Khu đô thị Vân Canh đã được HUD1 đầu tư thứ cấp từ nhiều năm trước.

Khu đô thị Vân Canh đã được HUD1 đầu tư thứ cấp từ nhiều năm trước.

Đu trend cổ phiếu thoái vốn nhà nước: "Coi chừng mắc cạn"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời điểm cận Tết và từ tháng 2-3/2022, cổ đông nhà nước ở nhiều doanh nghiệp đã công bố lịch bán đấu giá cổ phần thoái vốn nhưng thực tế cho thấy, không phải cổ phiếu nào đem ra bán cũng hút khách và đầu tư theo cổ phiếu thoái vốn khó có thể trở thành sóng lớn.

Trong 122 triệu cổ phần LPB của Ngân hàng Liên Việt do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đem ra đấu giá trên HNX mới đây chỉ có 800 cổ phiếu được vài nhà đầu tư cá nhân đặt mua.

Với giá khởi điểm lên tới 28.930 đồng/cổ phần, tức là cao hơn gần 15% so với thị giá LPB, cuộc đấu giá này được nhìn nhận sớm “ế ẩm”. Cổ phiếu LPB nổi sóng được vài 2 - 3 phiên sau khi thông tin về cuộc đấu giá được chính thức công bố nhưng đã vội "tắt" sau đó do không hút được dòng tiền.

Mới đây, phiên đấu giá 35 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Kinh doanh và phát triển Bình Dương (TDC - sàn HOSE) đem ra đấu giá với giá khởi điểm 27.900 đồng/cổ phần cũng thất bại khi chỉ bán được 50.000 cổ phần cho 4 nhà đầu tư cá nhân.

Vào ngày đấu giá, thị giá TDC thấp hơn 10% so với giá khởi điểm của phiên đấu giá, chưa kể thời gian chờ đợi cổ phiếu đấu giá về tài khoản có khi tới cả tháng, thậm chí vài tháng khiến các nhà đầu tư ngán ngại.

Cuộc đấu giá phần vốn của Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Châu Đức gần đây cũng bị hủy do không có nhà đầu tư tham gia.

Những diễn biến trên khiến nhiều nhà đầu tư ngỡ rằng, năm 2022, thị trường có thể hình thành sóng cổ phiếu ăn theo các đợt thoái vốn đang thất vọng. Lấy ví dụ cổ phiếu NTP của CTCP Nhựa thiếu niên Tiền Phong đã đạt mức giá xấp xỉ 70.000 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 1/2021 sau khi có tin SCIC sẽ thực hiện thoái vốn ngay trong tháng 2 nhưng đến nay thông tin thoái vốn chưa thấy đâu, còn cổ phiếu NTP đã rớt 10% thị giá.

Tương tự, cổ phiếu BMI của Tổng CTCP Bảo Minh cũng từng chạm 45.800 đồng/cổ phiếu, nhưng nay cũng giao dịch nhỏ giọt quanh 38.000 đồng/cổ phiếu.

Phiên cuối tuần trước, một số nhà đầu tư mua cổ phiếu HU1 của HUD1 trước thềm Tổng HUD thoái 51% vốn tại doanh nghiệp này mà không suy xét kỹ sức khỏe doanh nghiệp. Đây là phiên đấu giá cả lô với giá khởi điểm 75 tỷ đồng cho cả lô cổ phần, tương đương với thị giá HUD1 đang giao dịch trên sàn.

Nợ khó đòi, doanh nghiệp thành viên đã chấm dứt hoạt động, quyền phát triển dự án bị tạm dừng là 3 yếu tố dễ thấy nhất ở doanh nghiệp này. Trong đó, giai đoạn 2017 - 2020, hệ số nợ/tổng tài sản và nợ/vốn chủ sở hữu của HUD1 liên tục tăng, lên mức gần 96% và 582% vào năm 2020.

Khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD 1.02 là 12,75 tỷ đồng; khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Kiến trúc và xây dựng CIC DECOR là 1 tỷ đồng đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng khiến Công ty phải trích lập dự phòng rủi ro là 4,43 tỷ đồng.

Hiện nay, cả hai đơn vị này đang tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh nên khả năng thu hồi vốn tại các doanh nghiệp này chưa xác định rõ thời gian, công tác thu hồi vốn tạm ứng công trình tại các hạng mục do Công ty HUD 1.02 thực hiện (khoảng 35,29 tỷ đồng) và khoản phải thu tiền cổ tức (1,4 tỷ đồng) vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, khoản đầu tư góp vốn dài hạn với Công ty Đại Thiên Lộc là 13 tỷ đồng để thực hiện dự án Liên Bão - Bắc Ninh kéo dài từ năm 2011 cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về đầu tư. Đối với Dự án nhà ở sinh viên A5-A6 Pháp Vân do Tổng công ty HUD làm tổng thầu 49,6 tỷ đồng, công trình đã bàn giao chủ đầu tư đưa vào sử dụng từ năm 2015, hết thời gian bảo lãnh nhưng đến nay công trình vẫn chưa được quyết toán và khả năng thu hồi nợ khó khăn, chưa xác định được thời gian nào chủ đầu tư có nguồn vốn hoạch toán.

Dự án được chú ý nhất trong bản công bố thông tin là Khu dân cư phía Tây đường Lê Duẩn, xã An Phú, TP. Tuy Hòa (Ký hiệu 0-8) do Liên doanh HUD8 - An Phát - HUD1 đầu tư đã bị tạm thời dừng triển khai.

Với giá khởi điểm để bán đấu giá cổ phần HUD1 là 14.716 đồng/cổ phần, nhà đầu tư bỏ vốn vào doanh nghiệp này sẽ phải “đặt cược” khả năng thu lợi với tỷ lệ rủi ro không nhỏ. Thực tế cho thấy, phiên giao dịch đầu tuần này, HUD1 lại không có giao dịch và giá giảm.

Nhìn nhận về việc đu theo cổ phiếu thoái vốn để kiếm lời dù bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp không có gì sáng sủa, một chuyên gia có kinh nghiệm ở SCIC cũng lắc đầu: “Không thể hiểu nổi các nhà đầu tư. Bỏ vốn vào không khéo mắc cạn”.

Tin bài liên quan