Hệ thống các đô thị là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Hệ thống các đô thị là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Đô thị Việt trước sức ép biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam, trong đó hệ thống các đô thị là nơi chịu ảnh hưởng trước tiên.

Hậu quả nặng nề

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình đã tăng 2-3 độ C và mực nước biển đã dâng thêm khoảng 20 cm.

Ước tính, đến cuối thế kỷ 21, so với trung bình thời kỳ 1980-1999, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng thêm 2,3 độ C, lượng mưa hàng năm tăng khoảng 5% và mực nước biển có thể dâng thêm 75 cm.

Tại Việt Nam, theo kịch bản phân tích đối với biến đổi khí hậu, 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nhất. Khi nước biển dâng cao 1 m, ước chừng sẽ có 5,3% diện tích tự nhiên; 10,8% dân số; 10,2% GDP; 10,9% vùng đô thị; 7,2% diện tích nông nghiệp; 28,9% vùng đất thấp; 9% hệ thống đường quốc lộ; 12% hệ thống đường tỉnh lộ và 4% hệ thống đường sắt bị ảnh hưởng.

Tính riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, theo kịch bản này, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ tăng khoảng 3,4 độ C và khi mực nước biển tăng thêm 1 m sẽ có khoảng 40% diện tích đất bị ngập vĩnh viến, khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp do mất đất. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu diễn ra sẽ kéo theo hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở và nhiều hệ lụy khác đi kèm như đã từng diễn ra những năm gần đây.

Còn với Đồng bằng sông Hồng, sẽ có 240.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của vùng bị ảnh hưởng, năng suất lúa giảm 8-15% vào năm 2030 và tăng lên 30% vào năm 2050. Sẽ có khoảng 3% diện tích bị ngập khi mực nước biển tăng thêm 1 m, trong đó 1,4% diện tích trồng lúa, 0,6% khu dân cư bị ảnh hưởng. Những địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất là Thái Bình, Nam Định và Hải phòng với diện tích đất bị mất lần lượt là 31,2%; 24% và 17,4%.

Chưa bao giờ, biến đổi khí hậu thu hút sự chú ý nhiều đến như vậy và một điểm đáng chú ý được nhiều chuyên gia đề cập mới đây, đó là biến đổi khí hậu không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề đến các vùng dễ tổn thương như 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, mà cả với các đô thị trong cả nước.

Với các đô thị ven biển, điều đầu tiên và cấp bách nhất là giữ cho các thành phố không bị sụt lún. Ảnh: Đức Thành

Với các đô thị ven biển, điều đầu tiên và cấp bách nhất là giữ cho các thành phố không bị sụt lún. Ảnh: Đức Thành

Tìm giải pháp căn cơ

Nhìn nhận về câu chuyện biến đổi khí hậu và tác động tới các đô thị ở Việt Nam, bà Sitara Syed, Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu và các thành phố là nơi bị ảnh hưởng đầu tiên. Thực tế cho thấy, trên thế giới, hầu hết các thành phố bị ảnh hưởng đều không có được sự chuẩn bị ứng phó với thiên tai sẽ xảy ra trong tương lai hoặc để giảm thiểu các rủi ro liên quan.

“Nếu không ưu tiên tăng cường khả năng chống chịu của các đô thị, Việt Nam có nguy cơ đánh mất lợi ích phát triển trước những thiên tai, điều mà lẽ ra có thể tránh được”, bà Sitara Syed nhấn mạnh.

Ảnh tác giả

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần được xây dựng dựa trên nguyên tắc bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường.

Ông Derek Murray, Cố vấn Công nghệ thông minh và dữ liệu Thành phố Tương lai, Mott MacDonald

Theo các chuyên gia của UNDP, tại Việt Nam, 76 thành phố bao gồm 60% tổng dân số cả nước đang có đóng góp vào hơn 70% GDP. Khi dân số và cơ sở vật chất của các thành phố tiếp tục phát triển, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức liên quan đến nhà ở, quản trị, di chuyển trong đô thị và đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu.

Điều kiện khí hậu ngày càng có xu hướng thay đổi, tạo thêm áp lực và bất ổn cho các khu vực đô thị. Các thành phố ven biển của Việt Nam là vùng trũng, thấp và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn... Thiệt hại của các thảm họa do khí hậu gây ra đang tăng lên nhanh chóng, gây ảnh hưởng ngày càng lớn tới cuộc sống, tài sản và sinh kế của con người, cũng như các hệ thống sinh thái có giá trị.

Trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như đã nói ở trên, câu chuyện đặt ra với các thành phố của Việt Nam hiện nay là phải phát triển đô thị dựa trên các biện pháp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này sẽ mang lại một môi trường an toàn, lành mạnh cho sự phát triển kinh tế và tăng cường khả năng chống chịu của cư dân thành phố.

Nhìn nhận về câu chuyện này, ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cho rằng, việc lồng ghép các chiến lược thích ứng vào quy hoạch sử dụng đất có thể giúp tăng cường khả năng chống chịu của các thành phố trước các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Derek Murray, cố vấn Công nghệ thông minh và dữ liệu Thành phố Tương lai từ Mott MacDonald cho biết, một thành phố có khả năng chống chịu tốt là một thành phố hoạt động thông minh, tập trung vào các dịch vụ tích hợp và lấy người dân làm trung tâm, đồng thời sẵn sàng ứng phó với các hiện tượng khí hậu thông qua việc đưa ra quyết định dựa trên những bằng chứng có thực.

