Chi phí vốn của ngân hàng sẽ hạ từ quý IV/2023

0:00 / 0:00
0:00
Giá vốn bình quân của ngân hàng sẽ giảm trong quý IV/2023 nhờ tiền gửi chi phí thấp sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu nguồn vốn. Tuy nhiên, NIM có thể sẽ không cải thiện ngay lập tức trong bối cảnh nhu cầu tín dụng còn yếu.
Chi phí vốn của ngân hàng sẽ hạ từ quý IV/2023

Ngân hàng vẫn sống nhờ vào cho vay doanh nghiệp

Báo cáo của chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cho thấy, tín dụng tính tới cuối quý III/2023 tăng 7,0% so với đầu năm. Trong quý III/2023, có xu hướng tăng trưởng khác nhau giữa các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Trong quý III, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (VCB, BIDV) có mức tăng trưởng tín dụng khiêm tốn lần lượt là 1,0%/1,4% so với quý trước, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng trung bình 2.4% so với quý trước của nhóm 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất. Tăng trưởng tín dụng yếu là kết quả của nhu cầu tín dụng yếu do nền kinh tế vẫn chưa thực sự hồi phục và khẩu vị rủi ro cho vay của các ngân hàng này thấp.

Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lại chứng kiến mức tăng trưởng tín dụng mạnh với trọng tâm là cho vay khách hàng doanh nghiệp (VPBank tín dụng tăng 6,4% so với quý trước, VIB tín dụng tăng 4,6% so với quý trước, LPB tín dụng tăng 4,0% so với quý trước.

Trong quý IV/2023, giới phân tích cho rằng, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn và hạn mức tăng trưởng tín dụng lớn (VPBank, MB, HDBank) sẽ duy trì vị thế dẫn đầu về tăng trưởng tín dụng trong ngành. Dự báo tín dụng cả năm sẽ tăng 10%, thấp hơn mức mục tiêu 14% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.

Chi phí vốn thấp dần song NIM chưa thể cải thiện ngay

Trong quý III/2023, tổng biên lãi thuần (NIM) của 25 ngân hàng niêm yết đã giảm 47 điểm cơ bản xuống 3,32% so với cùng kỳ với 22/25 ngân hàng đều có NIM giảm do tốc độ tăng lãi suất cho vay thấp hơn tốc độ tăng của chi phí huy động.

Tuy nhiên, có một tín hiệu tích cực khi chi phí huy động vốn (COF) của cả ngành giảm 33 điểm cơ bản so với quý trước. Điều này có được nhờ nguồn huy động chi phí thấp bắt đầu có hiệu quả và tỷ lệ CASA tăng cao hơn.

“Trong quý IV/2023, chúng tôi kỳ vọng COF sẽ giảm hơn nữa nhờ tiền gửi chi phí thấp sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng. Tuy nhiên, NIM có thể sẽ không cải thiện ngay lập tức trong bối cảnh nhu cầu tín dụng còn yếu như hiện tại”, chuyên viên phân tích dự báo.

Thời gian qua, NIM của các ngân hàng có tỷ trọng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp cao như VPBank, Techcombank tiếp tục giảm nhiều nhất. Một số ngân hàng sở hữu tỷ trọng cho vay cá nhân cao và tỷ lệ huy động bằng USD thấp sẽ có cơ hội cải thiện NIM tốt hơn so với các ngân hàng khác.

Theo dự đoán của nhóm phân tích, NIM sẽ có khả năng phục hồi năm 2023 nhờ nhu cầu tín dụng quay trở lại cùng với sự tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan