Toàn cảnh Hội nghị "Tín dụng Bất động sản"

Toàn cảnh Hội nghị "Tín dụng Bất động sản"

Doanh nghiệp bất động sản nên cơ cấu lại hoạt động kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng phải ngồi lại với doanh nghiệp để tìm hiểu những khó khăn cụ thể, chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà, tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau...

Đây là chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị Tín dụng Bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng nay 8/2.

Ngân hàng phải được yên tâm khi giải ngân cho doanh nghiệp bất động sản

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản đã chủ động huy động nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có vốn tự có, vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vốn qua TTCK… Điều này đã giúp bất động sản có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhiều dự án hoàn thành tạo ra nhiều chỗ ở cho người dân.

Liên quan đến vấn đề tín dụng bất động sản, ông Sinh cũng thừa nhận, khi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp bất động sản đã cho biết, ngành ngân hàng đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản thời gian qua. Trong 3 năm gần đây, tín dụng cho bất động sản luôn tăng theo từng năm.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị

“Chính phủ và NHNN cũng chưa từng chỉ đạo siết tín dụng bất động sản mà chỉ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho vay bất động sản. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương cho vay đúng đối tượng, tránh tình trạng sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích”, ông Sinh nói.

Cũng theo ông Sinh, cuối năm 2022 NHNN đã nới room tín dụng, nhưng các doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp nhiều vướng mắc trong việc giải ngân, nhiều nhà thầu không thực hiện được dự án, nhiều doanh nghiệp dừng dự án, cho người lao động nghỉ việc và những khó khăn trên thị trường trái phiếu cũng dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.

Từ phía Bộ Xây dựng, ông Sinh cho biết, cơ quan này đang chủ trì sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản để khắc phục sửa chữa những chính sách, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh hơn trong thời gian tới. Về giải pháp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, Bộ Xây dựng đề nghị không chỉ từ phía các Ngân hàng mà các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu các quy định, điều kiện, tiêu chí cho vay để thực hiện cho đúng.

“Cần có tài sản đảm bảo, dự án có đủ pháp lý, thì ngân hàng mới yên tâm giải ngân vì họ cũng phải thực hiện đúng pháp luật. Các doanh nghiệp bất động sản cũng nên cơ cấu các sản phẩm kinh doanh, rà soát lại các dự án đảm bảo nguồn lực khả năng thực thi để thực hiện triển khai hiệu quả hơn”, ông Sinh nhấn mạnh.

Ông Sinh kiến nghị: “Mong NHNN chỉ đạo các NHTM tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản vay vốn, đặc biệt là cố gắng giải ngân tiếp các dự án đang thực hiện dở dang, các dự án có đầy đủ pháp lý. Đề nghị ngân hàng làm việc với doanh nghiệp để cơ cấu lại các khoản nợ bởi nợ xấu sẽ nảy sinh nhiều vấn đề cho doanh nghiệp, khó khăn sẽ tiếp tục khó khăn. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng ưu tiên tập trung tín dụng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ, nhà ở giá rẻ, đáp ứng nhu cầu của người dân”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết thêm: “Dự kiến cũng tổ chức một hội nghị trong tháng 2 này để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản bởi đây là lĩnh vực đặc thù, cần nhiều thời gian, nguồn vốn lớn để thực hiện đầu tư một dự án”.

4 vấn đề cần giải quyết

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Hội nghị ngày hôm nay là một trong các chuỗi hội nghị của NHNN về tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực khác nhau. Trước Tết Nguyên đán, NHNN đã tổ chức hội nghị tín dụng đối với nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long, còn mục tiêu hội nghị ngày hôm nay là đánh giá tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, đánh giá khó khăn vướng mắc đối với tín dụng bất động sản và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu kết luận tại Hội nghị

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu kết luận tại Hội nghị

Theo đó, Thống đốc đã nhấn mạnh một số vấn đề.

Thứ nhất, doanh nghiệp hoạt động trong môi trường kinh tế vĩ mô chung. Kinh tế vĩ mô bất ổn, doanh nghiệp gặp khó khăn. Chắc chắn khi đó, các cơ quan quản lý sẽ phải áp dụng các chính sách kinh tế vĩ mô, đôi khi chính sách này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp, đây là sự đánh đổi. Và ở các quốc gia trên thế giới, các doanh nghiệp đều phải chủ động điều chỉnh kinh doanh của mình.

“Trong 1 cuộc họp, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã chia sẻ, có doanh nghiệp bất động sản triển khai 1 lúc trên 50 dự án. Khi khó khăn không biết xử lý như thế nào?”, bà Hồng nói.

Thứ hai, mong muốn doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt doanh nghiệp có hệ số đòn bẩy tài chính cao cần quản trị dòng tiền của mình. Quản trị dòng tiền cần bài bản, có dự báo thì mới chủ động trong mọi tình huống.

“Doanh nghiệp có nhiều tài sản lớn nhưng chỉ vào một thời điểm cần tiền sẽ gặp khó khăn bởi bán dự án bất động sản đâu có dễ, do phụ thuộc người mua, thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính, nên không thể có ngay thanh khoản. 1 cá nhân đi vay 10 người mà cùng một lúc 10 người đến đòi nợ thì cá nhân cũng rơi vào thế khó chứ đừng nói đến doanh nghiệp”, Thống đốc dẫn chứng.

Thứ ba, nâng cao năng lực tài chính để đa dạng hoá khả năng huy động vốn từ nhiều nguồn vốn khác nhau, giảm sự phụ thuộc vào vốn tín dụng, nhất là vốn trung - dài hạn. Bởi nếu trong trường hợp lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt thì doanh nghiệp gặp khó khăn.

Thứ tư, Chính phủ quan tâm việc hướng tín dụng vào bất động sản vào nhà ở giá rẻ, nhà cho công nhân, nhà ở xã hội…, mong các doanh nghiệp tích cực tham gia triển khai.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, cuộc họp tín dụng bất động sản ngày hôm nay là đầu vào quan trọng cho Hội nghị tháo gỡ thị trường bất động sản mà Bộ Xây dựng đang chuẩn bị cho Thủ tướng chủ trì trong thời gian tới.

Thống đốc yêu cầu các TCTD nỗ lực tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có dư địa cho vay, giúp các doanh nghiệp trả nợ. Tập trung tín dụng vào các dự án có tính pháp lý, có khả năng khả thi, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo khả năng trả nợ, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…

“Các ngân hàng chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà, tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau. Nếu tín dụng vào các doanh nghiệp là sân sau với mức độ tập trung lớn sẽ rất rủi ro”, Thống đốc nhấn mạnh.

Tin bài liên quan