Prudential Việt Nam đang bán tốt dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị

Prudential Việt Nam đang bán tốt dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị

Đến thời của quỹ mở, bảo hiểm liên kết đầu tư

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Việc lãi suất liên tục giảm khiến lợi suất đầu tư từ kênh gửi tiết kiệm không còn tối ưu và đây là thời điểm để bảo hiểm liên kết đầu tư, quỹ mở… lên ngôi.

Lãi suất giảm mạnh, bảo hiểm lên kết đầu tư lên ngôi

Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất đang trong xu hướng giảm mạnh, đây là lực đẩy tốt đối với giá tài sản nói chung, chứng khoán nói riêng. Theo đó, những khoản sinh lợi có lãi suất cố định như tiền gửi sẽ không còn là khoản đầu tư tối ưu khi mức lãi suất cam kết thấp. Đối với nhà đầu tư cá nhân, lãi suất tiết kiệm giảm cũng là thời điểm để tìm kiếm những kênh đầu tư khác có hiệu suất sinh lời tốt hơn.

“Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và chuyển mình mạnh mẽ cả về kinh tế và thị trường cũng như các kênh đầu tư. Khách hàng cá nhân tại Việt Nam với thói quen gửi tiền tiết kiệm trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm đã bắt đầu tìm kiếm những kênh đầu tư mới. Đặc biệt là các khách hàng trẻ ở độ tuổi 8x, 9x với tư duy về tài chính nhạy bén hơn, nhu cầu gia tăng tài sản cũng cao hơn, nên xu hướng đầu tư sẽ có những bước dịch chuyển”, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc đầu tư cấp cao Manulife Investment Việt Nam (ManulifeIM) nhìn nhận.

Theo ông Hải, một trong những xu hướng có thể thấy rõ hiện nay là sự lên ngôi của bảo hiểm liên kết đầu tư. Đây là dòng sản phẩm vừa giúp cho khách hàng bảo vệ được tài sản (bảo hiểm), vừa có thể gia tăng được tài sản thông qua các quỹ liên kết đầu tư.

Trên thị trường, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư bao gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị (ILP) và sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (ULP). Cả 2 dòng sản phẩm này đều có đặc tính bảo vệ và đầu tư. Điểm khác biệt của ILP là nhà đầu tư có thể lựa chọn quyết định đầu tư tùy theo khẩu vị rủi ro của mình, còn với ULP thì quyết định đầu tư phụ thuộc vào chiến lược đầu tư của công ty bảo hiểm với khẩu vị đầu tư cẩn trọng và lợi nhuận kỳ vọng thấp hơn.

Hiện nay, dòng sản phẩm ULP đã được hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai và có tỷ trọng doanh thu phí cao, chiếm gần 70% tổng doanh thu các nghiệp vụ. Với ILP, tỷ trọng doanh thu còn ở mức thấp (chưa đến 10%) do là sản phẩm nghiêng về đầu tư nhiều hơn nên khá “kén” khách, thường dành cho những người am hiểu về thị trường tài chính - chứng khoán.

Trên thị trường bảo hiểm hiện nay, ngoài Prudential Việt Nam đang là doanh nghiệp bán tốt dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị với sản phẩm Pru-Ðầu tư linh hoạt, thì AIA Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam… cũng đã phát triển dòng sản phẩm này. Lãnh đạo Dai-ichi Life Việt Nam kỳ vọng, chiến lược khai thác mới sẽ giúp nâng tỷ lệ doanh thu phí của sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị lên khoảng 10% tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới.

Đến thời của quỹ mở

Đánh giá cao các dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư ở thời điểm hiện tại, nhưng để đón đầu cơ hội rộng mở trong tương lai, quỹ mở là điều được nhắc tới.

Ông Nguyễn Đức Hải cho biết, tại các quốc gia phát triển, sản phẩm đầu tư phổ biến là các sản phẩm quỹ mở, quỹ hưu trí và xu hướng đầu tư tại Việt Nam sẽ ngày càng dịch chuyển theo xu hướng phát triển của thế giới.

Đầu tư ủy thác, đặc biệt là vào các quỹ mở, là một loại hình đầu tư cá nhân tuy không còn mới nhưng cũng chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam. Có khá nhiều khó khăn trong việc phát triển các sản phẩm quỹ mở như mức phí thu thấp, chi phí vận hành lớn, quy định khắt khe về mặt pháp lý…

Ngoài ra, người Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung vào các kênh đầu tư truyền thống như gửi tiết kiệm ngân hàng, bất động sản…, trong khi quỹ mở chỉ mới ra đời một vài năm gần đây, nên để dịch chuyển được tư duy đầu tư của khách hàng từ những kênh truyền thống sang những kênh đầu tư mới cần có thời gian.

