Nếu quản lý tài chính cá nhân được quan tâm hơn, các nguồn lực tài chính sẽ được sử dụng một cách thông minh hơn.

Nếu quản lý tài chính cá nhân được quan tâm hơn, các nguồn lực tài chính sẽ được sử dụng một cách thông minh hơn.

Chuyên nghiệp hoá dịch vụ tư vấn tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mức độ quan tâm, tìm hiểu về tài chính cá nhân của người dân Việt Nam ngày càng tăng. Tuy nhiên, với nền tảng kiến thức tài chính cá nhân còn thiếu và yếu, cần có lực lượng tư vấn tài chính bài bản để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời giúp thị trường tài chính phát triển hiệu quả, bền vững.

Một trong ba trụ cột cho thị trường tài chính

Nhấn mạnh việc cần xây dựng các trụ cột để thị trường tài chính tăng trưởng bền vững, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) cho biết, cùng với xu thế của các quốc gia có nền tài chính phát triển, ngành quản lý tài sản Việt Nam được dự báo có dư địa tăng trưởng lớn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính nói chung, lĩnh vực quản lý tài sản nói riêng, nhiều yếu tố bất cập đã bộc lộ.

Thứ nhất, thiếu tính độc lập. Các đơn vị cung cấp sản phẩm và dịch vụ tài chính có xu hướng tư vấn tập trung vào các tài sản đầu tư mình đang cung cấp, thiếu những tư vấn khách quan, độc lập cho khách hàng khi các điều kiện thị trường thay đổi. Ví dụ, các công ty chứng khoán sẽ chỉ tập trung vào cổ phiếu, công ty bất động sản chỉ tập trung vào nhà đất mặc dù thị trường diễn biến không thuận lợi.

Thứ hai, mâu thuẫn về lợi ích. Lực lượng tư vấn tài chính hiện tại có lợi ích theo từng sản phẩm phân phối nên có xu hướng tư vấn những sản phẩm mang lại lợi ích ngắn hạn, thay vì quan tâm đến tổng thể kế hoạch của khách hàng. Điều này bộc lộ rõ trong lĩnh vực phân phối trái phiếu doanh nghiệp hoặc bảo hiểm. Thị trường đang thiếu một lực lượng cố vấn tài chính độc lập có khả năng xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn và triển khai đầu tư một cách hệ thống và bài bản, từ đó gia tăng tài sản khách hàng và chia sẻ quyền lợi một cách hợp lý.

Thứ ba, thiếu sự minh bạch. Các sản phẩm tài chính thiếu một hệ thống phân loại, xếp hạng để nhà đầu tư có thể an tâm, tin tưởng.

“Chính vì vậy, làm thế nào để tạo dựng một cộng đồng tư vấn tài chính độc lập, có trách nhiệm, có chuyên môn cao với những sản phẩm tài chính minh bạch nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho nhà đầu tư là mục đích mà VWA hướng tới”, ông Tuấn chia sẻ.

Sau những vụ việc sai phạm bị phát hiện trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu thời gian qua, các cơ quan quản lý đang nỗ lực thiết lập kỷ cương trên thị trường cổ phiếu, gia tăng tính minh bạch và thanh khoản cho thị trường trái phiếu riêng lẻ, từ đó khôi phục niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để thu hút được người dân tham gia mạnh mẽ vào thị trường tài chính, cần có 3 trụ cột bền vững.

Trụ cột 1: Dân trí tài chính. Làm sao để mọi người hiểu thế nào là đầu tư, thế nào là đầu cơ? Làm sao để mỗi người đều có một kế hoạch tài chính dài hạn, hiểu rõ khẩu vị rủi ro của mình trong đầu tư để lựa chọn sản phẩm và thiết kế danh mục hợp lý; phải hiểu đầu tư gắn liền với rủi ro và nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát các rủi ro, chứ không phải tin theo những lời “hứa hẹn” lừa lọc gửi tiền đầu tư sẽ được lãi cao hàng tháng?

Trụ cột 2: Cố vấn tài chính độc lập. Cần có những cố vấn tài chính hành động vì lợi ích của khách hàng, chứ không phải vì khoản hoa hồng khi bán được trái phiếu hay một hợp đồng bảo hiểm. Làm sao để đội ngũ đó giỏi về chuyên môn và tuân thủ các quy tắc đạo đức khi làm việc với khách hàng? Làm sao để mọi người có một danh sách minh bạch các cố vấn tài chính đạt chuẩn để khi cần có thể liên hệ?

