Cung - cầu tín dụng mất cân bằng: Nguyên nhân và giải pháp

Cung - cầu tín dụng mất cân bằng: Nguyên nhân và giải pháp

0:00 / 0:00
0:00
Nhận diện nguyên nhân và đề xuất giải pháp đối với một trong những vấn đề lớn của nền kinh tế hiện nay là cung - cầu tín dụng mất cân bằng.

Biểu hiện

Mất cân bằng cung - cầu tín dụng được nhận diện dưới nhiều góc độ khác nhau.

Ở góc độ thứ nhất, tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/8/2023 so với cuối năm trước mới đạt 5,33%, khá thấp so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm trước (9,87%).

Ở góc độ thứ hai, sau 8 tháng (tức 2/3 thời gian của năm), tăng trưởng tín dụng mới đạt trên 1/3 định hướng cả năm (14-15%). Cụ thể, quy mô tín dụng cả năm dự kiến đạt 13,59 - 13,71 triệu tỷ đồng, thì sau 8 tháng mới đạt 12,58 triệu tỷ đồng; 4 tháng còn lại còn tới 1,01-1,13 triệu tỷ đồng. Đó là con số rất lớn, đặt ra hai vấn đề: có thực hiện được không; nếu thực hiện được thì có thể gây ra hiệu ứng phụ gì?

Ở góc độ thứ ba, xét về quan hệ giữa tín dụng với tăng trưởng GDP, hệ số giữa tốc độ tăng tín dụng và tốc độ tăng GDP đã giảm mạnh từ 3-4 lần trong các năm trước xuống còn vài lần gần đây. Theo mục tiêu và định hướng năm nay, hệ số này khoảng 2,2 - 2,3 lần, trong khi 6 tháng đầu năm mới đạt trên 0,8 lần. Từ hệ số này, có thể cảnh báo về khả năng không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế (6,5%).

Ở góc độ thứ tư, tăng trưởng tín dụng thấp diễn ra khi các kênh huy động vốn khác gặp khó khăn, nhất là trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản…

Ở góc độ thứ năm, việc triển khai một số chương trình tín dụng, như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, chương trình hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng gặp nhiều khó khăn…

Ở góc độ thứ sáu, các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, có tính trung gian tài chính, hoạt động trên cơ sở “đi vay” để “cho vay”, phải “trông giỏ bỏ thóc”… Việc huy động vốn của các tổ chức tín dụng 6 tháng cao hơn tốc độ tăng tín dụng (tăng 3,26% so với tăng 3,13%). Những tháng gần đây, lãi suất huy động giảm khá mạnh, nhưng lượng tiền huy động trước đây với lãi suất cao vẫn lớn…

Ở góc độ thứ bảy, việc hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu hiếm thấy do nhiều yếu tố, làm cho cung - cầu vốn tín dụng bị mất cân đối cung - cầu.

Mất cân đối cung - cầu tín dụng dẫn đến tình trạng các ngân hàng thương mại “thừa tiền”, “tồn kho tiền” cũng giống như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác tồn kho sản phẩm, hàng hóa. Người cho vay thì thừa tiền, người sản xuất, kinh doanh thì thiếu tiền, tạo nên tình trạng mất cân đối cung - cầu tín dụng.

Nguyên nhân và giải pháp

Mất cân đối cung - cầu tín dụng do nhiều nguyên nhân. Về phía ngân hàng thương mại - chủ thể cho vay, dù chính sách tiền tệ đã chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng bước đầu, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh lãi suất điều hành, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã giảm bước đầu…, nhưng các ngân hàng thương mại chưa thể “liều lĩnh” cho vay, vì sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Nếu không “trông giỏ bỏ thóc”, thì nợ xấu sẽ gia tăng, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của ngân hàng thương mại, mà còn ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng…

Về phía nền kinh tế - tức là doanh nghiệp và người dân, “cầu” tín dụng khá yếu vì nhiều yếu tố. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp năm 2021 chỉ đạt 4,2%, không những thấp hơn lãi suất cho vay, mà còn thấp hơn cả lãi suất huy động, ở một số loại hình còn thấp hơn (tư nhân 0,53%, công ty TNHH 1,01%), thậm chí ở một số ngành còn mang dấu âm.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang nợ ngân hàng lớn, thậm chí còn nợ quá hạn. Nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, không đủ điều kiện vay ngân hàng. Có doanh nghiệp vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác hoặc để đáo hạn… Không ít doanh nghiệp không mặn mà với gói cấp bù lãi suất, không muốn vay mới, thậm chí còn muốn trả lại tiền vay…

Đối với nền kinh tế, khi tăng trưởng 6 tháng còn thấp xa so với mục tiêu và khả năng 6 tháng cuối năm khó tăng 9%, thì cả năm sẽ không đạt được mục tiêu. Trong đó, công nghiệp là ngành kinh tế thực lớn nhất và công nghệ chế biến, chế tạo là tiêu chí chủ yếu của nước công nghiệp tuy thoát giảm, nhưng tăng thấp hơn tốc độ tăng chung, thì nhu cầu vốn cũng khó đạt được định hướng…

Về giải pháp, cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước: kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy động lực tăng trưởng; phát triển các loại thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản); nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; tiền tệ, tín dụng, lãi suất.

Ngoài ra, cần đặt ra các vấn đề cụ thể hơn, như giảm lãi suất cho vay hơn nữa; cơ cấu lại nợ cũ, giảm lãi cho nợ quá hạn, hỗ trợ doanh nghiệp trả nợ… ; ngân hàng thương mại chung tay giải quyết các vấn đề của các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư; cẩn trọng với việc điều hành tỷ giá.

Tin bài liên quan