Chứng khoán Việt Nam nằm trong top đầu lựa chọn của nhà đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước lo ngại về việc xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm suy giảm, có thể làm dòng vốn ngoại vào Việt Nam giảm xuống, các chuyên gia khẳng định, Việt Nam vẫn là sự lựa chọn hàng đầu. 

Trung Quốc mở cửa: Nửa mừng, nửa lo

Từ đầu tháng 12, Trung Quốc đang thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước và dự kiến mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý II/2023.

Tại Talkshow kỳ thứ 10 Phần II do báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức với chủ đề Tìm cơ hội 2023”, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Phân tích CTCK Thành Công (TCSC) cho rằng, động thái của Trung Quốc có nghĩa là những hành khách đến với Trung Quốc có thể sẽ không bị cách ly nữa. Đó là những tín hiệu tích cực cho nhiều thị trường, đặc biệt là thị trường xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, điều này sẽ tác động tích cực cũng như tiêu cực đến Việt Nam.

Về tác động tích cực, thứ nhất, nhìn trên bình diện kinh tế Việt Nam, trước năm 2019, du lịch chiếm khoảng 10% GDP, tuy nhiên khi Covid diễn ra, khách du lịch Trung Quốc không thể đến Việt Nam. Do đó, nếu Trung Quốc mở và mở rộng hơn, khách du lịch Trung Quốc sẽ sang Việt Nam là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm sau.

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Phân tích CTCK Thành Công. Ảnh chụp qua màn hình

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Phân tích CTCK Thành Công. Ảnh chụp qua màn hình

Theo thống kê của một số tổ chức nước ngoài, lượng khách du lịch tìm kiếm chuyến bay quốc tế đã tăng gấp 2,3 lần trong 10 ngày trở lại đây. Đây là tín hiệu chắc chắn sẽ tác động tích cực đến Việt Nam và ngành công nghiệp phân phối, từ đó sẽ tác động đến tăng trưởng GDP.

Thứ hai, thị trường đang kỳ vọng những lượng khách sang Việt Nam không chỉ là khách du lịch mà còn là những nhà đầu tư Trung Quốc - là động lực thúc đẩy dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam. Đây không chỉ là dòng tiền trên thị trường chứng khoán mà còn là dòng tiền trên thị trường khác như bất động sản, kênh đầu tư FDI cũng sẽ dễ dàng hơn cho Việt Nam.

Từ những yếu tố vĩ mô đó, ông Trung chỉ ra một số ngành cũng sẽ có tác động. Đầu tiên, giao thương được hưởng lợi và đi lại thuận lợi thì chắc chắn ngành hàng không sẽ được hưởng lợi. Bên cạnh đó là hỗ trợ giao thương như logistics; một số ngành khác mà Trung Quốc mở cửa sẽ tăng như hàng hóa đầu ra.

Tuy nhiên, bên cạnh tích cực ông Trung cũng nhấn mạnh sẽ có tiêu cực. Theo một thống kê nước ngoài, năm 2023 là năm dự kiến nhu cầu hàng hóa nói chung, dầu khí nói riêng tăng, trong khi Trung Quốc chiếm khoảng 60% khả năng tăng trưởng của ngành. Nếu việc mở cửa được thúc đẩy, nhu cầu dầu sẽ tăng trong tổng lượng nhu cầu dầu toàn cầu là 60%, khiến cho giá hàng hóa tăng trở lại.

Nhìn lại năm 2022, giá hàng hóa là một nguyên nhân khiến lạm phát thế giới tăng lên, nếu giá hàng hóa tiếp tục tăng và lạm phát cho năm 2023 quay trở lại sẽ là thách thức không chỉ những kênh đầu tư khác mà cả kênh chứng khoán cũng sẽ gặp rủi ro, vì lạm phát là nguyên nhân chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian qua. Đó là nguyên nhân nhà đầu tư nên quan tâm đến giá hàng hóa khi Trung Quốc mở cửa.

Về một số ngành bị tác động tiêu cực, Trung Quốc là một nước sản xuất chiếm rất lớn ở các nhóm ngành, đặc biệt là hàng hóa cơ bản. Việc Trung Quốc mở cửa sẽ cạnh tranh với nhiều nhóm ngành của Việt Nam và mang đến những tác động tiêu cực, cạnh tranh hơn với nhiều sản phẩm Việt Nam.

Việt Nam - sự lựa chọn hàng đầu

Thực tế, ngay cả khi Trung Quốc chưa hoàn toàn mở cửa, xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm đã suy giảm và là nguyên căn của rất nhiều vấn đề. Hệ lụy là tác động lên nguồn ngoại tệ thu về, cán cân vãng lai thâm hụt và nguồn dự trữ USD giảm xuống - làm cầu ngoại tệ tăng và đẩy tỷ giá tăng. Các vấn đề này cũng gây ra lo ngại có thể làm dòng vốn ngoại (FDI và FII) vào Việt Nam sẽ giảm xuống.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập FinPeace. (Ảnh: Dũng Minh)

Ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập FinPeace. (Ảnh: Dũng Minh)

Ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà sáng lập FinPeace đánh giá, giá đồng USD tác động rất lớn lên quyết định đầu tư của nước ngoài. Năm 2023 sẽ không có gì mới, ông Tuấn Anh không cảm thấy lo lắng. Trong một vài năm nay, trên bản đồ đầu tư, dường như Việt Nam đã trong top đầu của sự lựa chọn.

Ông Tuấn Anh lấy dẫn chứng, ở Hàn Quốc, trong bảng xếp hạng mối quan tâm của nhà đầu tư thì vị trí số 1 là Mỹ, 2 là châu Âu, 3 là Việt Nam. Quan điểm của nhà đầu tư nước ngoài là thị trường có tiêu cực thì vẫn sẽ có một nhóm quan tâm đầu tư vào Việt Nam.

“Mọi thứ đã cân bằng trong năm 2023, kể cả năm 2023 có xấu, thì vẫn là điểm đến đầu tư của nhiều quốc gia, nơi thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Tuấn Anh lạc quan nhận định.

Ông Thành Trung cũng bổ sung thêm về vấn đề ổn định ngoại tệ. Khi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ đánh giá biến động tỷ giá, vì đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài xem xét vào một quốc gia nào đó.

Nhìn lại trong 11 tháng vừa qua, VND được xem là đồng ổn định nhất thế giới, có nghĩa so với chỉ số Dollar–index tăng khá mạnh trên bình diện toàn cầu, những đồng tiền lớn như Euro, yen Nhật giảm lên tới 15 - 20%, thì VND tính từ đầu năm đến giờ chỉ giảm 3 - 4%, là mức ổn định rất cao. Từ đó, bên cạnh những yếu tố tiềm năng của kinh tế, dòng tiền FDI vẫn là dòng tiền được kỳ vọng cho năm 2023. Trong 2 tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài đã giải ngân khá nhiều trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Đó là tín hiệu khá là tích cực cho thị trường chúng ta và kỳ vọng dòng tiền nước ngoài cũng sẽ là động lực cho năm 2023 sắp tới”, ông Trung bày tỏ.

Tin bài liên quan