Động lực dòng vốn xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã chia sẻ góc nhìn về thực tế phát triển của tín dụng xanh tại Việt Nam cũng như những giải pháp để thúc đẩy dòng vốn xanh chảy mạnh hơn vào nền kinh tế.

Tài chính xanh, tín dụng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng cũng như của các đối tác quốc tế. Ông đánh giá thế nào về cơ chế và khuôn khổ pháp lý cho việc tạo nguồn và giải ngân vốn tín dụng xanh tại Việt Nam?

Trước hết, cần có nhận thức sâu sắc rằng việc không đầu tư thích đáng vào các hoạt động liên quan đến giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến những tác động khí hậu tồi tệ hơn trong những thập kỷ tới. Các nghiên cứu cho thấy tác động của biến đổi khí hậu sau năm 2040 sẽ cao hơn nhiều lần so với mức được ghi nhận hiện nay. Những tác động này chỉ có thể được giảm thiểu bằng cách đầu tư vào các hoạt động thích ứng với khí hậu. Đây chính là tiền đề cho việc khuyến khích tạo nguồn tín dụng xanh, đầu tư xanh.

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Về tổng thể, phát triển tín dụng xanh cần đặt trong bối cảnh phát triển thị trường tài chính và thị trường vốn nói chung, đồng thời với sự phát triển của nền kinh tế xanh và bền vững. Những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến dài trên cả hai góc độ này. Các giao dịch tài chính xanh nhìn chung phải đảm bảo cả hai yếu tố “tài chính” (năng lực hoàn trả) và “xanh” (độ tin cậy về lợi ích mang lại theo các tiêu chí xanh). Có thể thấy, khía cạnh “tài chính” đã khá quen thuộc với thị trường, trong khi yếu tố “xanh” còn rất mới.

Cụ thể, với tài chính xanh, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc hoàn thiện cơ chế và khuôn khổ pháp lý cho việc xác định các lĩnh vực, dự án được cấp tín dụng xanh, các tiêu chí đánh giá dự án xanh, các hình thức cấp tín dụng xanh, tạo cơ sở phát triển nguồn vốn và giải ngân tín dụng xanh. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, chính sách nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, bao gồm Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 5/5/2015 về triển khai tín dụng xanh trong hệ thống các tổ chức tín dụng; Thông tư số 08/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 về hoạt động ngân hàng xanh; Thông tư số 06/2022/TT-NHNN ngày 31/3/2022 quy định về phát hành trái phiếu xanh.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo nguồn vốn cho tín dụng xanh, như khuyến khích các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu xanh, hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tham gia các chương trình hợp tác tài chính xanh… Nhờ những nỗ lực này, tín dụng xanh tại Việt Nam đã có những bước phát triển tích cực. Tính đến tháng 6/2023, dư nợ tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng đạt 528.300 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế và khuôn khổ pháp lý cho việc tạo nguồn và giải ngân vốn tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu, cần được củng cố, hoàn thiện hơn nữa. Khung pháp lý cần đáp ứng được yêu cầu thực tiễn khi các ngành hàng, công nghệ xanh và bền vững đang phát triển rất nhanh, liên quan đến nhiều lĩnh vực cần có sự phối hợp đồng bộ và thống nhất giữa các bộ, ngành. Hệ thống tài chính cũng cần phát triển các khuôn khổ thúc đẩy huy động đa dạng nguồn lực, tạo ra các sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu và đặc điểm mới của các ngành hàng, hoạt động kinh tế xanh.

Chuyển đổi năng lượng sang ưu tiên cho năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn

Chuyển đổi năng lượng sang ưu tiên cho năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn

Theo ông, nhu cầu và khả năng tiếp nhận nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế của Việt Nam có triển vọng không?

Nhu cầu với nguồn vốn tín dụng xanh của Việt Nam là rất rõ ràng, nhưng cũng phải nói thêm là mức cầu này cũng phụ thuộc vào độ hấp dẫn của tín dụng xanh. Là một quốc gia đang phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, đồng thời phải đối mặt với những áp lực lớn từ thiên tai, ô nhiễm môi trường (không khí, nguồn nước) và biến đổi khí hậu, Việt Nam cần lượng vốn lớn đầu tư vào các lĩnh vực xanh như năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, xử lý chất thải…

Ước tính gần đây của IFC cho rằng, đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế đóng vai trò tạo đà cho phát triển thị trường.

