Cơ quan của Quốc hội chỉ ra bất cập trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
Lạm phát thấp, lãi suất cao là những nghịch lý, thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Năm 2023, dư nợ tín dụng đến ngày 21/9/2023 chỉ tăng 5,91% - Ảnh: Duy Linh

Năm 2023, dư nợ tín dụng đến ngày 21/9/2023 chỉ tăng 5,91% - Ảnh: Duy Linh

Cuối năm 2022, đầu năm 2023, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện quá chậm là bất cập trong công tác điều hành cần rút kinh nghiệm.

Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhấn mạnh như trên tại báo cáo thẩm tra giữa kỳ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Báo cáo này là một trong các nội dung về kinh tế, xã hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 27, sáng 16/10 tới.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá, sau 2 năm chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 cộng với bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nhiều rủi ro, kinh tế - xã hội nước ta cơ bản đã phục hồi, đạt kết quả tích cực.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam được nhận định là một “điểm sáng” trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,56%, được thế giới đánh giá là tích cực do nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm. Năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch (6-6,5%) và là mức tăng cao so với các trong khu vực và trên thế giới. Năm 2023, 9 tháng đầu năm GDP đạt 4,24%. Quy mô nền kinh tế tiếp tục mở rộng, GDP bình quân đầu người tăng từ 3.552 USD năm 2020 lên 4.109 USD năm 2022, năm 2023 ước tính đạt 4.337 - 4.378 USD .

Những kết quả tích cực trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của nửa nhiệm kỳ vừa qua là đáng trân trọng, tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế, khó khăn và thách thức, theo báo cáo thẩm tra.

Một trong các vấn đề cần quan tâm, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế là thu ngân sách nhà nước (NSNN) thường xuyên vượt so với dự toán. Thu NSNN 2021-2022 vượt dự toán được giao, tổng thu NSNN năm 2021 đạt 1.763,6 nghìn tỷ đồng; năm 2022 đạt 1.974 nghìn tỷ đồng. Thu NSNN 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, ước đạt 75,5% dự toán.

Kết quả này, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, phản ánh xây dựng dự toán thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa và ảnh hưởng đến dự toán thu của năm tiếp theo. “Đây là vấn đề tồn tại trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và có giải pháp để nâng cao chất lượng xây dựng dự toán thu NSNN hằng năm”, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra phản ánh ý kiến cho rằng, việc tăng thu là do xây dựng dự toán thu NSNN năm trước đó ở mức thấp, chưa thực chất, số thu năm 2021 chỉ tương đương với mức thu NSNN năm 2019. Chất lượng thu NSNN còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững, phần lớn tăng thu từ đất, dầu thô, xổ số kiến thiết, tình trạng nợ đọng thuế có chiều hướng gia tăng; việc giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng còn chậm…

Qua thẩm tra, nhiều ý kiến nhận định, việc quá chú trọng kiềm chế lạm phát cũng là nguyên nhân khiến lãi suất cao, đặc biệt là cuối năm 2022, đầu năm 2023 trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện quá chậm là những bất cập trong công tác điều hành cần rút kinh nghiệm.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng số vốn đầu tư công chậm giải ngân tồn đọng gửi tại các tổ chức tín dụng và tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng thấp, lạm phát thấp, lãi suất cao là những nghịch lý, thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Vẫn liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, Thường trực ủy ban thẩm tra nêu rõ, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm; tình trạng sở hữu chéo tại một số tổ chức tín dụng chưa được giải quyết dứt điểm. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá kỹ lưỡng việc xử lý sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo.

Vấn đề tiếp theo được báo cáo thẩm tra đề cập là tín dụng tăng trưởng thấp, nợ xấu tăng cao do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu. Trong năm 2023, dư nợ tín dụng đến ngày 21/9/2023 chỉ tăng 5,91% (cùng kỳ tăng 10,83%).

“Rủi ro của hệ thống ngân hàng ngày càng gắn kết chặt chẽ với rủi ro của các tổ chức tài chính phi ngân hàng, thị trường chứng khoán và bất động sản. Nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng”, báo cáo nêu nhận định.

Đề xuất một số giải pháp cho 2 năm còn lại 2024 và 2025, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ. Quan điểm của cơ quan thẩm tra là cần chủ động xem xét tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, giảm chi phí tài chính cho nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng.

Tin bài liên quan