CEO EY Việt Nam Trần Đình Cường: Doanh nhân Việt cần chủ động  “bay” vào quỹ đạo toàn cầu

CEO EY Việt Nam Trần Đình Cường: Doanh nhân Việt cần chủ động “bay” vào quỹ đạo toàn cầu

(ĐTCK) “Mặc dù đã có doanh nhân Việt Nam được công nhận là tỷ phú USD và đạt tầm quốc tế, nhưng phải thừa nhận thực tế, nhìn chung, doanh nhân Việt Nam vẫn chưa đi vào quỹ đạo kinh doanh toàn cầu. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài con đường chủ động tham gia vào sân chơi toàn cầu, tuân thủ các luật chơi quốc tế”.

Đó là chia sẻ của ông Trần Đình Cường, Tổng giám đốc EY Việt Nam trong cuộc trao đổi với ĐTCK.

Để khắc họa tinh thần doanh nhân Việt Nam một cách ngắn gọn, ông sẽ nói gì?

Tôi cho rằng, kinh doanh là một nghề đòi hỏi rất nhiều tố chất, mà không phải ai cũng có thể dấn thân, theo đuổi và thành công. Khi nói đến tinh thần doanh nhân Việt Nam, tôi thấy nét đặc trưng nhất là khát vọng vươn lên, dám nghĩ dám làm, ý chí vượt khó và nghị lực bền bỉ, phi thường.

Điều này có lẽ được kế thừa từ tinh thần bất khuất, tự lực tự cường của dân tộc từ các thế hệ cha ông, những người không bao giờ chịu khuất phục, luôn tranh đấu và vươn lên vượt qua mọi kẻ thù và gian khó.

Thực tế ở Việt Nam cho thấy, trong khoảng thời gian 3 năm trở lại đây, khi nền kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, mặc dù có nhiều DN sụp đổ, thất bại, song số lượng DN thành lập mới vẫn không ngừng gia tăng. Một bộ phận không nhỏ DN vẫn tiếp tục đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc và Tổng giám đốc EY Việt Nam Trần Đình Cường tặng hoa và cúp lưu niệm cho các  doanh nhân lọt vào vòng chung kết Giải thưởng EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp 2014  

Với những quan điểm cho rằng “doanh nhân Việt Nam vẫn chưa đi vào quỹ đạo kinh doanh toàn cầu”, ông có bình luận gì?

Chúng ta có tinh thần doanh nhân kiên cường, nhưng như vậy thì chưa đủ. Mặc dù đã có doanh nhân Việt Nam được công nhận là tỷ phú USD và đạt tầm quốc tế, nhưng nhìn chung, phải thừa nhận rằng, doanh nhân Việt Nam vẫn chưa đi vào quỹ đạo kinh doanh toàn cầu.

Từ cơ chế kinh tế bao cấp, Việt Nam đã và đang tiếp tục quá trình chuyển đổi mô hình và tái cấu trúc nền kinh tế. Thời kỳ phát triển kinh tế quá độ có rất nhiều đặc thù và khó khăn, cả khuôn khổ pháp lý và môi trường kinh doanh đều chưa thực sự hội nhập hoặc khuyến khích hội nhập quốc tế. Trong hoàn cảnh đó, đội ngũ doanh nhân non trẻ của Việt Nam với hơn 30 năm phát triển chưa thể vững vàng và chủ động “bay” vào quỹ đạo quốc tế.

Chính vì vậy, hiện nay, Việt Nam chưa có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh sòng phẳng trên thương trường quốc tế, hoặc thậm chí cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại trên thị trường nội địa. Qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa rồi, đã có một số lượng lớn doanh nghiệp đổ vỡ, thất bại hoặc phải thu hẹp quy mô hoạt động.

Để doanh nhân Việt Nam không đứng ngoài “sân chơi” quốc tế, ông có cho rằng, cần có những cải thiện nhiều hơn nữa về tinh thần làm việc, kế hoạch hoạt động, tư duy chiến lược, sản phẩm...? Ông có gợi ý nào khác?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, như việc gia nhập WTO, tham gia các hiệp định thương mại khu vực và quốc tế, tới đây là ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì cả nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài con đường chủ động tham gia vào sân chơi quốc tế, tuân thủ các luật chơi quốc tế

Điều này đòi hỏi cả các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp đều phải nỗ lực hành động thống nhất và quyết liệt. Ngoài việc hoạch định, ban hành khuôn khổ pháp lý phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, Nhà nước cần đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thành công lộ trình chuyển đổi này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng phải tiếp tục sáng tạo và đổi mới chiến lược sản xuất – kinh doanh, tiếp thị; đồng thời, chủ động tiếp cận và áp dụng các mô hình quản trị công ty tiên tiến, tuân thủ và hướng tới các chuẩn mực điều hành, báo cáo quốc tế.

EY đóng vai trò gì trong việc cùng doanh nhân Việt Nam vươn ra trường quốc tế, thưa ông?

EY là công ty kiểm toán và tư vấn quốc tế đầu tiên đặt chân vào thị trường Việt Nam từ năm 1992 và đã song hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bên cạnh các hoạt động nghề nghiệp, chúng tôi luôn tâm huyết với việc chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam những tri thức toàn cầu thông qua các ấn phẩm, nghiên cứu tư duy lãnh đạo do các trung tâm tri thức của mạng lưới EY đặt tại hầu hết các thị trường lớn toàn cầu, hỗ trợ doanh nhân nắm bắt được những xu hướng dài hạn và thông tin cập nhật trong các ngành kinh tế chủ chốt trên thế giới.

Chúng tôi cũng tích cực và chủ động trong việc hợp tác và hỗ trợ các cơ quan Nhà nước như Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan hữu quan khác trong các hoạt động hỗ trợ và tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới đáp ứng những chuẩn mực quốc tế, đồng thời đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý và đầu tư của Việt Nam.

Gần đây, chúng tôi cũng đã phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện chương trình nâng cao nhận thức và hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp vào thực tiễn quản trị của doanh nghiệp, bao gồm: xây dựng và hoàn thiện quy chế quản trị rủi ro áp dụng cho các công ty chứng khoán và quy chế hướng dẫn đánh giá, xếp loại công ty chứng khoán theo chuẩn mực quốc tế CAMEL, xây dựng sổ tay hướng dẫn nhận thức quản trị rủi ro, khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp, báo cáo tình hình quản trị rủi ro doanh nghiệp tại Việt Nam…

Đặc biệt, với cam kết đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và cổ vũ, động viên, phát huy vai trò tiên phong của giới doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi cùng với VCCI đã giới thiệu và tổ chức Giải thưởng EY - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp tại Việt Nam.

Giải thưởng này đã và đang tôn vinh xứng đáng những doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam, góp phần khơi nguồn cho khả năng lãnh đạo, sức sáng tạo của chủ doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời cũng mở ra các cơ hội giao lưu và kết nối doanh nhân trong phạm vi quốc tế.

Các doanh nhân tham gia chương trình Giải thưởng sẽ gia nhập Câu lạc bộ doanh nhân của giải thưởng này trên thế giới, nơi có hàng nghìn doanh nhân đến từ 60 quốc gia khác nhau.

Người Việt có câu “Học thày không tày học bạn”. Tôi tin tưởng rằng, sự kết nối này sẽ tạo thêm điều kiện để doanh nhân Việt Nam tiếp cận các cơ hội hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nhân thế giới, giúp doanh nhân Việt Nam mở rộng tầm nhìn và thay đổi tư duy hướng tới toàn cầu hóa.

Chúng tôi cũng mong muốn tạo ra một hiệu ứng lan tỏa tích cực. Các doanh nhân xuất sắc tham gia vào giải thưởng này sẽ là những tấm gương cho thế hệ doanh nhân trẻ. Mỗi một người trong số họ đều là sứ giả để truyền lửa tinh thần kinh doanh, ý chí phát triển bền vững theo chuẩn mực toàn cầu, chinh phục thị trường trong nước và quốc tế, tạo ra những giá trị to lớn cho xã hội và cộng đồng.

Tin bài liên quan