Trên thực tế, nhiều tổ chức quốc tế đã có các giao dịch tài chính xanh hỗ trợ các dự án ở Việt Nam. Với vai trò là ngân hàng khí hậu của khu vực, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng đã có một số khoản vay xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam, có giao dịch được chứng nhận của bên thứ ba như Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (Climate Bond Initiatives – CBI).

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng cường hơn nữa việc tiếp nhận nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế, đáp ứng được nhu cầu phát triển phù hợp với các cam kết của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tạo tiền đề cho các hoạt động chống biến đổi khí hậu và các hoạt động đầu tư xanh có thể phát triển mạnh hơn nữa. Nhiều nguồn vốn xanh của các tổ chức quốc tế có ưu đãi đáng kể, tạo động lực thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh.

Tuy nhiên, để Việt Nam phát triển hơn nữa thị trường tài chính xanh, khả năng tiếp nhận nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế có thể cho những kinh nghiệm quan trọng để cải thiện khung pháp lý về tín dụng xanh phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy các tổ chức tín dụng trong nước phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, nâng cao năng lực thẩm định và quản lý các dự án xanh.

Theo ông, đâu là những lĩnh vực nên được ưu tiên của nguồn vốn tín dụng xanh tại Việt Nam?

Các lĩnh vực ưu tiên trước hết là những ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển xanh của Việt Nam, đặc biệt trong việc giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện môi trường. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành này đều có khả năng sinh lời cao đủ hấp dẫn với các nhà đầu tư và bên cấp tín dụng. Do đó, cần phải theo dõi thị trường sát sao để nắm bắt được những thay đổi nhanh chóng do công nghệ tạo ra.

Tại Việt Nam, các lĩnh vực ưu tiên của nguồn vốn tín dụng xanh trong giai đoạn hiện nay là những ngành có tác dụng tích cực đến khí hậu và môi trường, đồng thời có khả năng tạo ra lợi nhuận.

Một là, năng lượng tái tạo. Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất lớn, với tổng công suất tiềm năng ước tính lên tới 220 GW. Việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường. Thời gian qua, bên cạnh thuỷ điện, điện mặt trời và điện gió trên bờ tại Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Cùng với phát triển nguồn điện tái tạo, đầu tư nâng cấp lưới điện để khai thác hiệu quả các nguồn điện tái tạo mới cũng là nhu cầu quan trọng.

Hai là, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh việc chuyển đổi sang nguồn năng lượng tái tạo, việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng cũng giảm tổng mức tiêu thụ năng lượng, giảm chi phí và sử dụng ít tài nguyên hơn, giúp giảm phát thải khí nhà kính. Các ngành kinh tế có thể triển khai các hoạt động này bao gồm xi măng, sắt thép, xây dựng (toà nhà tiết kiệm năng lượng)...

Ba là, nông nghiệp xanh, du lịch xanh. Đây là các ngành kinh tế và dịch vụ có tương tác với môi trường và tài nguyên thiên nhiên, không những có thể góp phần giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến môi trường như phát thải khí nhà kính, mà còn có tiềm năng đóng góp tích cực vào việc hấp thụ khí nhà kính và bảo vệ môi trường bền vững hơn.

Bốn là, giao thông đô thị. Chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng chất đốt (xăng, dầu) sang điện, hoặc phát triển giao thông công cộng để giảm bớt nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân cũng là những lĩnh vực kinh tế xanh có tiềm năng phát triển lớn.

Năm là, tiêu dùng bền vững. Xu thế chuyển đổi phong cách tiêu dùng thân thiện hơn với môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu suất cao hơn như giảm đồ nhựa dùng một lần, tăng cường tái sử dụng và tái chế các loại hàng hoá, nguyên liệu là những hoạt động có thể đáp ứng các tiêu chí xanh và do đó sẽ tạo nhu cầu về tài chính xanh.

