Năm 2024 khép lại với những điểm sáng đáng ghi nhận của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, hệ thống tổ chức tín dụng trong nước vẫn duy trì được trạng thái thanh khoản ổn định, mặt bằng lãi suất hợp lý, qua đó hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng của người dân.
Một trong những điểm nhấn nổi bật của năm 2024 là làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ trong khối ngân hàng thương mại. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), định danh điện tử (eKYC) không chỉ giúp tăng cường nhận diện khách hàng, mà còn góp phần tạo dựng hệ sinh thái tài chính số toàn diện, gia tăng trải nghiệm người dùng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ.
Tín dụng toàn hệ thống cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực, nhất là ở khu vực doanh nghiệp khi nền kinh tế dần phục hồi. Trong bối cảnh đó, hệ thống ngân hàng tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, khẳng định vị trí trung tâm trong cấu trúc tài chính quốc gia.
Khi chính sách mở đường cho vốn ngoại
Nguồn vốn ngoại, nếu được quản lý và định hướng đúng cách, không chỉ là phương tiện tăng vốn, mà còn là "chất xúc tác" quan trọng giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ hơn - từ mô hình tín dụng truyền thống sang mô hình ngân hàng số, từ định hướng ngắn hạn sang phát triển bền vững.
Một trong những chuyển động có tính định hình hệ thống ngân hàng thời gian qua là tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém. Năm 2024 chứng kiến một loạt thương vụ sáp nhập và tiếp nhận giữa các ngân hàng lớn với các tổ chức yếu kém. Vietcombank và MB đã tiếp nhận Ngân hàng Xây dựng (CB) và OceanBank vào cuối năm 2024, trong khi HDBank và VPBank lần lượt tiếp quản Đông Á Bank và GPBank vào đầu năm 2025. Một số trường hợp khác như SCB cũng đang được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Đây là những bước đi cụ thể nhằm thực thi Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu xây dựng một môi trường tài chính lành mạnh, nâng cao sức chống chịu và giảm thiểu rủi ro hệ thống. Quan trọng hơn, tiến trình này nhận được sự chỉ đạo sát sao từ Bộ Chính trị, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, thể hiện quyết tâm chính trị rõ ràng trong việc xử lý dứt điểm các tồn đọng kéo dài, đồng thời tăng cường tính minh bạch và hiệu quả vận hành của hệ thống ngân hàng.
Trong bức tranh tổng thể đó, việc mở rộng cửa cho dòng vốn nước ngoài được xem là yếu tố có thể mang tính chất đột phá, góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Nghị định có hiệu lực từ ngày 19/5/2025, cho phép tổng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc (từ ngân hàng do Nhà nước nắm trên 50% vốn) có thể vượt ngưỡng 30% thông thường, nhưng không quá 49% vốn điều lệ. Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu, thì Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu có thể vượt 50%.
Đây được xem là một cú huých chính sách đáng kể, không chỉ tháo gỡ nút thắt về vốn cho các ngân hàng đang trong quá trình tiếp nhận TCTD yếu, mà còn tạo điều kiện để thu hút thêm nhà đầu tư chiến lược có năng lực về quản trị, công nghệ và sản phẩm tài chính hiện đại. Trong bối cảnh xử lý nợ xấu đòi hỏi nguồn lực lớn, việc tăng “room” ngoại được xem là liều “doping” kịp thời để củng cố năng lực tài chính, tái cấu trúc tài sản và hiện đại hóa hệ thống quản trị của các ngân hàng thương mại Việt Nam.
![]() |
Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập, để xây dựng ngân hàng hiện đại, an toàn, không chỉ cần nguồn vốn, mà cần cả yếu tố quản trị |
Dẫu vậy, dư địa phát triển từ chính sách mở cũng đồng nghĩa với những đòi hỏi cao hơn về năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro. Trên thực tế, các ngân hàng tiếp nhận TCTD yếu sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc xử lý tài sản xấu, tích hợp hệ thống công nghệ và chuẩn hóa quản trị nội bộ. Nếu không có chiến lược rõ ràng và nguồn lực đủ mạnh, sự hợp nhất này có thể tạo áp lực lớn lên bảng cân đối tài chính, ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn (CAR) và hiệu quả hoạt động tổng thể.
