Doanh nghiệp đề xuất ưu đãi 1.000 USD cho người mua ô tô điện

0:00 / 0:00
0:00
Nhằm khuyến khích hành vi tiêu dùng chuyển từ mua ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện, đã có đề nghị từ doanh nghiệp tới Bộ Giao thông Vận tải về trợ cấp cho người dân 1.000 USD/xe.
Doanh nghiệp đề xuất ưu đãi 1.000 USD cho người mua ô tô điện

Bộ Giao thông Vận tải đang đề nghị các bộ, ngành và 5 doanh nghiệp cho ý kiến về các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm phát triển chuyển đổi xe ô tô điện tại Việt Nam đề hoàn thiện báo cáo gửi tới Chính phủ.

Ô tô điện doanh số bắt đầu tăng

Theo Bộ Giao thông Vận tải, đầu năm 2021, VinFast đã công bố sự ra mắt toàn cầu của chiếc xe ô tô điện đầu tiên của Việt Nam mang tên VFe34. Tiếp đó, tháng 5/2023, Công ty cổ phần ô tô TMT đã xuất xưởng chiếc xe ô tô điện mini đầu tiên tại Nhà máy TMT Motors Hưng Yên.

Cạnh đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công và Công ty cổ phần ô tô Trường Hải cũng đã giới thiệu một số mẫu xe ô tô điện của Huyndai, KIA tới khách hàng để tìm hiểu thị trường và tiến tới sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian tới.

Nếu năm 2021 chỉ có 167 xe ô tô điện được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận thì tới 12/7/2023 đã có 12.585 xe ô tô điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, các loại xe ô tô điện tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là xe ô tô con và xe ô tô buýt thành phố.

Kết quả kiểm tra, chứng nhận xe ô tô điện tại Việt Nam từ năm 2018 đến hết ngày 12/7/2023

Năm

2018

2019

2020

2021

2022

7/2023

Tổng

Xe ô tô điện nhập khẩu

03

08

06

33

113

59

222

Xe ô tô điện sản xuất lắp ráp

0

0

0

134

7.483

12.226

19.843

Cộng

03

08

06

167

7.596

12.285

20.065

Cùng với sự xuất hiện của ô tô điện, hàng loạt doanh nghiệp cũng đã bày tỏ mối quan tâm đối với thị trường các thiết bị và dịch vụ cho phương tiện điện, đặc biệt là trạm sạc điện cho xe ô tô điện.

Hệ thống trạm sạc điện có độ bao phủ cao nhất hiện nay tại Việt Nam là của VinFast với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và xe ô tô điện, trải dài rộng khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam.

Tính tới ngày 14/10/2022, VinFast đã hoàn thiện lắp đặt được 493 trạm sạc tại 26 tỉnh thành miền Bắc; 318 trạm sạc tại 19 tỉnh thành miền Trung và 256 trạm sạc tại 20 tỉnh thành miền Nam.

Một doanh nghiệp khác cũng cung cấp giải pháp sạc cho xe điện hiện nay tại Việt Nam là Công ty EVIDA với sản phẩm sạc xe điện thông minh EBOOST khi đang vận hành hệ thống 850 điểm sạc điện phủ khắp toàn quốc.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã nhập cuộc với sản phẩm được phát triển bởi Trung tâm sản xuất điện tử điện lực miền Trung (thuộc EVN).

Trước khi trở thành sản phẩm thương mại, EVN đã thử nghiệm và lắp đặt vận hành trạm sạc ô tô điện tại một số địa điểm gồm: Trụ sở Tổng công ty Điện lực miền Trung, các cửa hàng xăng dầu PVOIL trên địa bàn thành phố Đà Nẵng… Hiện EVN đã hoàn thành và bàn giao 6 trạm sạc đến khách hàng, dự kiến lắp đặt tại Hà Nội. Đây là trạm sạc nhanh cho xe ô tô điện đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam đến từ một nhà sản xuất không làm ô tô.