Theo thống kê của Công ty Quản lý quỹ Dai-ichi Life Việt Nam (DFVN), hiện mới có khoảng 43.000 tài khoản (active) được mở tại 32 quỹ mở trong nước đang hoạt động trên thị trường Việt Nam, với tổng tài sản đạt khoảng 25.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng09/2020 (cuối năm 2018, cả nước có 24 quỹ mở, với khoảng 30.000 tài khoản nhà đầu tư).

Con số trên cho thấy, thị trường quỹ mở còn quá nhỏ bé so với quy mô dân số 97 triệu dân đang ở vào thời kỳ “dân số vàng” của Việt Nam, tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người dân tăng lên đáng kể, dẫn đến những thay đổi lớn về phong cách sống, phương thức tiêu dùng và nhu cầu đầu tư.

Bên cạnh đó, các diễn biến kinh tế - xã hội gần đây có tính chất xúc tác và thúc đẩy những thay đổi diễn ra nhanh hơn, không chỉ về mặt xã hội, mà cả cách thức vận hành nền kinh tế và trên thị trường đầu tư. Các ngân hàng thương mại cũng nhanh chóng thích ứng và đẩy mạnh chiến lược kinh doanh với phương châm “khách hàng là trọng tâm”, đồng thời bổ sung các sản phẩm đầu tư (của công ty quản lý quỹ) vào hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ ngân hàng…

“Kết hợp các yếu tố kể trên, chúng tôi tin rằng thị trường quỹ mở của Việt Nam có cơ hội phát triển hơn nữa cả về quy mô tài sản, tính đa dạng và chất lượng sản phẩm phục vụ khách hàng, khi mà cầu - cung gặp nhau và kết nối hiệu quả hơn”, đại diện DFVN nhìn nhận.

Trên thị trường vài năm trước, Eastspring Investments hay ManulifeIM đã phát triển các sản phẩm đầu tư vào quỹ mở. Đầu năm 2019, Công ty Quản lý quỹ Chubb Life (Chubb Life FMC) và DFVN đã ra mắt sản phẩm quỹ mở đầu tiên của mình. Ngày 20/10 vừa qua, DFVN nhận được giấy chứng nhận chào bán chứng chỉ quỹ mở lần đầu ra công chúng Quỹ đầu tư trái phiếu DFVN (DFVN-FIX) cũng là quỹ mở thứ hai, đáp ứng nhu cầu đầu tư của khách hàng ngại rủi ro, mong muốn sự ổn định và hài lòng với mức lợi nhuận kỳ vọng có thể cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Theo đánh giá của DFVN, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển, tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn. Tuy nhiên, thị trường cũng khá nhạy cảm với những biến cố kinh tế, địa chinh trị trong nước và quốc tế, nên có thể xảy ra những biến động trong ngắn hạn và thường tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường vốn hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu nhất quán trong kế hoạch hay quyết định đầu tư. Vì vậy, DFVN khuyến khích nhà đầu tư tham gia các chương trình đầu tư định kỳ (SIP) và dài hạn trên thị trường thông qua các quỹ mở nói chung, quỹ của DFVN nói riêng.

Còn theo bà Trần Thị Kim Cương, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc điều hành đầu tư ManulifeIM, sản phẩm quỹ mở đối với thị trường Việt Nam còn mới mẻ, người dân vẫn chưa có nhiều khái niệm và hiểu biết về quỹ mở nên ManulifeIM đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực sự đẩy mạnh sản phẩm này ra thị trường. Hiện đã có gần 5.000 nhà đầu tư đầu tư vào các quỹ mở của Manulife.

“Khách hàng của ManulifeIM hiện giao dịch chứng chỉ quỹ 2 lần/ tuần và trong tương lai sẽ là giao dịch mỗi ngày, thâm chí có thể giao dịch chứng chỉ quỹ online”, bà Kim Cương nói.

Được biết, ngoài việc chọn lọc và đào tạo từ đội ngũ đại lý tư vấn bảo hiểm của Manulife để giới thiệu thêm sản phẩm đầu tư quỹ mở đến với khách hàng, ManulifeIM cũng đang thiết lập và mở rộng hệ thống phân phối quỹ mở thông qua các kênh đối tác là các đơn vị trong ngành tài chính - chứng khoán…

“Chúng tôi tin rằng với các bước chuẩn bị được thực hiện một cách chu đáo và phù hợp, khi thị trường sẵn sàng, khách hàng sẵn sàng, thì quỹ mở sẽ phát triển rất mạnh và trở nên phổ biến như ở các quốc gia phát triển hiện nay”, bà Kim Cương nhấn mạnh.

Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán trên thị trường, rất nhiều quỹ nói chung đang mời người gửi tiền mua chứng chỉ quỹ với mức cam kết lãi suất cao mà thiếu khuyến nghị rủi ro. Việc các công ty quản lý quỹ mải lo huy động vốn mà thiếu truyền thông phù hợp là điều cơ quan quản lý cần nhắc nhở.

Tin bài liên quan