Yếu tố cơ bản
Tại Mỹ, hiện nhà đầu tư hy vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất tại kỳ họp ngày 18/9 tới để tháo gỡ cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới tiêu chuẩn hiện nay. Do vậy, nhiều khả năng, diễn biến của thị trường Mỹ trong tuần này, ở một mức độ nào đó, sẽ có tác động tới thị trường VN.
Những diễn biến tốt đẹp từ chuyến thăm một số nước Đông Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cụ thể: ngày 13/9, tại Diễn đàn doanh nghiệp VN - Séc, các doanh nghiệp đã ký 7 hợp đồng kinh tế với tổng trị giá 3,5 tỷ USD; trước đó, trong chuyến thăm Liên bang Nga, tổng giá trị hợp đồng được ký kết đạt trên 1 tỷ USD, cho thấy VN sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn. Về chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2008, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Phó viện trưởng Viện Kinh tế VN, với tiềm năng tăng trưởng cộng với quyết tâm đổi mới và tăng tốc phát triển của Chính phủ thì mục tiêu tăng trưởng năm 2008 là 9,1 - 9,2% có thể đạt được.
Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) giao dịch khá cầm chừng. Mặc dù phiên cuối tuần họ mua vào 54 loại CK với tổng khối lượng 829.140 đơn vị, trị giá 114,64 tỷ đồng, nhưng khối lượng giao dịch trong tuần giảm một nửa so với tuần trước đó. Hai phiên đầu tuần đánh dấu sự thắng lợi của lượng cung, nhưng trong nửa cuối của tuần, thế thượng phong thuộc về lượng cầu. Chúng tôi tin rằng, thị trường sẽ tăng trong tuần này. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có quyết định của FED vào ngày 18/9.
Sàn TP. HCM
![]() |
Các yếu tố kỹ thuật
Ngưỡng hỗ trợ bền vững vẫn duy trì ở mức 883,9 điểm. Ngưỡng kháng cự gần nhất tại giá trị 938,21 điểm dường như tỏ ra bền vững khi VN-Index đã 1 lần chạm ngưỡng này nhưng không thể vượt qua.
Quan sát đồ thị có thể thấy xu hướng tăng giá trong ngắn hạn đã được hình thành từ tuần trước và đến thời điểm hiện nay chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy xu hướng này sẽ kết thúc. Đường giá vẫn duy trì chuyển động và giữ khoảng cách an toàn với đường MA 15 ngày cho thấy xu hướng tăng giá trong trung hạn nhiều khả năng vẫn còn tiếp diễn. Dải Bollinger Band chuyển động hướng lên trên, hỗ trợ cho chuyển động tăng của VN-Index.
Tuần qua, tổng cầu đạt trung bình 12,53 triệu CK/phiên, tổng cung đạt 11,12 triệu CK/phiên, không có sự biến động quá nhiều so với tuần trước. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thành công trung bình của tuần (5,9 triệu đơn vị) lại thấp hơn khá nhiều so với tuần trước đó (7,05 triệu đơn vị). Điều này cho thấy, trong khi người mua vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào sự tăng trưởng của VN-Index thì người bán lại kỳ vọng vào một thị trường giá tăng nên không chấp nhận bán giá thấp. Lượng cầu mua giá thấp chiếm ưu thế đã làm cho VN-Index không có sự tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, thị trường có sự tăng đột biến so với những phiên trước trong tuần. Động thái này cho thấy, những thành viên tham gia thị trường đã dần lấy lại sự lạc quan.
Các yếu tố thị trường
Tuần qua, những thành viên tham gia thị trường có tâm lý khá kiên định. Sự giằng co giữa hai lực lượng cung - cầu luôn tiếp diễn khi người mua không trả giá quá cao, còn người bán chỉ đồng ý bán với giá cao hơn. Biên độ dao động trong một phiên đôi khi chỉ từ 0,01% - 0,06%.
Tuần qua chứng kiến sự lên ngôi của những cổ phiếu (CP) nhỏ. Trong khi những blue-chip liên tục mất điểm ở các phiên giao dịch đầu tuần thì nhóm CP nhỏ lại có sự tăng giá mạnh mẽ, có CP tăng trần liên tiếp trong 2 - 3 phiên như LBM, MHC, LGC… Trong khi đó, nhiều blue-chip liên tục giảm giá và chỉ được “cứu vớt” vào hai phiên cuối tuần khi thị trường tăng giá như PVD, DHG, BMC…
Nhà ĐTNN tuần qua giảm 1/2 khối lượng giao dịch (kể cả mua và bán) so với tuần trước đó, nhưng lượng mua vẫn gấp đôi lượng bán cho thấy họ vẫn dành sự quan tâm nhất định đến thị trường.
Khuyến nghị
Nhà đầu có thể mua vào một số mã an toàn như SJS, PVD, HRC… Tuy nhiên, cần cân nhắc sự ảnh hưởng của TTCK thế giới để có những quyết định phù hợp.
Sàn Hà Nội
![]() |
Các yếu tố kỹ thuật
Đường giá được kỳ vọng dao động trong khoảng: Resistance được xác định tại điểm 260 vào ngày 01/8; Support được xác định tại điểm 246,47 vào ngày 22/8.
