Cuộc thảo luận ở cấp cao nhất của chính trường Mỹ, cho đến đêm ngày thứ Năm 25/9 vẫn chưa thống nhất được các nguyên tắc căn bản. Thay vào đó, hai bên đã lâm vào tình thế cãi vặt và chọc giận nhau.
Trớ trêu là đề án của Chính phủ thuộc đảng Cộng hòa lại bị tẩy chay bởi chính các phe Cộng hòa trong Quốc hội. Họ đòi phải có kế hoạch khác thay thế cho đề án của Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch nào khác đặt lên bàn.
Cập nhật mới nhất:
- Ngày 26/9, ngân hàng Washington Mutual đã nộp đơn phá sản lên tòa án bang
- Ngày 27/9, các đối tác muốn mua lại ngân hàng Wachovia đã ngừng cuộc đàm phán. Dư luận cho là họ đang mong Chính phủ đoạt quyền kiểm soát, sau đó họ có thể mua từ Chính phủ với giá hời hơn.
- Ngày 26/9, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ, ông Ben Bernanke tuyên bố sẽ ngừng tham gia thảo luận với Quốc hội về chi tiết kế hoạch giải cứu, để bảo toàn vị thế trung lập về chính trị của ông.
|
Đến đêm thứ Năm, các lãnh đạo hai đảng cùng hai ứng cử viên Tổng thống đã kéo nhau đến Nhà Trắng để họp với Tổng thống Bush và nội các. Sau khi rời cuộc họp, cả hai ứng viên mô tả đó chỉ là cuộc cãi cọ mà không có tiến triển nào.
Trong cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson đã “nửa đùa nửa thật” quỳ một chân trước Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, xin bà đừng lên trước ống kính truyền hình để chỉ trích sự thất bại của cuộc đàm phán, theo lời kể lại của hai quan chức cao cấp trong đảng Dân chủ.
Sau cuộc họp kết thúc vào 10 giờ đêm thứ Năm, Hạ nghị sĩ Barney Frank thuộc đảng Dân chủ đã cáo buộc với CNN là phe Cộng hòa tẩy chay đàm phán. Ông nói: “Đến thời điểm này, hoàn toàn không có sự tham gia hay hợp tác của các thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện.”
Tuy nhiên, cũng trong đêm, ứng cử viên McCain phát biểu trên đài ABC là các đảng viên Cộng hòa “có những quan ngại hợp pháp, và họ hiểu rõ tình thế hiện tại.”
Những điểm bất đồng
1. Bất đồng lớn nhất là nguyên tắc của đảng Cộng hòa: phố Wall phải chi tiền để cứu hệ thống tài chính, không phải người dân phải chi tiền. Các trợ lý của đảng Cộng hòa tiết lộ, trong các cuộc gọi của người dân đến văn phòng của đảng, tỉ lệ 90:1 là phản đối kế hoạch này. Đảng viên Cộng hòa John Boehner, lãnh đạo phe thiểu số trong Hạ viện, cho biết đảng Cộng hòa đang “xây dựng một giải pháp thay thế.” Phe Dân chủ tố cáo phe Cộng hòa đang cố tình đẩy cuộc thảo luận đi trệch hướng.
2. Bất đồng thứ hai là số tiền. Cả hai đảng đều hiểu là phần lớn số tiền 700 tỷ USD sẽ được giải ngân vào nhiệm kỳ Tổng thống mới, trong khi chưa rõ ai sẽ là Tổng thống. Tuy nhiên, một giải pháp đề ra là số tiền này sẽ được chia làm nhiều phần để Quốc hội phê duyệt từng bước.
3. Bất đồng thứ ba là quyền giám sát. Theo kế hoạch của Bộ trưởng Paulson, Bộ Tài chính có toàn quyền sử dụng số tiền, cả hệ thống lập pháp (Quốc hội) và hành pháp (Tòa án) không có quyền hỏi han gì. Giải pháp đang thảo luận là sẽ thành lập một ủy ban giám sát, và Chính phủ phải trình báo Quốc hội hàng tháng, không phải “sáu tháng một lần” như Bộ Tài chính đề nghị.
4. Bất đồng thứ tư là mức chi trả cho lãnh đạo các ngân hàng, thường lên đến hàng chục triệu USD khi họ buộc phải ra đi. Bộ trưởng Paulson, người từng là Chủ tịch và Tổng Giám đốc Golman Sachs cương quyết bảo vệ nguyên tắc “nước Mỹ thịnh vượng là nhờ đã trả công cao cho lãnh đạo doanh nghiệp.”
5. Điểm bế tắc thứ năm, cả hai tác giả của bản kế hoạch là Bộ trưởng Tài chính Paulson và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bernanke đều từ chối cam kết về kết quả. Họ viện lẽ đây là hiện tượng “ chưa từng có tiền lệ”. Tuy nhiên, cả hai cảnh báo là nếu không làm, kết quả sẽ tồi tệ hơn rất nhiều.
6. Bất đồng thứ sáu, theo ứng cử viên Obama giận dữ tố cáo, cuộc thảo luận đầy tính nhạy cảm đang bị đảng Cộng hòa lồng vào yếu tố chính trị của cuộc bầu cử. Cụ thể, lo ngại của đảng Dân chủ là hiện tại các đảng viên Cộng hòa đang tẩy chay, nếu ứng cử viên McCain kéo được họ trở lại với cuộc đàm phán, ông sẽ được ghi nhận là “có vai trò lãnh đạo trong khủng hoảng.”
Cho đến ngày thứ Sáu, ngay trước cuộc tranh luận công khai của hai ứng cử viên Tổng thống, vẫn chưa rõ số phận của kế hoạch giải cứu.
* Chính phủ và lãnh đạo Thượng viện tuyên bố sẽ họp “không nghỉ” cho đến khi đạt được một giải pháp.
* Chủ tịch Hạ viện và các thành viên đảng Dân chủ nhấn mạnh: Các nghị sĩ đảng Cộng hòa đang phản đối kế hoạch của Chính phủ thuộc đảng Cộng hòa. Nội bộ đảng Cộng hòa phải tự giải quyết mâu thuẫn này.
* Các quan chức đảng Cộng hòa cho biết họ đang cần thời gian để thống nhất trong nội bộ về một giải pháp thay thế.
* Một quan chức đảng Cộng hòa cho biết, “có một hiểu ngầm với nhau là nhất thiết phải có giải pháp trước ngày thứ Hai tới.”
* Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Richard Shelby thuộc đảng Cộng hòa tuyên bố “sẽ không có thỏa hiệp.”
Trong khi đó, thị trường hồi hộp theo dõi và biến động lên xuống theo từng lời tuyên bố của các bên tham gia đàm phán. Tình hình càng ngày càng xấu đi, với các diễn biến của ngân hàng lớn nhất và lớn thứ tư nước Mỹ là Washington Mutual và Wachovia trong hai ngày qua: một bị Chính phủ đoạt quyền kiểm soát, một đang cuống quít tìm người mua lại.