Tỷ lệ bồi thường dự báo quay về mức bình thường trong năm 2022.

Tỷ lệ bồi thường dự báo quay về mức bình thường trong năm 2022.

Doanh nghiệp bảo hiểm thêm một năm thử thách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp ngành bảo hiểm được nhận định đứng trước những thử thách không kém năm vừa qua.

Áp lực cạnh tranh lớn

Số liệu tổng hợp từ Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, năm 2021, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm chịu ảnh hưởng nặng nề do giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Trong quý III/2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm và doanh thu phí khai thác mới của bảo hiểm nhân thọ có mức tăng trưởng thấp nhất từ trước đến nay, lần lượt là 8,5% và -10,5% so với cùng kỳ. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ giảm 12% so với cùng kỳ.

Một số khâu trong quy trình bán bảo hiểm nhân thọ (kiểm tra sức khỏe và chữ ký trực tiếp của bên mua) đã bị gián đoạn trong thời gian giãn cách xã hội, do đó, ảnh hưởng đến việc ghi nhận doanh thu của các doanh nghiệp khối này.

Trong khi đó, đối với bảo hiểm phi nhân thọ, nhu cầu bảo hiểm ô tô, xe máy, bảo hiểm tai nạn con người và bảo hiểm du lịch (đóng góp khoảng 50% tổng doanh thu phí bảo hiểm) ở mức thấp trong kỳ. Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm y tế là ngoại lệ duy nhất, với mức tăng 118% và 113% so với cùng kỳ.

Cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm đang ngày càng gay gắt hơn. Năm qua, Manulife đã giành vị trí thứ 2 từ Prudential, tiềm năng trở thành công ty dẫn đầu thị trường trong tương lai gần. Các công ty khác trong Top 5 đều có mức giảm thị phần lớn nhất về doanh thu phí bảo hiểm và doanh thu phí khai thác mới.

Mặc dù tăng trưởng doanh thu chậm lại, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tăng mạnh mẽ nhờ lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm cải thiện. Lợi nhuận các công ty bảo hiểm niêm yết dự phóng tăng 25,9% trong năm 2021 (so với mức 7% trong giai đoạn 2017-2020) do lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm cải thiện đáng kể. Tỷ lệ bồi thường và tỷ lệ kết hợp trong 2021 đều ở mức thấp chưa từng có do không có/hoãn yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Tình hình tương tự ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ. Ông Phạm Anh Đức, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI, trong cuộc trao đổi gần đây với các nhà đầu tư cho biết, năm 2021, mảng bảo hiểm hàng không sụt giảm 30 - 35% doanh thu.

Do mảng này chỉ chiếm khoảng 4% trong cơ cấu doanh thu của PVI nên không quá tác động đến kết quả chung của doanh nghiệp. Tuy vậy, bằng nhiều giải pháp, PVI vẫn giữ được thị phần 15% và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của thị trường.

Những công ty có lợi thế đặc biệt như Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) có vẻ như khá nhàn tản trong việc giữ thị phần. Thông thường, các khách hàng vay vốn từ Agribank được yêu cầu mua bảo hiểm của ABIC nên tỷ trọng các hợp đồng này trong cơ cấu doanh thu của ABIC luôn duy trì ổn định và chiếm tỷ lệ lớn.

Cụ thể, trong cơ cấu doanh thu 1.900 tỷ đồng, riêng mảng hợp đồng do ngân hàng mẹ mang đến 1.500 tỷ đồng, tức khoảng 75%. Lợi thế này giúp ABIC có chi phí thấp, rủi ro thấp.

Khó có đột phá

Các công ty bảo hiểm mạnh về mảng bán buôn sẽ giành thêm thị phần. Đó là nhận xét của giới phân tích chứng khoán. Các dữ liệu tổng hợp cho thấy, trong khi mảng bán lẻ (bảo hiểm tai nạn con người, xe máy) chịu ảnh hưởng (-5,7% cùng kỳ năm), mảng thương mại (bảo hiểm tài sản và thiệt hại - P&C, bảo hiểm hàng hóa, hàng hải…) tăng 13,8% so cùng kỳ sau nhiều năm trầm lắng.

Dòng bảo hiểm thương mại tăng trưởng khá một phần xuất phát từ giá hàng hóa và cước phí vận chuyển tăng, dẫn đến số tiền bảo hiểm làm căn cứ để tính doanh thu phí bảo hiểm gia tăng.

Một số công ty bảo hiểm bán lẻ (BVGI, PTI, PGI) đã mất thị phần trong năm. Ngược lại, PVI đã rút ngắn khoảng cách với BVGI trong năm 2021 và thứ hạng có thể sẽ tiếp tục thay đổi trong năm 2022 nếu xu hướng này tiếp diễn trong những quý tới.