Đường HASTC-Index tuần qua tăng khá mạnh, tiến gần đến đường Resistance - đây là điểm khá nhạy cảm. Nếu đường HASTC-Index vượt qua đường Resistance thì sẽ tạo ra xu thế tăng mạnh trong ngắn hạn của HASTC-Index. Nếu đường HASTC-Index không vượt qua được đường Resistance thì HASTC-Index dao động trong xu thế “sideways”.
Một số yếu tố khác đáng chú ý là:
-Khoảng cách hai đường MA đang tăng dần lên cho thấy HASTC-Index vẫn có thể tăng. Dải Bollinger Bands đang tiếp tục mở rộng thể hiện sự dao động của HASTC-Index tăng dần lên.
-Đường Stochastic đi xuống nhẹ, nằm trên khoảng 20 - 80 mức overbought cho thấy 1-2 phiên nữa thị trường sẽ có sự điều chỉnh.
-Đường DI (+) đi xuống, DI (-) đi ngang. ADX đi lên trên khoảng 20-40 thể hiện xu thế đi lên của HASTC-Index khá bền vững.
-Đường RSI đi lên, nằm trên khoảng 30-70 cho thấy sức cầu của thị trường đang tăng dần.
-Đường MACD đi lên gần đường giới hạn 0, nếu MACD vượt qua đường 0 thì MACD sẽ tăng mạnh. Khoảng cách của MACD với đường Signal vẫn được duy trì.
Các yếu tố thị trường
Phiên cuối tuần, HASTC-Index tăng 0,32 điểm, đưa tổng số điểm mà HASTC-Index tăng được trong tuần lên 2,83 điểm, đạt 259,48 điểm. Khối lượng giao dịch trong tuần đạt hơn 7,4 triệu CP, tăng 54%. Những CP được giao dịch nhiều vẫn là các blue-chip, chiếm từ 2,8% - 19,5% lượng giao dịch của thị trường như SSI, TBC, ACB, NTP, PVI… Tuy nhiên, lượng giao dịch của nhiều CP lại giảm so với tuần trước đó, ngoài ra còn chững lại về giá như SSI, NTP MPC với mức giảm từ 1,3% - 2,5%. Một số CP như BMI, BVS, PVI, SDA có mức tăng từ 0,7% - 5,9%.
CP tăng giá mạnh nhất là S99, sau khi giảm mạnh vào tuần trước đó đã tăng trở lại với mức tăng 56,7%. Các CP thuộc ngành xây dựng cũng tăng mạnh như S64, S91, SD3, SD6, SD7, VC2, VTS, CIC với mức tăng từ 14,4% - 30%.
Mỗi tuần một thuật ngữ Upside - Downside Volume Chỉ số UDV chỉ ra sự chênh lệch giữa khối lượng tăng và giảm Chỉ số UDV tính khối lượng thuần ra hay vào thị trường. Chỉ số +40 cho biết độ tăng khối lượng giao dịch hơn độ giảm khối lượng giao dịch là 40 triệu CP. Tương tự, chỉ số -40 cho biết khối lượng giao dịch giảm vượt khối lượng giao dịch tăng 40 triệu CP. Chỉ số này rất hữu ích khi so sánh khối lượng giao dịch của ngày hiện tại với những ngày trước đó. Hiện chỉ số này thường dao động xung quanh khoảng 50. Vào những ngày sôi động có thể lên tới 150 hoặc hơn. CVI (Cumulative Volume Index) là chỉ số cộng dồn của chỉ số UDV. |
ILC là CP giảm mạnh nhất tuần với mức giảm 50%. Tuy nhiên, mức giảm này do ngày cuối tuần là ngày giao dịch không hưởng quyền mua CP theo tỷ lệ 1:1,5 với giá 15.000 đồng/CP. Tính ra, ILC trong phiên cuối tuần tăng 10% so với phiên liền trước (sau khi giảm 7,6% so với phiên cuối tuần trước đó).
Nhà ĐTNN trong phiên cuối tuần mua vào hơn 100.000 CP (chủ yếu là SSI và NTP), đưa tổng mức mua vào trong tuần lên 580.000 CP, tăng gần 60% so với tuần trước đó. Lượng bán ra của họ là 324.000 CP, giảm 14%. Số mã bán ra không nhiều, từ 5 - 8 mã/phiên (số mã mua vào là hơn 15 mã/phiên) với khối lượng chỉ từ 1.000 -10.000 CP. Điều này cho thấy, nhà ĐTNN vẫn có ý định duy trì và gia tăng mua vào những CP lớn và có tiềm năng như SSI, NTP, PVI hay SVC…
Dựa vào các yếu tố kỹ thuật, chúng tôi tiếp tục đặt thêm niềm tin vào sự khả quan vào thị trường trong tuần này.
Khuyến nghị
Tại thời điểm HASTC-Index tăng lên, nhà đầu tư nên dùng chiến lược giá tăng, nên mua các CP có tính thanh khoản cao như NTP, ACB, SSI, SDA… Tuy nhiên, cần cân nhắc về sự ảnh hưởng của thị trường thế giới tới thị trường VN.