Nhân viên một siêu thị ở Đài Bắc (Đài Loan) thu hồi sữa Nestle sản xuất tại Trung Quốc có melamine  - Ảnh: Reuters

Nhân viên một siêu thị ở Đài Bắc (Đài Loan) thu hồi sữa Nestle sản xuất tại Trung Quốc có melamine - Ảnh: Reuters

Chánh thanh tra Bộ y tế: Cơ bản đã kiểm soát được thị trường sữa ở Hà Nội và TP.HCM

Chiều 5/10, đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã có chuyến “thị sát” thị trường sữa Hà Nội. Tại siêu thị Big C, ông Triệu đã lấy tám mẫu bánh có sử dụng nguyên liệu sữa, sữa bột và sữa tiệt trùng chuyển Viện Dinh dưỡng kiểm tra. Ông Triệu cũng yêu cầu đại diện siêu thị chỉ nhận bán các sản phẩm sữa sử dụng nguyên liệu sữa có giấy kiểm nghiệm không có melamine.

Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Công Khẩn cho biết, chưa thể công bố ba tên sản phẩm có melamine (như đại diện Bộ Y tế đã thông tin tại TP.HCM hôm 4/10). Theo ông Khẩn, lý do là với các sản phẩm được xác định có melamine, Bộ Y tế sẽ thực hiện ba xét nghiệm liên tục để khẳng định tính xác thực.

 

Hãng tin AFP cho biết mới đây thêm Hàn Quốc, Úc, và Nhật đã cho thu hồi các loại kẹo và đồ uống sản xuất tại Trung Quốc có hóa chất melamine gây sạn thận. Tại Seoul, chính quyền yêu cầu hãng Mars thu hồi sản phẩm sôcôla M&M’s và kẹo Fun Size, trong khi Hãng Nestle phải thu hồi kẹo sôcôla Kit Kat.

 

Trước đó, Hãng Mars tuyên bố tỉ lệ melamine chứa trong sản phẩm của Mars là khá nhỏ, tuy nhiên chính quyền Hàn Quốc khẳng định không chấp nhận có melamine trong bất cứ thực phẩm nào.

 

Trong khi đó, chính quyền Úc đã cấm bán loại trà sữa Kirin sản xuất tại Trung Quốc. Đây là sản phẩm của hãng đồ uống Kirin (Nhật). Trước đó, Úc đã thu hồi kẹo “Thỏ trắng” và sôcôla Cadbury sản xuất tại Trung Quốc. Ngoài ra, thành phố Osaka (Nhật) mới đây cho biết phát hiện melamine trong kẹo “Gối sôcôla” nhập từ Trung Quốc. Chính quyền Osaka đã thu hồi 86.000 gói kẹo này.

Cũng trong chuyến đi này, chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cho biết hiện đã cơ bản kiểm soát được vấn đề melamine ở thị trường sữa Hà Nội và TP.HCM. Vì thế, đợt thanh tra thứ hai bắt đầu từ 4/10 tập trung vào các sản phẩm sử dụng nguyên liệu sữa như bánh kẹo, cà phê hòa tan... Ông Trung cũng cho biết việc một sản phẩm có hai kết quả xét nghiệm trái nhau, Bộ Y tế không có chủ trương lấy mẫu kiểm nghiệm lại. Việc tổ chức kiểm nghiệm, công bố thông tin và chịu trách nhiệm về thông tin công bố là thuộc về doanh nghiệp.

 

Hôm nay 6/10, đã 20 ngày trôi qua kể từ ngày “cơn bão” melamine lan đến VN. Ngoài thiệt hại của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp VN đang chịu thiệt hại rất lớn. Trong đó một siêu thị lớn ở Hà Nội đã thông tin với Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu chiều 5/10 là lượng sữa bán ra của siêu thị đã giảm 1/2 trong tuần qua so với thông thường.

Siêu thị tạm ngưng bán các sản phẩm sữa của Hanoimilk

Từ cuối tuần qua, hai siêu thị Citimart và Co.op Mart cho biết đã tạm ngưng kinh doanh tất cả sản phẩm sữa của Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) trong toàn hệ thống của mình.

 

Theo đại diện Saigon Co.op, thông tin mà Co.op Mart nắm được trên các phương tiện truyền thông ngày 4/10 cho thấy kết quả phân tích do Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM thực hiện trên hai sản phẩm sữa của Hanoimilk là sữa tiệt trùng HI-P sôcôla và sữa bột Whole Milk không có melamine. Tuy nhiên, cũng chính hai sản phẩm trên, theo kết quả xét nghiệm tại Viện Dinh dưỡng quốc gia lại cho thấy có melamine. “Trước hai kết quả kiểm nghiệm này, để đảm bảo an toàn và lợi ích cho khách hàng, Saigon Co.op quyết định cho thu hồi tất cả sản phẩm đã có giấy kiểm nghiệm đạt chất lượng của Công ty Hanoimilk đang kinh doanh trên toàn hệ thống siêu thị từ ngày 4-10. Riêng đối với sản phẩm sữa tiệt trùng HI-P sôcôla và sữa bột Whole Milk, Saigon Co.op không kinh doanh” - đại diện của Saigon Co.op nói.