Một số thương hiệu như Porsche, Audi hay Mercedes-Benz cũng đã thiết lập hệ thống trạm sạc cho khách hàng, tuy nhiên số lượng vẫn còn hạn chế, hầu hết chỉ lắp đặt tại showroom hoặc nhà máy của hãng.

Audi Charging Lounge tại TP. HCM trang bị khu sạc nhanh DC trong nhà với trạm sạc ABB 180 kW, có thể sạc đồng thời 2 xe Audi

Audi Charging Lounge tại TP. HCM trang bị khu sạc nhanh DC trong nhà với trạm sạc ABB 180 kW, có thể sạc đồng thời 2 xe Audi

Các thương hiệu như Audi hay Mercedes-Benz đều có kế hoạch mở rộng hệ thống trạm sạc, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Đại diện Audi Việt Nam cho biết sắp tới dự kiến mở rộng thêm khoảng 15 điểm sạc tại TP. HCM.

Ngoài ra, hàng loạt các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hệ thống trạm sạc cho xe điện cũng đã bày tỏ ý định mở rộng thị trường kinh doanh trạm sạc điện tại Việt Nam như Siemens, Charge+, ABB.

Dẫu vậy, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, tuy số lượng trạm sạc điện đang gia tăng đáng kể theo từng năm, nhưng cần tiếp tục bổ sung các giải pháp để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng hiện có của Việt Nam.

Hiện nay, VinFast đang cung cấp ra thị trường 4 loại xe ô tô con chạy điện với nhiều phiên bản. Cụ thể: các phiên bản bán xe có kèm pin có giá dao động từ 538 triệu đồng (VF 5 Plus) đến 2,178 tỷ đồng (VF 9 Plus). Các phiên bản bán xe không kèm pin có giá dao động từ từ 458 triệu đồng (VF 5 Plus) đến 1,685 tỷ đồng (VF 9 Plus).

Đơn giá sạc xe ô tô điện của VinFast cung cấp là 3.210,9 VNĐ/kWh (tương đương đơn giá điện bậc 5 giá do Bộ Công Thương công bố ngày 04/05/2023).

Đơn giá sạc điện tại trạm sạc công cộng của EBOOST là 8.900 VND/kWh, chưa bao gồm phí kích hoạt 4.900 VND/lần sạc đối với xe máy và 19.900 VND/lần sạc đối với xe ô tô.

Tìm ưu đãi để tăng xe điện

Hiện nay, Việt Nam đã có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô điện, một số chính sách hỗ trợ tương đương hoặc thậm chí cao hơn một số nước trong khu vực.

Cụ thể, từ 01/3/2022 đến 28/02/2027, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe điện chạy pin tùy theo số chỗ ngồi là 1%, 2%, 3% và từ 01/3/2027 trở đi là 4%, 7%, 11% (trong khi mức đó mức thuế suất thuế TTĐB đối với xe sử dụng xăng, dầu là từ 15%-150%).

Ô tô điện chạy pin cũng được ưu đãi lệ phí trước bạ trong 5 năm, gồm miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí trước bạ trong 2 năm tiếp theo…

Để thúc đẩy thu hút đầu tư, sản xuất, tiến tới nắm bắt công nghệ mới, chuyển đổi sử dụng ô tô điện trong nước, tiến tới xuất khẩu, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện tại Việt Nam và đang lấy ý kiến các Bộ, ngành cùng một số doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Theo đó, các loại xe ô tô điện được hưởng hỗ trợ, ưu đãi phát triển theo các đề xuất sẽ gồm ô tô điện chạy pin, ô tô điện sử dụng pin nhiên liệu và ô tô năng lượng mặt trời.

