Biên lợi nhuận của các ngân hàng sẽ co hẹp hơn trong 2 quý cuối năm. Ảnh: Dũng Minh

Biên lợi nhuận của các ngân hàng sẽ co hẹp hơn trong 2 quý cuối năm. Ảnh: Dũng Minh

“Điểm mặt, chỉ tên” biến số ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, những ngân hàng có khả năng đẩy mạnh tín dụng, nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi, có chất lượng tài sản tốt, nguồn dự phòng dồi dào… sẽ nắm lợi thế trong 2 quý cuối năm.

Một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2022. Về tổng thể, bà có nhận định gì?

Bức tranh lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của ngành ngân hàng đang dần hé lộ. Tính đến thời điểm ngày 22/7/2022, theo ước tính của chúng tôi, khoảng 16 ngân hàng niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ khả quan. Tổng lợi nhuận của những ngân hàng này tăng gần 30% trong quý II/2022, tương đương với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước. Trong đó, Eximbank (mã EIB) là ngân hàng ghi nhận kết quả tăng trưởng lợi nhuận cao nhất lên tới gần 200%.

Đối với 6 tháng đầu năm 2022, tổng lợi nhuận của các ngân hàng đã có thông tin tăng hơn 32%, nhưng nếu loại bỏ các phần lợi nhuận đột biến mức thì mức tăng trưởng ước đạt khoảng 25%. Nhìn chung, các ngân hàng đều đã hoàn thành được nửa chặng đường kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2022, đặc biệt LienVietPostBank (mã LPB) và Eximbank đã đạt hơn 70% kế hoạch cả năm.

Nhiều ngân hàng cho biết, việc kịch trần tín dụng dẫn đến những khó khăn trong việc đẩy mạnh cho vay trong những tháng cuối năm. Bà đánh giá ra sao?

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Tín dụng hệ thống đã tăng 9,4% từ đầu năm tính đến cuối tháng 6/2022, cao hơn đáng kể so với mức 6,4% của cùng kỳ năm trước, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, nhóm ngành thương mại và dịch vụ đang là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn cho biết tăng trưởng cho vay đã gần chạm trần tín dụng được cấp từ đầu năm, khiến cho việc giải ngân chậm lại trong thời gian qua.

Nhìn về cuối năm, chúng tôi nhận thấy rằng, nhu cầu tín dụng vẫn khá lớn khi khu vực kinh tế tư nhân đang hồi phục mạnh mẽ sau dịch với hơn 76.000 doanh nghiệp thành lập mới và hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 25,4% so với cùng kỳ 2021. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân đầu tư công được kỳ vọng đẩy nhanh hơn những tháng cuối năm nhờ nỗ lực của Chính phủ cũng như giá một số nguyên vật liệu xây dựng có xu hướng hạ nhiệt, từ đó tác động tích cực lên ngành bất động sản - xây dựng, là lĩnh vực thường có nhu cầu vay vốn lớn trong 2 quý cuối năm.

Trong cuộc họp mới đây, Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông điệp giữ nguyên mục tiêu tín dụng 14% cho cả năm 2022. Do đó, chúng tôi kỳ vọng nhiều ngân hàng thương mại sẽ được nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng ngay trong quý III này để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao thời điểm cuối năm.

Vậy các ngân hàng cần lưu ý điều gì để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng cao?

Theo quan sát của chúng tôi, lãi suất huy động dần thiết lập mặt bằng mới với mức tăng trung bình từ 20-30 điểm cơ bản ở nhiều kỳ hạn, nhưng có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối có mức tăng ko đáng kể, hiện vẫn duy trì lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường khi lãi suất kỳ ngắn dưới 12 tháng không vượt quá 4%/năm, các kỳ hạn dài cũng chỉ dao động trong khoảng 5,3-5,6%/năm. Nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân có mức tăng mạnh hơn, khi mức lãi suất cao nhất đã tăng lên trên 7%/năm ở một số kỳ hạn dài.

Mặc dù xu hướng lãi suất đầu vào tăng chậm lại trong 1 tháng qua do giải ngân tín dụng hạn chế, song lãi suất huy động có thể tăng trở lại trong quý IV/2022 sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Chúng tôi cho rằng, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối có thể tăng lên 6-6,2%/năm vào cuối năm 2022 (hiện là 5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.

Do lãi suất đầu vào tăng, nên áp lực giảm biên lợi nhuận (NIM) sẽ mạnh hơn trong 2 quý cuối năm. Bên cạnh đó, trong trường hợp Thông tư 08/2021/TT-NHNN không được gia hạn thêm 1 năm nữa, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn sẽ giảm từ mức 37% hiện tại xuống mức 34% bắt đầu từ ngày 1/10/2022, đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ phải giảm nguồn vốn ngắn hạn hoặc tăng cho vay trung - dài hạn để đáp ứng yêu cầu này.