Ngoài ra, khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tăng cao, ngân hàng cũng cần đảm bảo cân bằng giữa quyền lực cổ đông và định hướng phát triển lâu dài. Việc mất kiểm soát trong cấu trúc sở hữu có thể dẫn đến nguy cơ phân tán chiến lược, đặc biệt trong những thời điểm kinh tế có biến động mạnh. Chưa kể, nhà đầu tư nước ngoài thường yêu cầu mức độ minh bạch cao hơn trong công bố thông tin, quản trị rủi ro và kiểm toán độc lập, đòi hỏi các ngân hàng nội phải thích ứng nhanh chóng với chuẩn mực quốc tế.
Ở chiều ngược lại, việc nới room ngoại không chỉ có lợi cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu, mà còn có ý nghĩa tích cực đối với thị trường tài chính - chứng khoán nói chung. Trong nỗ lực nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, Việt Nam đang thực thi hàng loạt cải cách về minh bạch hóa thông tin, nới hạn sở hữu nước ngoài và cải tiến hạ tầng thanh toán. Việc mở rộng không gian đầu tư cho khối ngoại trong lĩnh vực ngân hàng - một trong những trụ cột của nền kinh tế, sẽ tạo thêm lực hút cho dòng vốn dài hạn từ các quỹ toàn cầu, vốn đang tìm kiếm thị trường có tốc độ tăng trưởng cao và cơ hội tái định giá tài sản.
Đối với nhà đầu tư quốc tế, các ngân hàng đang thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận TCTD yếu không chỉ là “tài sản rủi ro”, mà còn là “câu chuyện chuyển mình” có thể mang lại lợi suất hấp dẫn trong trung và dài hạn. Nếu quá trình tái cơ cấu diễn ra minh bạch, có lộ trình rõ ràng và gắn với các cải cách thể chế đồng bộ, niềm tin thị trường sẽ được củng cố và dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục tìm đến.
Để tận dụng hiệu quả cơ hội mở ra từ chính sách, hệ thống ngân hàng cần hành động quyết liệt và đồng bộ trên nhiều mặt trận. Trước hết là tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực quốc tế về an toàn vốn, quản trị rủi ro và chống rửa tiền như Basel II, Basel III. Kế đến là xây dựng chiến lược hợp tác rõ ràng, lâu dài với các nhà đầu tư chiến lược, tránh xu hướng “bán cổ phần theo thời điểm” mà thiếu tầm nhìn phát triển bền vững. Ngoài ra, việc nâng cấp năng lực công nghệ, phát triển sản phẩm tài chính số và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cũng là chìa khóa để nâng cao giá trị nội tại của từng ngân hàng.
Nguồn vốn ngoại, nếu được quản lý và định hướng đúng cách, không chỉ là phương tiện tăng vốn, mà còn là “chất xúc tác” quan trọng giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ hơn - từ mô hình tín dụng truyền thống sang mô hình ngân hàng số, từ định hướng ngắn hạn sang phát triển bền vững. Trong thập kỷ tới, việc tận dụng tối đa hiệu ứng lan tỏa từ dòng vốn quốc tế sẽ là một trong những nhân tố then chốt giúp ngành ngân hàng Việt Nam vươn tới các chuẩn mực khu vực và toàn cầu.
Ngân hàng Việt Nam 2025: Cơ hội và thách thức
Nếu tận dụng hiệu quả dòng vốn ngoại, đồng thời nâng cao minh bạch và năng lực vận hành, ngành ngân hàng hoàn toàn có thể trở thành lực đẩy chủ lực cho quá trình phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.
Bước sang năm 2025, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi để tăng vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy chuyển đổi số. Nghị định 69/2025 của Chính phủ mở rộng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tăng cường nguồn vốn, từ đó gia tăng sức mạnh tài chính và khả năng vận hành hiệu quả hơn.
