Đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế thí điểm xử lý nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần bổ sung phạm vi áp dụng Nghị quyết 42 là các khoản nợ được hình thành sau ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Vẫn có nhiều hơn một quan điểm, song đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần bổ sung phạm vi áp dụng là các khoản nợ được hình thành sau ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết 42 có hiệu lực, khi đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Làm rõ nguyên nhân các vướng mắc

Đánh giá việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) và thẩm tra dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết gia hạn) vừa được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 14/4.

Theo Ủy ban Kinh tế, trong thời gian áp dụng Nghị quyết 42, nợ xấu được xử lý của hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu xác định theo Nghị quyết này. Các hình thức xử lý nợ xấu được đa dạng hóa, đặc biệt là xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ tăng mạnh so với trước đây.

Các cơ chế tại Nghị quyết cũng đã tạo động lực khuyến khích các tổ chức tín dụng bán nợ xấu theo giá thị trường, các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu hoạt động sôi động hơn, hoạt động của VAMC đạt kết quả cao hơn so với giai đoạn trước.

Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 120.738 tỷ đồng, gấp 1,9 lần giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 31/12/2021), từ đó bước đầu tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ.

Quan trọng hơn, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, cùng với ngành ngân hàng, các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã vào cuộc để thúc đẩy mạnh mẽ hơn công tác xử lý nợ xấu, tạo sự thay đổi đáng kể về nhận thức từ khi Nghị quyết có hiệu lực.

Nhờ đó, đến cuối năm 2021, nợ xấu đã cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%, trong đó nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể so với thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Tuy nhiên, để bảo đảm đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ các kết quả đã đạt được cũng như tác động, ảnh hưởng của những quy định thí điểm trong Nghị quyết số 42, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phân tích, làm rõ thêm về thực trạng nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu tương ứng.

Bao gồm: Nợ xấu theo Nghị quyết số 42 (trong đó có nợ xấu trước thời điểm 15/8/2017; khoản nợ hình thành trước thời điểm 15/8/2017 nhưng được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực; nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt; nợ xấu tồn đọng chưa được xử lý tính đến 31/12/2021), nợ xấu phát sinh trong giai đoạn từ 15/8/2017 đến 31/12/2021 (không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết số 42).

Liên quan đến quá trình thực hiện Nghị quyết, báo cáo nêu rõ, năm 2020, khi đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết 42 đã kiến nghị một số nội dung để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, song đến nay Chính phủ vẫn tiếp tục nêu 6 nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc.

Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, ngoài vướng mắc liên quan đến đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã được xử lý theo Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì các khó khăn, vướng mắc khác, đến nay các tổ chức tín dụng và các cơ quan liên quan vẫn tiếp tục kiến nghị xử lý (bao gồm các khó khăn, vướng mắc về: mua, bán nợ xấu của tổ chức mua, bán nợ xấu; quyền thu giữ tài sản bảo đảm; thủ tục rút gọn; xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự; phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; phối hợp trong công tác thi hành án dân sự).

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về nguyên nhân chưa tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc cũng như thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Kinh tế tại báo cáo năm 2020.

Áp dụng cơ chế thí điểm cho mọi khoản nợ xấu

Nêu nhiều khó khăn, vướng mắc, song Chính phủ chỉ đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 thêm 2 năm (đến 15/8/2024), không đề xuất điều chỉnh, bổ sung bất cứ quy định nào tại nghị quyết này.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42 trong 2 năm. Tuy nhiên, để bảo đảm tính cấp thiết, khả thi, đề nghị cân nhắc xem xét sửa đổi, bổ sung đối với 2 nội dung.

Một là, bổ sung phạm vi áp dụng là các khoản nợ được hình thành sau ngày 15/ 8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.

Hai là, bổ sung đối tượng áp dụng các cơ chế xử lý nợ xấu tại Nghị quyết là là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), trực thuộc Bộ Tài chính, tương tự như Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (VAMC).

Đối với các nội dung khác, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục nghiên cứu trong quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm trong thời gian tới là hết sức cần thiết, trong đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở kế thừa các quy định phát huy được hiệu quả của Nghị quyết số 42, giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo được động lực thúc đẩy xử lý nợ xấu của nền kinh tế và phát triển hơn nữa thị trường mua, bán nợ xấu trong tương lai.

Có ý kiến đề nghị cần quan tâm hơn đến chính sách đa dạng hóa các đối tượng tham gia trực tiếp vào công tác xử lý nợ xấu, chính sách quy định về giao dịch nợ xấu, chứng khoán hoá nợ xấu cũng như các dịch vụ hỗ trợ xử lý nợ xấu. Có ý kiến cho rằng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu trong thời gian tới không nên chỉ giới hạn đối với nợ xấu của các tổ chức tín dụng mà cần tính đến nợ xấu của nền kinh tế để có tính bao quát cũng như việc xử lý nợ xấu sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho hay.

Trong sáng nay (14/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về đề xuất gia hạn Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Tin bài liên quan