Các hoạt động liên quan tới bảo hiểm đang được kiểm soát chặt chẽ hơn

Các hoạt động liên quan tới bảo hiểm đang được kiểm soát chặt chẽ hơn

Doanh nghiệp không dễ gắn tên “bảo hiểm”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Pháp luật hiện hành nghiêm cấm việc đặt tên trùng, đặt tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký và với lĩnh vực bảo hiểm cũng không là ngoại lệ.

“Luật hóa” để tránh hiểu nhầm

Ông Đặng Hữu Lập, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV An Phát Hưng Gia - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đại lý bảo hiểm cho biết, mới đây, khi đăng ký đổi tên doanh nghiệp thành “Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ bảo hiểm ANT” (ngành nghề hoạt động vẫn giữ nguyên là đại lý bảo hiểm) thì cơ quan chức năng từ chối với lý do tên mới có chứa cụm từ “bảo hiểm” - không phù hợp với quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, nhưng khi đề xuất sửa thành “Công ty TNHH Đại lý bảo hiểm ANT” thì được chấp thuận.

Theo quy định tại Khoản 4 và 5, Điều 152 - Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022: “Cơ quan đăng ký kinh doanh không được chấp thuận trong tên doanh nghiệp có sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ ‘bảo hiểm’, ‘tái bảo hiểm’ hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ này có thể gây nhầm lẫn đó là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam”.

“Cơ quan đăng ký kinh doanh không được chấp thuận trong tên doanh nghiệp có sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ ‘môi giới bảo hiểm’, ‘môi giới tái bảo hiểm’ hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ này có thể gây nhầm lẫn đó là doanh nghiệp môi giới bảo hiểm”.

Mặt khác, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng đã nêu rõ những điều cấm trong việc đặt tên doanh nghiệp, đó là: Đặt tên trùng, đặt tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký; sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó; sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc (Theo Điều 38 và Khoản 1, 2 - Điều 41).

Cần áp dụng linh hoạt

Chỉ công ty bảo hiểm (bao gồm công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ), công ty tái bảo hiểm, công ty môi giới bảo hiểm là được Bộ Tài chính cấp phép thành lập và hoạt động.

Ông Nguyễn Ngọc Phú, luật sư điều hành Hãng luật NPLaw cho hay, trên thực tế, việc doanh nghiệp đặt tên “ná ná” nhau không hiếm, nên nếu một doanh nghiệp đặt tên gây hiểu lầm với doanh nghiệp khác dẫn đến cơ quan chức năng từ chối cấp phép kinh doanh là dễ hiểu, nhất là với lĩnh vực rất nhạy cảm như bảo hiểm.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp các công ty là tổ chức phụ trợ bảo hiểm, công ty hoạt động có ngành nghề kinh doanh là đại lý bảo hiểm đều phải bỏ chữ “bảo hiểm” ra khỏi tên công ty khi đặt tên mới hay đổi tên. Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ được phép yêu cầu gỡ bỏ nếu việc sử dụng cụm từ “bảo hiểm” gây nhầm lẫn. Do đó, việc áp dụng quy định cần linh hoạt để tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhìn lại quá trình hoàn thiện dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cho thấy, dự thảo sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 bổ sung quy định: “Cơ quan đăng ký kinh doanh không được chấp thuận trong tên doanh nghiệp có cụm từ ‘kinh doanh bảo hiểm’, “kinh doanh tái bảo hiểm’ đối với các doanh nghiệp không được Bộ Tài chính cấp phép thành lập và hoạt động”.

Đến kỳ họp Quốc hội lần thứ 3, dự thảo quy định: “Cơ quan đăng ký kinh doanh không được chấp thuận trong tên doanh nghiệp có sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ ‘bảo hiểm’, ‘tái bảo hiểm’ hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ này có thể gây nhầm lẫn đó là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động”.

“Cơ quan đăng ký kinh doanh không được chấp thuận trong tên doanh nghiệp có sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ ‘môi giới bảo hiểm’, ‘môi giới tái bảo hiểm’ hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ này có thể gây nhầm lẫn đó là doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đã được Bộ Tài chính cấp phép thành lập và hoạt động”.

Cuối cùng, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) đã được thông qua như hiện tại. Cần nói thêm rằng, chỉ công ty bảo hiểm (bao gồm công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ), công ty tái bảo hiểm, công ty môi giới bảo hiểm là được Bộ Tài chính cấp phép thành lập và hoạt động.

Việc sửa đổi, bổ sung quy định trên cũng xuất phát từ thực tế thời gian qua, có nhiều tổ chức đăng ký dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, đại lý bảo hiểm tổ chức được thành lập, nhất là trong giai đoạn 2019-2020. Trong đó, có trường hợp doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động bết bát đã đổi tên mới, thậm chí tự xưng là công ty bảo hiểm, công ty môi giới bảo hiểm…, gây bất ổn cho thị trường.

Từ những năm trước, một loạt tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm (không phải là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) được thành lập với cái tên đính kèm cụm từ “bảo hiểm” như Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam, Công ty TNHH Hỗ trợ bảo hiểm INFAIR, Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn bảo hiểm Việt Nam, Công Ty TNHH Tư vấn & Dịch vụ bảo hiểm Bảo An, Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn bảo hiểm Đông A… và cũng có những công ty không gắn danh xưng “bảo hiểm” như Công ty cổ phần BEST LIFE, Công ty cổ phần BRICS Việt Nam, Công ty cổ phần TC Advisors… Trong số này, có những cái tên đã bị xóa khỏi mảng bảo hiểm.

Ngày 3/8/2023, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVI Re, mã chứng khoán PRE) đã được Bộ Tài chính chấp thuận đổi tên thành Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Hà Nội (Hanoi Re).

Do đây là công ty tái bảo hiểm và việc đổi tên phù hợp quy định hiện hành nên không gặp trở ngại khi gắn cụm từ “tái bảo hiểm”, song việc tên mới không còn gắn với PVI Holdings gây ít nhiều băn khoăn về khả năng cổ đông lớn này sẽ rút vốn khỏi Hanoi Re.

Lý giải thắc mắc trên, ông Jens Holger Wohlthat - Chủ tịch Hội đồng quản trị PVI Holdings khẳng định, cùng với các cổ đông lớn khác như HDI Global SE và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), PVI Holdings sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hanoi Re trong thời gian tới.

Ngoài việc thay đổi tên thương hiệu, sẽ không có sự thay đổi nào khác về cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động của Hanoi Re. Việc đổi tên trên được thực hiện theo sự nhất trí của cổ đông vào năm 2021.

Tin bài liên quan