng, các tổ chức tín dụng, trong đó có Agribank đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất, ưu đãi về thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, để đánh giá quy mô tín dụng đầu tư cho các ngành xanh vẫn cần phải có quy định chung của quốc gia về danh mục dự án xanh phù hợp với hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh.

Việc xác định tiêu chí xanh theo từng ngành, lĩnh vực hiện chưa có hướng dẫn cụ thể.

“Đây cũng là lý do các tổ chức tín dụng chưa có căn cứ để thống kê đầy đủ nguồn lực ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực xanh (hiện số liệu dư nợ cấp tín dụng xanh ghi nhận từ phía các tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng 4,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế)”, bà Tùng nói.

Chia sẻ kinh nghiệm tại một số quốc gia nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng Việt Nam nói chung và Agribank nói riêng, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng ADB cho biết, câu chuyện nền kinh tế xanh không phải là vấn đề mới, bởi đã có nhiều hoạt động xanh được thực hiện, nhưng không làm báo cáo xanh nên xanh hay không xanh đều cho vào một “giỏ”. Một trong những động cơ của tài chính xanh hiện nay là phải có báo cáo đầy đủ, rõ ràng.

“Xu hướng chung trên nhiều thị trường, nguồn tài chính đã cấp cho hoạt động xanh trước đây chưa báo cáo giờ báo cáo lại và việc tái cấp vốn tiếp tục cho những hoạt động xanh phải báo cáo xanh. Cần chú ý, báo cáo xanh phải có độ tin cậy để thể hiện kết quả trên báo cáo phù hợp với thực tiễn kết quả xanh trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hùng khuyến nghị.

Trong diễn biến có liên quan, ông Võ Quốc Khánh, Phó tổng giám đốc Tư vấn, Dịch vụ tài chính - ngân hàng, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho hay, Việt Nam chưa ban hành danh mục phân loại xanh làm cơ sở thống nhất cho hoạt động tín dụng xanh, nhưng đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, mà nhiều nước đang phát triển cũng trong tình trạng này và ở góc độ toàn cầu cũng chưa có quy chuẩn thống nhất.

“Chúng ta đang cố gắng thống nhất tiêu chuẩn xanh và cần đưa ra khung phân loại xanh càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, chưa cần phải hoàn chỉnh tất cả các tiêu chí, chỉ tiêu, mà sẽ có sự cập nhật, bổ sung. Bởi lẽ, khi chưa có khung tiêu chuẩn chung, ngành ngân hàng gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh tín dụng xanh. Chúng ta không nên chờ đợi vì tham khảo quá nhiều”, ông Khánh nêu quan điểm.

Chủ động giữa bị động

Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường và quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

“Đồng thời, nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh, năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động; tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị điều hành, phù hợp với quy định của pháp luật”, bà Bình nói và chia sẻ 7 giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, triển khai áp dụng ESG toàn diện và hiệu quả trong hệ thống Agribank, bao gồm: xây dựng bộ chính sách ESG (chính sách quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, khung tài chính xanh và khung tài chính xã hội, các chính sách ESG trong hoạt động vận hành của Ngân hàng…); xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững; hoàn thiện mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện ESG.

Thứ hai, ưu tiên cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 60 - 70% tổng dư nợ.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/11/2023 nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 hình thành 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp.

Thứ tư, nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường… phù hợp với định hướng kinh doanh, phân khúc khách hàng, thị trường mục tiêu cũng như năng lực, thế mạnh của Agribank.

Thứ năm, chủ động tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ, ngành đầu mối hoặc các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, quỹ tín thác tín dụng xanh… để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh, đồng thời chuẩn bị các bước để phát hành trái phiếu xanh tăng vốn.

Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất - kinh doanh; tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại, tiện ích dựa trên ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần xanh hóa ngành ngân hàng.

Thứ bảy, xây dựng và triển khai các biện pháp tổng thể để tăng cường năng lực cho cán bộ, nhân viên trong việc thực hiện tín dụng xanh; tổ chức đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên về hoạt động ngân hàng xanh - tín dụng xanh; nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; nâng cao trình độ nghiệp vụ thẩm định về rủi ro môi trường xã hội của các dự án.

“Với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho nông nghiệp, nông thôn, Agribank quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững”, bà Bình nhấn mạnh.

Tin bài liên quan