Để thích ứng trong giai đoạn giãn cách xã hội, các công ty bảo hiểm đã tìm cách đa dạng hoá và gia tăng kênh phân phối. Việc hợp tác với các công ty thương mại điện tử

(Shopee, Tiki, Lazada), Fintechs (Grab, Momo) và Insurtech đã trở nên phổ biến hơn trong năm. Ngoài ra, việc phát triển kênh bán hàng online cũng đã có được căn cứ pháp lý rõ ràng hơn khi Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử đã được hợp pháp hoá đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (có hiệu lực từ ngày 1/3/2021 theo Nghị định 03) và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (có hiệu lực từ ngày 23/12/2021 theo Nghị định 97).

Các yếu tố này mặc dù chưa tác động đáng kể đến doanh thu và lợi nhuận bảo hiểm trong 2021, do nhu cầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch nhưng có thể mở đường cho sự hồi phục mạnh mẽ hậu Covid.

Trong báo cáo phân tích về các doanh nghiệp bảo hiểm, SSI nhận định, với kịch bản cơ sở là việc mở cửa nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối 2022, kỳ vọng các hoạt động bán hàng cũng sẽ hồi phục tốt trong năm.

Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước tính tăng 22 - 24% so với 2021, trong khi mảng phi nhân thọ đạt 8 - 10% (vẫn thấp hơn mức trước Covid). Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự báo đạt 256.000 tỷ đồng (tăng trưởng 18 - 20% so với 2021).

Tuy vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thể giảm từ mức nền cao trong 2021. Có hai nhóm yếu tố đối nghịch tác động đến lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong 2022: Thứ nhất, yếu tố kém tích cực bao gồm việc hưởng lợi từ tỷ lệ bồi thường thấp do người được bảo hiểm hoãn nộp các yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội sẽ khó có thể lặp lại trong năm 2022. Do đó, tỷ lệ bồi thường dự báo quay về mức bình thường trong năm.

Yếu tố tích cực bao gồm việc sử dụng cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với các thông tin đăng ký xe cơ giới, vi phạm an toàn giao thông đường bộ, lịch sử tai nạn giao thông có thể giúp các công ty bảo hiểm phân loại khách hàng tốt hơn.

Trong khi đó, Nghị định 03 cũng cho phép công ty bảo hiểm tăng phí tối đa 15% so với mức Bộ Tài chính quy định, căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình. Điều này giúp các công ty bảo hiểm có thể tăng phí đối với các hợp đồng có rủi ro cao hơn, thay vì áp dụng giá tương đương với tất cả các hợp đồng như trước đây.

Yếu tố bất ngờ có thể đến từ sự thành công của kênh bán hàng online với những thay đổi về quy định (giấy chứng nhận điện tử). Nếu doanh thu kênh online tăng mạnh, chi phí trung gian (cho đại lý, môi giới) có thể được tiết giảm dần dần.

SSI ước tính các yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng nhiều hơn vào lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2022. Trong khi đó, các yếu tố tích cực cần thời gian để phản ánh vào lợi nhuận các công ty bảo hiểm.

Công ty chứng khoán này dự phóng lãi từ hoạt động đầu tư tăng 8 - 10% đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Điều này đến từ lãi suất huy động tăng nhẹ 20 - 25 điểm cơ bản, trong khi lãi thực hiện từ đầu tư cổ phiếu hay hoàn nhập dự phòng không nhiều do mức nền so sánh cao trong 2021.

Trong đó, BIC hoặc VNR vẫn có thể ghi nhận lãi từ hiện thực hoá danh mục đầu tư nếu cần. VNR nắm giữ TPB ở mức giá trung bình bằng 1/6 giá hiện tại. BIC nắm giữ ACB, VNR, FPT, HPG, VCB ở mức giá thấp. Tài sản quản lý của các công ty bảo hiểm có thể tăng tương ứng với mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm, đạt khoảng 8 - 10% so với 2021.

Nhìn nhận về triển vọng giá cổ phiếu bảo hiểm, cần nhìn lại quá khứ. Năm 2021, thông tin liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã có tác động lớn hơn đến định giá của cổ phiếu bảo hiểm so với thông tin về tăng trưởng lợi nhuận.

Định giá các công ty bảo hiểm đã tăng đáng kể vào thời điểm kết thúc năm 2021. Do đó, có lẽ đà tăng của cổ phiếu bảo hiểm sẽ phụ thuộc vào các kế hoạch phát hành cổ phiếu mới và/hoặc thoái vốn trong năm 2022 để có thể tác động tích cực đến diễn biến giá.

Tin bài liên quan