Cẩn trọng bảo hiểm rủi ro vắc-xin

Cẩn trọng bảo hiểm rủi ro vắc-xin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng chục triệu người dân Việt Nam đang mong ngóng được tiêm vắc-xin ngừa Covid- 19. Liệu đây có phải “cơ hội vàng” cho các nhà bảo hiểm cung cấp sản phẩm bảo hiểm tiêm chủng?

Về nguyên tắc, nơi nào có rủi ro thì nhu cầu bảo hiểm xuất hiện. Tiêm vắc-xin Covid cũng vậy, dù tỷ lệ rủi ro thấp nhưng số lượng người tiêm lớn và trong thời gian ngắn, đã kích hoạt sản phẩm này ra mắt.

Vào cuối tháng 3/2021, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) tiên phong ra mắt sản phẩm Bảo hiểm trách nhiệm tiêm chủng Couple 19 để bán cho các cơ sở tiêm chủng hoặc nhà sản xuất vắc-xin. Khách hàng có thể linh hoạt lựa chọn mức phí, tối thiểu từ 10.000 đồng/người/mũi tiêm và quyền lợi bồi thường tối đa là 1 tỷ đồng.

Theo nguồn tin của phóng viên, hiện nay, ngoài BSH, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đang chờ cơ quan quản lý cấp phép cho sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe có tích hợp cả bảo hiểm tiêm chủng Covid, trong khi Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng đang nghiên cứu sản phẩm này để sớm đưa ra thị trường.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc-xin. Giả sử, toàn bộ người được tiêm mua bảo hiểm với mức phí 10.000 đồng/người/mũi tiêm thì số phí thu được lên tới cả nghìn tỷ đồng

Tiềm năng năng là vậy, nhưng đến nay, chỉ duy nhất BSH chính thức bán bảo hiểm vắc-xin ngừa Covid trên thị trường. Trao đổi với phóng viên, đại diện BSH cho biết, sản phẩm thu hút được sự quan tâm từ thị trường nhưng đó chưa đủ để đưa ra đánh giá cụ thể và nhà bảo hiểm này cũng từ chối cung cấp con số sản phẩm đã bán.

Thực tế, muốn biết một sản phẩm bảo hiểm mới có được đón nhận hay không khi cần dựa vào nhu cầu thực của người dân, các cơ sở tiêm chủng và nhà sản xuất vắc-xin. Ở đây, khách hàng của BSH là các cơ sở tiêm chủng và nhà sản xuất vắc-xin, còn PTI và PJICO hướng tới khách hàng cá nhân là người dân. Tuy nhiên, bảo hiểm vắc-xin Covid là sản phẩm mới, chưa được bán rộng rãi và người bán cũng rất ít nên cần có thêm thời gian để đánh giá.

Về phía người dân, dù chưa mua bảo hiểm tiêm chủng, nhưng nếu cần bảo vệ sức khỏe thì có thể mua bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tích hợp bảo hiểm tiêm chủng. Điều cần lưu ý ở đây là các điều khoản loại trừ, trong đó có việc loại trừ tiêm chủng (tức là đi tiêm chủng không may gặp phải sự cố tai biến sau tiêm hoặc bị tử vong sẽ không được chi quyền lợi bảo hiểm), do đó khi mua người dân cần chú ý đến điều này, nếu sản phẩm không loại trừ tiêm chủng thì được chi trả quyền lợi bảo hiểm như bình thường.

Chia sẻ với phóng viên, anh Phạm Tuấn Trường (trú tại quận Hai Ba Trưng, Hà Nội) cho hay, anh sẽ chưa mua bảo hiểm vắc-xin Covid ở thời điểm này vì đã mua bảo hiểm bảo vệ sức khỏe, nếu gặp phản ứng nặng sau tiêm thì cũng không quá lo ngại, chưa kể còn có khả năng sẽ được các đơn vị tiêm chủng hay đơn vị sản xuất vắc-xin hỗ trợ.

Để tìm hiểu vấn đề này, người viết đã liên lạc tới đường dây nóng của Bộ Y tế thì được trả lời rằng, đối với các mũi tiêm Covid miễn phí, nếu xảy ra phản ứng phụ, người tiêm có thể liên hệ với đơn vị tiêm chủng để được hỗ trợ, còn với những mũi tiêm trả phí và đơn vị nào sẽ tiêm thì chưa có thông tin cụ thể do chưa sẵn sàng về nguồn vắc-xin.

Tin bài liên quan