TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), nguyên Chủ tịch Vasep.

TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), nguyên Chủ tịch Vasep.

Chủ tịch Sao Ta (FMC): Xuất khẩu tôm sẽ tăng tốc từ quý III/2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quý III/2023 sẽ là quý tăng tốc của ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng. Sự tăng tốc này hy vọng sẽ bù đắp phần nào hụt hẫng thời gian qua về doanh số tiêu thụ của các doanh nghiệp. 

Nhận định trên được TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC), nguyên Chủ tịch Vasep chia sẻ tại Vasep mới đây.

"Đây là tín hiệu tốt, là ánh sáng loé lên trong bối cảnh đầy u ám. Dù tín hiệu này sẽ diễn ra chưa mấy rõ ràng, nhưng có một số yếu tố tạo nên sự hồi phục ban đầu", ông Lực nói.

Lực cho biết, cơ sở để đưa ra nhận định trên dựa vào đánh giá từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), rằng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đang phục hồi khá tốt. Riêng tôm (mặt hàng chủ lực với kim ngạch chiếm từ 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản) đã thu hẹp đà giảm từ 34% trong tháng 5 xuống còn 29% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá tôm thương phẩm trong nước giảm quá thấp là một nền tảng cho sự gia tăng tiêu thụ, xuất khẩu. Tại Ecuador, sản lượng tôm khả quan, tuy nhiên có khoảng 10% hộ nuôi nhỏ đã treo ao vì giá bán thấp, thua lỗ (hộ nuôi nhỏ ở Ecuador là tương đương hộ nuôi trung bình khá của Việt Nam). Tôm nuôi tại đây tập trung vào các trang trại lớn, nhất là các gia tộc có vốn nhiều, vùng nuôi lớn, có thể cơ giới hóa cũng như ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, giảm giá thành.

Tình hình nuôi tôm ở Ấn Độ cũng trong hoàn cảnh tương tự, dự kiến sản lượng tôm nuôi năm nay ở đây giảm 20 - 30% do người nuôi giảm thả giống. Giá tiêu thụ thế giới đã chạm đáy và ngoài sức chịu đựng của hộ nuôi ở tất cả các cường quốc nuôi tôm, cho thấy giá không thể giảm hơn nữa, đây cũng là nền tảng để các hệ thống phân phối tính toán dự trữ hàng, tăng tiêu thụ, xuất khẩu.

Trong khi đó, đầu quý III thường là cao điểm thu hoạch tôm của nước ta và Ấn Độ. Riêng Indonesia và Ecuador đã thu hoạch chính vụ sớm hơn. Nhưng theo tình hình diễn tiến, sắp tới tôm thương phẩm trên lưu thông các nước đều giảm mạnh, vì giảm thả nuôi vừa qua và hiện nay hoặc cuối vụ. Đây cũng là một nền tảng để các hệ thống phân phối tính toán tăng mua dự trữ vì theo quy luật cung cầu, sắp tới chắc chắn tôm thương phẩm sẽ phục hồi từng bước.

Vasep kỳ vọng xuất khẩu tôm đạt 3 tỷ USD trong cả năm 2023

Vasep kỳ vọng xuất khẩu tôm đạt 3 tỷ USD trong cả năm 2023

Thêm một yếu tố đáng chú ý khác, theo TS. Lực là sắp tới sẽ đến mùa tiêu thụ do có lễ hội (tháng 7 là Quốc khánh Mỹ, tháng 8 là lễ hội ở Nhật…), nhất là kế hoạch cho tiêu thụ Noel và mừng năm mới. Giai đoạn này, hàng chế biến sâu chiếm ưu thế tiêu thụ hơn so với hàng sơ chế hay chế biến cấp thấp. Hàng tinh chế là lợi thế của các doanh nghiệp tôm Việt Nam.

"Quý III sẽ là quý tăng tốc của ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng. Các doanh nghiệp tôm chắc đều cảm nhận được tình hình và có sự chuẩn bị thấu đáo. Sự tăng tốc này hy vọng sẽ bù đắp phần nào hụt hẫng thời gian qua về doanh số tiêu thụ cho các doanh nghiệp", TS. Hồ Quốc Lực nhấn mạnh thêm.

Theo quan điểm của Vasep, nhu cầu tôm tăng trên thị trường Mỹ dự báo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

Các thị trường khác cũng đang có tiến triển tích cực. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng cho tôm Việt Nam, các doanh nghiệp nước ta cũng đang chú ý hơn tới các thói quen tiêu dùng để tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang thu mua tôm để tích trữ và theo dõi sát sao nhu cầu thị trường để chuẩn bị cho sự phục hồi thị trường từ tháng 7 trở đi. Vasep kỳ vọng xuất khẩu tôm đạt 3 tỷ USD trong cả năm 2023.

“Cảm nhận cá nhân tôi là doanh nghiệp có ý thức cho sự phát triển lâu dài, thể hiện qua hoạt động có bài bản, có chiến lược… sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn so với các doanh nghiệp chỉ lo toan hoạt động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, doanh số tiêu thụ tăng chỉ là một tín hiệu tốt nhưng chưa hẳn bền vững. Cái quan tâm hơn cả, làm sao thuyết phục được người nuôi tôm an tâm thả giống nuôi tới đây”, ông Lực nhận định.

Trước đó, Vasep đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm và xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp mua dự trữ nguyên liệu để xuất khẩu sau 3 - 6 tháng nữa trong năm 2023 và quý I/2024. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi thủy sản có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi thay vì treo ao.

Tin bài liên quan