Bên cạnh những ngành kinh tế xanh có tiềm năng thương mại nói trên (khả năng lợi nhuận cao để thu hút được đầu tư tư nhân), còn những ngành kinh tế xanh quan trọng khác nhưng tiềm năng sinh lợi thấp hơn và cần có chính sách hỗ trợ để có thể thu hút được các nguồn vốn xanh trên thị trường. Trong các ngành bảo vệ môi trường như thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường... là các hoạt động cấp bách và quan trọng với nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, các ngành này cần có khuôn khổ chính sách hỗ trợ tốt hơn, từ cơ chế tính phí dịch vụ cân đối giữa lợi ích xã hội và bù đắp được chi phí đầu tư vận hành, đến các biện pháp hỗ trợ tài chính hay chia sẻ rủi ro đầu tư để thu hút được đầu tư tư nhân quy mô lớn. Khi thị trường các ngành này sôi động, đây sẽ là cơ hội đáng kể để phát triển tài chính xanh.

Ngoài các dự án trực tiếp đóng góp vào các mục tiêu xanh, các lĩnh vực có đóng góp gián tiếp như giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển để nâng cao năng lực công nghệ và chất lượng lao động cho những ngành kinh tế xanh cũng cần được quan tâm. Tuỳ theo các tiêu chí phân loại, các nguồn tài chính cho hoạt động này có những lợi ích xã hội rõ ràng, có thể phát triển thị trường tài chính trách nhiệm và bền vững, bên cạnh tài chính xanh.

Mặc dù Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, tài chính xanh, song thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông, Chính phủ Việt Nam cần có những giải pháp nào để tạo nguồn vốn tín dụng xanh từ trong nước?

Như đã nói, biện pháp cần thiết nhất và đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tương thích với thông lệ, chuẩn mực quốc tế để đảm bảo tính thống nhất và minh bạch. Việc hoàn thiện khung pháp lý sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tài chính xanh và đồng thời cũng thúc đẩy phát triển thị trường tài chính nói chung, đặc biệt là thị trường vốn. Cần hoàn thiện cả khuôn khổ luật pháp cho các ngành kinh tế xanh nói chung và phát triển thị trường tài chính thông thường để tạo nền tảng cho tài chính xanh. Các khuôn khổ này có thể bao gồm yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện báo cáo bắt buộc tự đánh giá tác động của mình đến các tiêu chí xanh.

Thứ hai, dựa trên chiến lược phát triển xanh, đi đôi với khuôn khổ pháp lý, cần xác định mục tiêu định lượng cụ thể phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam, đi đôi với cơ chế khuyến khích rõ ràng để tạo động lực phát triển tài chính xanh. Các nguồn vốn xanh thương mại mới hình thành cơ chế tạo động lực cho kết quả thực hiện các cam kết “xanh”, nên lợi ích tài chính chưa nhiều. Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước khác, một số ngân hàng và doanh nghiệp sử dụng các dòng tiền xanh với lợi ích mang lại từ marketing hoặc thương hiệu (branding), trong khi lợi ích tài chính còn hạn chế và không nhất thiết phải xuất phát từ sự bắt buộc tuân thủ các quy định pháp luật. Vì vậy, cần tạo cơ chế khuyến khích tín dụng xanh, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, hỗ trợ lãi suất cho vay tín dụng xanh...

Thứ ba, các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục các chính sách quản lý tài chính linh hoạt cân bằng nguồn lực trong nước và huy động nguồn lực từ bên ngoài để tạo nguồn tài chính xanh bền vững. Cần chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn ưu đãi và nâng cao năng lực, tích luỹ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế xanh và tài chính xanh, từ đó góp phần phát triển thị trường tài chính xanh trong nước sâu rộng hơn.

Thứ tư, Chính phủ nên đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác nhận chứng chỉ các-bon, hình thành thị trường các-bon trong nước và kết nối với thị trường các-bon quốc tế. Đây là kênh tạo nguồn thu bổ sung cho các hoạt động kinh tế xanh, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang hoạt động xanh nhanh hơn và ở quy mô lớn hơn.

Cuối cùng, Chính phủ cũng là một thành viên tích cực trên thị trường trái phiếu. Chính phủ có thể có những bước đi tiên phong quan trọng khi phát hành trái phiếu chính phủ xanh, trên cơ sở hệ thống quản lý chi ngân sách cho các hạng mục xanh. Khi đó, thị trường trái phiếu xanh sẽ trở nên sôi động hơn và có thể thu hút nhóm các nhà đầu tư quan tâm đến các sản phẩm tài chính xanh.

Tin bài liên quan