Tại TP.HCM, chương trình bao gồm tăng cường khả năng chống ngập, hỗ trợ số hóa mạng lưới thoát nước và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về quản lý và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan là một ví dụ. Chương trình này đã giúp Thành phố xây dựng khả năng chống chịu dài hạn và ứng phó với các hiện tượng khí hậu bằng cách thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực và trang bị nhận thức, kiến thức và năng lượng cho cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức để chuẩn bị ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, nhấn mạnh đến vai trò của quy hoạch hạ tầng, giao thông, ông Ng Ly Hock Lary, Giám đốc Phát triển kiến trúc và thiết kế đô thị, Cục Tái thiết phát triển đô thị, Bộ Phát triển Quốc gia Singapore cho biết, quốc gia này từng gặp rất nhiều khó khăn khi phát triển đô thị vì diện tích đất nước rất nhỏ. Kinh nghiệm của Singapore là tận dụng thật khéo các diện tích đất có được. Singapore đã đưa ra kế hoạch phát triển đô thị dài hạn (trong 40 năm, từ năm 1971 đến nay) và cứ 10 năm điều chỉnh một lần, mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo phát triển lâu dài, tuân thủ chặt chẽ quy hoạch tổng thể, phù hợp với mọi người dân, sắc dân.

Kinh nghiệm của Singapore là đảm bảo không để xảy ra tắc nghẽn giao thông, phi tập trung hóa dân số và trải đều ở các khu vực trong cả nước. Mặt khác, dành những diện tích nhất định để tạo ra các không gian cho ý tưởng kiến trúc, các khu vực để phát triển công nghệ thông tin, giáo dục…

Riêng các đô thị ven biển, theo ông Alexander Nash, chuyên gia về Phát triển đô thị, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), điều đầu tiên và cấp bách nhất để giữ cho các thành phố không bị sụt lún là ngừng khai thác nước ngầm, cần phải nâng cao thay vì làm chìm các thành phố. Một lần nữa, đây không phải là vấn đề kỹ thuật hay chi phí, mà là khả năng phối hợp cùng nhau trong một vấn đề chung. Việt Nam nên và hoàn toàn có thể thay thế nước ngầm bằng nước bề mặt. Sau khi đảm bảo các thành phố không bị chìm, có thể xem xét tiếp đến việc bảo vệ các thành phố trước hiện tượng nước biển dâng lên bằng nhiều kỹ thuật khác nhau.

“Đối với cá nhân tôi, việc xây dựng tường ngăn nước biển hay đê xung quanh một thành phố bị chìm dưới biển không phải là ý tưởng hay. Liệu có ai muốn sống dưới mực nước biển và không biết khi nào máy bơm hay một con đê bị hỏng như ở New Orleans (Mỹ)?”, ông Alexander Nash nêu quan điểm.

Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đó là cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng cho vùng như hạ tầng thuỷ lợi - cấp nước, giao thông - logistics, năng lượng, hạ tầng số... Đặc biệt, cần có cơ chế đầu tư phát triển tuyến động lực ven biển nối TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang), phát triển hành lang kinh tế ven biển, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Ông Alexander Nash, Chuyên gia về phát triển đô thị, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)

Ông Alexander Nash, Chuyên gia về phát triển đô thị, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)

Tôi đưa ra 3 đề xuất để giúp các thành phố ứng phó với biến đổi khí hậu.

Một là, cố gắng giữ cho các thành phố mát nhất có thể mà không tiêu tốn thêm năng lượng - bằng cách tận dụng cây cối, không gian xanh và nước.

Hai là, đầu tư vào giao thông công cộng. Chúng ta cần sử dụng tài nguyên và thời gian của mình một cách hiệu quả hơn rất nhiều. Ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí là thảm họa đối với tất cả mọi người và không ai mong muốn, nhưng là đặc điểm chung của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, đây cũng không phải là “sự đã rồi”, mà chúng ta hoàn toàn có quyền lựa chọn các phương tiện giao thông công cộng như đường sắt hạng nhẹ, tàu siêu tốc và “giao thông mềm” như đường dành cho xe đạp và đường dành cho người đi bộ, là những hạ tầng mà chúng ta phải có, phải tạo không gian, đầu tư, vận động và thậm chí có thể trợ giá, nhất là khi chi phí sử dụng ô tô cá nhân là quá lớn.

Ba là, luôn sẵn sàng ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan.

Bà Laura M. Hammett, Chuyên gia về thích ứng với biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu của đô thị, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)

Bà Laura M. Hammett, Chuyên gia về thích ứng với biến đổi khí hậu và khả năng chống chịu của đô thị, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)

Đầu tư cho tăng trưởng kinh tế phải song hành với đầu tư giảm nhẹ rủi ro thiên tai và khí hậu. Khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc dịch vụ ở các thành phố, phương thức thiết kế và xây dựng sẽ quyết định khả năng chống chịu với thiên tai của các công trình này. Các dịch vụ quan trọng như điện nước và mạng lưới giao thông là chìa khóa giúp phục hồi sau thiên tai.

Nếu bản thân các hệ thống này không có khả năng chống chịu, thiên tai có thể gây ra hậu quả lâu dài về kinh tế, điển hình như những hậu quả chúng ta thường thấy sau các trận bão hoặc lũ lụt. Do đó, đầu tư vào các tài sản này dựa trên tính toán về rủi ro khí hậu dài hạn có thể giúp cộng đồng duy trì được lợi ích phát triển lâu dài.

Ngoài ra, các khoản đầu tư trong quá trình phục hồi sau Covid-19 nhằm mục đích kích thích nền kinh tế nên được hướng theo mục tiêu góp phần vào “phục hồi xanh”, bằng cách tăng cường mạng lưới an toàn xã hội, xây dựng các cơ sở hạ tầng phát thải thấp và thân thiện với thiên nhiên và giúp cộng đồng chuẩn bị tốt hơn cho các sự kiện thiên tai có thể xảy ra trong tương lai.

Tin bài liên quan