Đáng chú ý là việc xây dựng, ban hành các quy định nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu để hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích phát triển phương tiện không phát thải; bổ sung ngành nghề sản xuất lắp ráp xe ô tô điện, sản xuất pin ô tô điện vào ngành nghề thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư; ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư mở rộng chuyển đổi sản xuất lắp ráp xe ô tô điện, pin xe điện (miễn, giảm tiền thuê đất, thuế, phí ...), đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ xe ô tô điện tại Việt Nam…

Với xe nhập khẩu, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất ưu đãi thuế nhập khẩu xe ô tô điện so với xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

Đặc biệt là các đề nghị hỗ trợ cho người dùng xe điện như miễn/giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện; miễn/giảm lệ phí đăng ký biển số đối với xe ô tô điện; thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua xe ô tô điện; ưu đãi vốn vay đối với các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ô tô điện; trợ giá cao hơn đối với xe buýt điện.

Trạm sạc xe điện của Tổng công ty Điện lực miền Trung tại Đà Nẵng

Trạm sạc xe điện của Tổng công ty Điện lực miền Trung tại Đà Nẵng

Hỗ trợ giá bán điện cho các trạm/trụ sạc; cơ chế kinh doanh điện và dịch vụ sạc điện để thu hút xã hội hóa đầu tư kinh doanh trạm sạc điện cho xe ô tô; xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định mua sắm, sử dụng ô tô điện khi sử dụng nguồn vốn công; thu phí khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Ưu tiên phát triển xe ô tô điện tham gia kinh doanh vận tải; tăng quyền ưu tiên tham gia giao thông đối với xe ô tô điện khi hoạt động trong khu vực đô thị, vùng lõi đô thị; ưu tiên đỗ xe (chỗ, giá), giờ cao điểm; thiết lập các khu vực không phát thải tại vùng lõi đô thị trong đó chỉ các phương tiện không phát thải được hoạt động.

Cũng để xe điện phủ sóng mạnh, việc phát triển hạ tầng trạm sạc điện được đề xuất theo hướng ban hành các QCVN về trạm sạc điện, chuẩn kết nối trạm sạc phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ sạc quốc tế; cho phép xây dựng trạm sạc điện công cộng trên các công trình có mục đích sử dụng đất như hiện tại mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng trạm sạc; nghiên cứu việc miễn giấy phép xây dựng và điều chỉnh chủ trương đầu tư khi lắp đặt trạm sạc điện.

Đặc biệt rà soát, bổ sung, nâng cấp hạ tầng cung cấp điện; ưu tiên cấp điện cho hạ tầng trạm sạc điện công cộng.

Một số đề xuất chính sách cụ thể của doanh nghiệp để phát triển xe điện

1. Chính sách ưu đãi khuyến khích sản sản xuất lắp ráp, nhập khẩu

- Bổ sung ngành nghề SXLR xe ô tô điện, SXLR pin phục vụ cho xe ô tô điện vào ngành nghề thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.

2. Chính sách khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng

- Tiếp tục ưu đãi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô điện loại chở người từ 9 chỗ trở xuống là 3% sau ngày 28/02/2027 đối với xe ô tô điện SXLR trong nước.

- Miễn thuế VAT trong 5 năm đầu, giảm 50% cho 5 năm tiếp theo.

- Miễn, giảm lệ phí trước bạ:

+ Miễn lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện trong 5 năm đầu kể từ ngày 01/3/2022.

+ Trong vòng 2 năm tiếp theo (kể từ 01/3/2027): lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với xe ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.

- Miễn lệ phí cấp biển 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí cấp biển cho xe ô tô điện cho 2 năm tiếp theo.

- Trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua xe ô tô điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện: khoảng 1.000 USD/xe.

3. Chính sách phát triển hạ tầng trạm sạc điện

- Miễn thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị để lắp đặt trạm sạc điện.

- Miễn thuế đất trong 5 năm đầu, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo.

- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu và giảm 50% cho 5 năm tiếp theo.

- Ưu đãi giá bán điện bằng giá điện phục vụ sản xuất

Tin bài liên quan