Song song với đó, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như Fintech, trí tuệ nhân tạo (AI) đang được đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Quá trình chuyển đổi số không chỉ giúp ngân hàng cải thiện dịch vụ khách hàng, mà còn tăng khả năng quản trị rủi ro và tối ưu hóa vận hành. Đặc biệt, nhu cầu tín dụng xanh đang trở thành xu hướng tất yếu, khi các ngân hàng tận dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á cùng các định chế quốc tế khác. Việc này góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và cam kết về các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Ngoài ra, ngân hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) - lực lượng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế tư nhân, vốn là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Việc cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho nhóm doanh nghiệp này sẽ tạo đà phục hồi và phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội rõ ràng, hệ thống ngân hàng cũng đối mặt với nhiều thách thức đáng kể có thể cản trở đà phục hồi trong năm 2025. Vấn đề lớn nhất là chất lượng tài sản và nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nợ xấu không chỉ là các khoản nợ hiện hữu mà còn là các khoản nợ tiềm ẩn đã tích tụ trong thời gian dài, đặc biệt chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, phải dùng tiết kiệm để duy trì hoạt động, dẫn đến khả năng phát sinh nợ xấu trong năm nay là rất cao.
Bên cạnh đó, rủi ro về lãi suất và tỷ giá cũng đang gia tăng áp lực cho hệ thống. Tỷ giá đồng Việt Nam so với đô la Mỹ hiện đã tăng lên mức hơn 26.000 đồng, làm chi phí nhập khẩu tăng cao, dù đồng thời tạo động lực xuất khẩu. Tuy nhiên, chi phí vốn tăng do áp lực lãi suất cao cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp SME.
![]() |
Nghị định 69/2025/NĐ-CP được kỳ vọng là yếu tố mang tính đột phá trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng |
Một thách thức không nhỏ khác nằm ở việc tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị và an toàn hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các chuẩn mực Basel II và Basel III. Hiện nay, khoảng hai phần ba ngân hàng trong nước đã thực hiện tuân thủ Basel II và bắt đầu áp dụng Basel III, song vẫn còn một số ngân hàng chưa hoàn thiện các yêu cầu này, ảnh hưởng đến sự minh bạch và tính ổn định của toàn hệ thống.
Trước bối cảnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo an toàn hoạt động, các ngân hàng cần ưu tiên nhiều giải pháp trọng tâm. Trước hết là nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR), với việc tăng cường cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2. Việc bổ sung vốn không chỉ giúp đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn theo tiêu chuẩn quốc tế mà còn tạo tiền đề cho mở rộng hoạt động kinh doanh và khả năng chịu đựng rủi ro.
Không chỉ vậy, minh bạch thông tin và nâng cao chất lượng quản trị điều hành là những yếu tố then chốt giúp ngân hàng xây dựng lòng tin với khách hàng và nhà đầu tư. Trong thời đại số, an toàn hệ thống công nghệ thông tin cũng trở thành ưu tiên hàng đầu khi các ngân hàng ngày càng phải đối mặt với nhiều cuộc tấn công mạng. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số đi kèm với nâng cao khả năng bảo mật dữ liệu khách hàng, bảo vệ hệ thống thông tin sẽ giúp giảm thiểu rủi ro vận hành và đảm bảo sự ổn định cho hệ thống.
Cuối cùng, việc phát triển các dòng tín dụng xanh, tài trợ cho các dự án thân thiện môi trường cũng là hướng đi tất yếu. Các ngân hàng cần đẩy nhanh việc triển khai tài chính xanh, đồng thời tuân thủ các tiêu chí ESG để góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn tới cam kết Net Zero - mục tiêu giảm phát thải ròng vào giữa thế kỷ.
Như vậy, trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi sâu rộng, việc xây dựng một hệ thống ngân hàng hiện đại, an toàn và bền vững không chỉ dựa vào nguồn vốn dồi dào mà còn cần sự đổi mới trong quản trị, công nghệ và định hướng phát triển. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nhà đầu tư nước ngoài và các ngân hàng trong nước sẽ quyết định thành công của quá trình này, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong thập kỷ tới.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần kiên định với chiến lược tái cấu trúc toàn diện, từ tài chính, công nghệ tới quản trị. Nếu tận dụng hiệu quả dòng vốn ngoại, đồng thời nâng cao minh bạch và năng lực vận hành, ngành ngân hàng hoàn toàn có thể trở thành lực đẩy chủ lực cho quá trình phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.