Tuy nhiên, áp lực giảm NIM sẽ không đồng đều giữa các ngân hàng, một vài ngân hàng có thể duy trì tỷ lệ NIM cao nếu sở hữu những lợi thế như hệ số tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao hoặc tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) thấp (giúp giảm được chi phí vốn trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm); có khả năng vay vốn nước ngoài (giúp các ngân hàng vay được vốn với lãi suất thấp trong bối cảnh tỷ giá ổn định); có khả năng mở rộng cho vay cá nhân, gia tăng tỷ suất sinh lời trên tài sản…

Tỷ lệ nợ xấu được cảnh báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 hết hiệu lực từ cuối tháng 6/2022, từ đó tác động mạnh đến lợi nhuận các ngân hàng…

Đúng vậy. Khi Thông tư 14/20221 hết hiệu lực thì nợ xấu sẽ tăng lên trong những tháng tới, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Chúng tôi ước tính nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết nhích lên mức 1,5% vào cuối quý I/2022 từ mức 1,39% vào cuối quý IV/2021, tỷ lệ nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng nhẹ lên mức 0,58% vào cuối quý I/2022 từ mức 0,51% vào cuối quý IV/2021. Theo một số ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2022 như VIB (mã VIB), TPBank (mã TPB), Techcombank (mã TCB), VPBank (mã VPB)…, nhìn chung nợ xấu ghi nhận đi ngang hoặc tăng không đáng kể, ngoại trừ NCB (mã NVB) bất ngờ công bố tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên 11% từ mức 3% hồi đầu năm. Tôi cho rằng, đây là một trường hợp ngoại lệ, không ảnh hưởng đến toàn ngành.

Tuy nhiên, chất lượng tài sản của các ngân hàng hiện được cải thiện rõ nét so với giai đoạn trước. Các ngân hàng đều chủ động tăng trích lập dự phòng để tăng tỷ lệ bao nợ xấu (LLR), cho nên tỷ lệ này đã đạt mức cao nhất lịch sử tại hầu hết ngân hàng vào cuối năm 2021 và hiện đã giảm. Mặt khác, các ngân hàng cũng thực hiện trích lập tương đối đầy đủ dự phòng đối với các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng dịch Covid-19, thay vì mức tối thiểu 30% như quy định.

Theo quan điểm của chúng tôi, với nền tảng vững chắc đó, các ngân hàng có thể giảm thiểu tối đa rủi ro nợ xấu gia tăng trong thời gian tới.

Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch tích cực hơn sau pha điều chỉnh mạnh trước đó, tạo kỳ vọng về một nhịp tăng mạnh của thị trường trong những tháng cuối năm 2022 dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu này. Bà có nhận định gì?

Là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, tôi cho rằng, nhóm ngành ngân hàng là lựa chọn đầu tư hàng đầu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau dịch. Trong 2 quý cuối năm nay, biên lãi ròng dù co hẹp do lãi suất huy động cao hơn, nhưng các ngân hàng vẫn có thể duy trì tăng trưởng lợi nhuận cao (ước tính khoảng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021, hoặc ở mức khoảng 25% nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường từ mảng bảo hiểm của VPBank).

Mặt khác, dù khả năng sinh lời (ROE, ROA) bình quân dự báo ở mức cao khoảng 22% trong năm 2022 nhờ tín dụng tăng trưởng ổn định, thu nhập từ phí tăng nhanh và chi phí tín dụng được kiểm soát tốt, nhưng các cổ phiếu ngân hàng vẫn đang giao dịch ở mức P/BV dự phóng trung bình là 1,3 lần - thấp hơn nhiều so với mức P/BV trung bình 3 năm là 2 lần, cho thấy mức định giá hấp dẫn của “cổ phiếu vua” ở thời điểm hiện tại.

Triển vọng là khá sáng sủa, nhưng chắc hẳn sẽ không dành cho tất cả, mà chỉ những ngân hàng nắm giữ lợi thế riêng. Bà có thể “điểm mặt, chỉ tên” những lợi thế này?

Dù còn đối mặt với không ít thách thức, nhưng ngân hàng vẫn là nhóm ngành triển vọng trong 2 quý cuối năm và tôi ưu tiên các ngân hàng có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, trong bối cảnh tín dụng phục hồi yếu, các ngân hàng có khả năng đẩy mạnh tín dụng, hoặc có khả năng nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi (thông qua kênh bancasurance, dịch vụ ngân hàng đầu tư, kinh doanh ngoại hối…) sẽ chiếm ưu thế.

Thứ hai, trong bối cảnh cạnh tranh tiền gửi ít gay gắt hơn và thanh khoản dồi dào, các ngân hàng có khả năng thúc đẩy cho vay cá nhân để có được lợi suất tài sản tốt hơn.

Thứ ba, do lo ngại về khả năng nợ xấu tăng cao trong những quý tới, tôi cho rằng, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và nguồn dự phòng dồi dào sẽ là sự lựa chọn hợp lý.

Tin bài liên quan