Trụ cột 3: Sản phẩm tài chính đạt chuẩn. Nhà đầu tư cần nhận nhiều thông tin về các sản phẩm tài chính đạt chuẩn, đảm bảo pháp lý, thay vì các sản phẩm đa cấp, lừa đảo vẫn đang được lan truyền khắp nơi. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư và giao dịch phải trở nên đơn giản, thuận tiện. Có hệ thống xếp hạng các sản phẩm uy tín để khi cần, nhà đầu tư có thể tham khảo.

Những câu hỏi trên cho thấy còn rất nhiều công việc cần phải làm và điều này đòi hỏi sự chung sức của nhà quản lý, cộng đồng các tổ chức tài chính, cố vấn tài chính, trong đó có VWA.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trên thị trường tài chính, với những nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân ngày càng tăng, các tổ chức tài chính như công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, tổ chức tín dụng cũng tích cực đẩy mạnh các sản phẩm tài chính cá nhân.

Chẳng hạn, các công ty chứng khoán như TCBS, VCBS, SSIAM, HSC, VNDirect... đã và đang đẩy mạnh dịch vụ quản lý tài sản, phát triển mô hình tư vấn, cung cấp các giải pháp đầu tư đa dạng, được cá nhân hóa.

Bên cạnh đó, trên thị trường cũng xuất hiện các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính độc lập với hoạt động mang tính toàn diện hơn, liên quan tới lên kế hoạch đầu tư - tiết kiệm, đạt được các mục tiêu tài chính cụ thể như mua nhà, mua xe…

Theo ông Alex Pham, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ tài chính bất động sản Tulip (FINA), nhu cầu đối với dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân là rất lớn. Với quy mô dân số 100 triệu người, 70% trong độ tuổi lao động, nếu lấy con số cơ bản là 50% người trong độ tuổi lao động có nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân thì tập khách hàng lên tới 35 triệu người.

Nhà đầu tư và thị trường hưởng lợi

Ông Lê Long Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) chia sẻ, một cuộc khảo sát nhỏ trên địa bàn Hà Nội về sự quan tâm của cá nhân tới các lĩnh vực chính của tài chính cá nhân như quản lý chi tiêu, lập kế hoạch tài chính, kế hoạch bảo hiểm, đầu tư, hưu trí và di sản cho thấy, trên 90% số người được khảo sát không nắm rõ được các khoản chi tiêu của mình trong tháng vừa qua và họ cũng không có các khoản tiết kiệm để phòng ngừa rủi ro trong các tình huống khẩn cấp.

Như vậy, về cơ bản, người dân Việt Nam vẫn chưa có nhiều kiến thức liên quan tới việc quản lý tài chính cá nhân. Họ có thể có những khoản tiết kiệm cũng như các khoản đầu tư khác, tuy nhiên chưa có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm cụ thể và chưa xác định được mức độ rủi ro phù hợp của mình trong đầu tư.

Vì mức độ phổ cập tài chính cá nhân còn hạn chế, các dịch vụ liên quan đến tài chính cá nhân chưa đa dạng, các điều kiện để cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính cá nhân, đội ngũ tư vấn tài chính chưa được đào tạo chuyên nghiệp. Hiện nay, dịch vụ tài chính cá nhân ở Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần nhiệm vụ của dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân, việc cung cấp dịch vụ tập trung vào bán sản phẩm hơn là tư vấn một kế hoạch tổng thể về quản lý tài chính cá nhân từ tiêu dùng tới tiết kiệm, đầu tư tương ứng với các mức độ rủi ro mà khách hàng chấp nhận hay các kế hoạch dài hạn hơn như hưu trí và di sản.

Với bối cảnh này, cần nhiều biện pháp được thực hiện đồng bộ để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực tư vấn tài chính cá nhân. Nếu quản lý tài chính cá nhân được quan tâm hơn, các cá nhân đều có các kế hoạch quản lý tài chính phù hợp thì từ việc chi tiêu, tiết kiệm cho đến đầu tư và kế hoạch hưu trí của người dân đều trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Khi đó, thị trường tài chính sẽ được hưởng lợi, các nguồn lực tài chính được sử dụng một cách thông minh, đồng tiền được sử dụng một cách phù hợp, thúc đẩy thị trường tài chính phát triển hiệu quả hơn.

“Khi người dân nhận thức được tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân, đây sẽ là động lực phát triển các ngành dịch vụ về tài chính phát triển như ngành tiêu dùng, bảo hiểm, đầu tư cá nhân, dẫn đến sự phát triển của thị trường tài chính cũng như tổng thể nền kinh tế. Cuộc sống gia đình và người thân của mỗi cá nhân ổn định sẽ không gây áp lực lên các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, xã hội ngày càng tiến bộ và phát triển hơn”, ông Giang chia sẻ.

Tin bài liên quan