5 xu hướng khiến ngành tư vấn tài chính phải chuyển mình

5 xu hướng khiến ngành tư vấn tài chính phải chuyển mình

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những thay đổi của môi trường tài chính khiến các tổ chức tư vấn, cố vấn tài chính phải thích nghi, chuyển dịch sản phẩm - dịch vụ, từ đó cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.

Xung đột địa chính trị gia tăng trên toàn cầu, chính sách tài khoá thay đổi, môi trường lãi suất cao cùng với lạm phát cứng đầu được dự báo sẽ tiếp tục gây khó khăn cho các thị trường tài chính.

Bối cảnh vĩ mô bất ổn và những hệ quả hậu đại dịch khiến cộng đồng nhà đầu tư, cũng như người tiêu dùng cần tìm kiếm chỉ dẫn từ các cố vấn tài chính hơn bao giờ hết, bởi họ cần chuyên gia đồng hành trong thời khắc khó đoán định, từ đó bảo vệ tài sản an toàn.

Theo đó, đây cũng là thời điểm mà các tổ chức tư vấn, các cố vấn tài chính củng cố chiến lược, thích nghi với bối cảnh mới, nâng cao chất lượng sản phẩm - dịch vụ, từ đó nâng tầm vị thế và hỗ trợ khách hàng tốt nhất.

Dưới đây là một số xu hướng chính của lĩnh vực tư vấn tài chính năm 2023.

Ứng dụng Fintech

Với chi phí gia tăng và nhu cầu của khách hàng ngày càng phức tạp, các cố vấn tài chính, đặc biệt là nhóm phục vụ đại chúng, ngày càng nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vào sản phẩm - dịch vụ, từ đó cải thiện chất lượng và khả năng cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Tại một số lĩnh vực đặc biệt, chẳng hạn với cung cấp thông tin cập nhật, gửi thông tin giao dịch thường xuyên, các cố vấn tài chính đang kết hợp cùng với các công ty công nghệ tài chính (FinTech) hoặc các bên cung cấp dịch vụ công nghệ… để thực hiện hoạt động này.

Các khách hàng cũng có thể tìm kiếm mối liên hệ trực tiếp với các công ty Fintech có tên tuổi để phục vụ các nhu cầu cá nhân liên quan tới quản lý tài sản, tư vấn đầu tư… Xu hướng này sẽ có lợi cho nhóm Fintech với nền tảng tốt và danh tiếng ổn định.

Chuyển giao tài sản giữa các thế hệ

Ước tính khoảng 40 - 60 nghìn tỷ USD sẽ được chuyển giao từ thế hệ baby boomers (những người sinh từ 1946-1964) sang thế hệ Gen X (những người sinh từ năm 1965-1980) và thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1981-1996). Sự chuyển giao tài sản này là diễn biến đặc biệt quan trọng đối với ngành quản lý tài sản/tư vấn tài chính, nhất là với nhóm tập trung vào khách hàng có tài sản lớn.

Thêm vào đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính, các cố vấn tài chính cũng cần sắp xếp lại tổ chức, cũng như cách thức làm việc để trở nên hấp dẫn hơn với nhóm khách hàng trẻ tuổi. Đồng thời, các lĩnh vực tư vấn cũng tiếp tục được mở rộng sang chăm sóc sức khoẻ, kế hoạch nghỉ hưu, tư vấn thừa kế tài sản…

Khoảng 40 - 60 nghìn tỷ USD sẽ được chuyển giao từ thế hệ baby boomers sang thế hệ Gen X và thế hệ Millennials

Khoảng 40 - 60 nghìn tỷ USD sẽ được chuyển giao từ thế hệ baby boomers sang thế hệ Gen X và thế hệ Millennials

Các tiêu chuẩn ESG

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các thế hệ nhà đầu tư trẻ hơn đang tìm kiếm các khoản đầu tư tập trung vào giá trị bền vững. Theo đó, các nhà cố vấn tài chính cũng phải sẵn sàng cung cấp sản phẩm - dịch vụ tuân thủ theo bộ khung tiêu chuẩn ESG (Môi trường - quản trị - xã hội), nếu không sẽ chịu rủi ro đánh mất đi khách hàng tiềm năng.

Các cố vấn tài chính phải đảm bảo việc am hiểu tốt hơn môi trường đầu tư ESG, cũng như các sản phẩm, cơ hội đầu tư tại thị trường này. Thực tế, các sản phẩm đầu tư ESG ngày càng đa dạng và đóng góp quan trọng hơn cho các thị trường tài chính toàn cầu. Hơn 90% các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố thông tin liên quan tới ESG, một số công ty còn đặt mục tiêu ESG của riêng mình.

Tiện ích cá nhân hoá

Một trong những điều mà các tổ chức tư vấn tài chính thường chịu chỉ trích là việc không hiểu hết được những khó khăn mà khách hàng phải trải qua, bởi có sự chênh lệch lớn trong đời sống. Theo đó, khả năng có thể tuỳ biến dịch vụ tư vấn theo từng khách hàng dựa trên dữ liệu được cá nhân hoá là rất cần thiết.

Đáng chú ý, để nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ tư vấn, cũng như giảm thiểu chi phí vận hành, việc ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu và xử lý dữ liệu lớn là yếu tố cần thiết để đẩy nhanh hơn nữa việc cá nhân hoá tiện ích cho người dùng.

Chỉ số riêng cho cá nhân

Cùng với xu hướng cá nhân hoá và ESG, các thành viên thị trường chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của các chỉ số được xây dựng riêng biệt. Các chỉ số này không chỉ giúp khách hàng gia tăng tài sản đầu tư, mà còn phục vụ cho các mục tiêu như chi tiêu cho thuế hiệu quả hơn, giảm các chi phí không cần thiết.

Bên cạnh đó, các cố vấn tài chính có thể tạo ra danh mục đầu tư/danh mục tài sản tiết kiệm riêng cho khách hàng, phản ánh mối quan tâm và sở thích riêng của mỗi cá nhân.

Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 - Vietnam Wealth Advisor Summit (VWAS) là sự kiện về lĩnh vực quản lý tài sản lần đầu tiên do Báo Đầu tư và Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Thời gian: 13h00-18h00, ngày 8/8/2023

- Địa điểm: Khách sạn Pullman, 40 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội

Với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy/Swimming in the vortex”, Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 với sự tham gia của các diễn giả uy tín trong nước và quốc tế sẽ thảo luận chuyên sâu về kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng; về các cơ hội, chiến lược đầu tư hiệu quả trong môi trường biến động khó lường; về các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ đầu tư được ưu thích trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vàng, ngoại tệ, bất động sản…

Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 sẽ có các hoạt động chính sau:

- Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam & quốc tế, với hai phiên trình bày và thảo luận với chủ đề “Giải mã biến số” và “Truy tìm cơ hội”;

- Vinh danh sản phẩm/dịch vụ tài chính tiêu biểu năm 2023;

- Vinh danh các doanh nghiệp Vì sự phát triển của Dịch vụ tài chính.

Tin bài liên quan