Gia tăng giá trị cho cà phê xuất khẩu thông qua yếu tố môi trường, lao động và công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để xuất khẩu bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ tiêu chuẩn cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường.
Để tăng giá trị xuất khẩu cho hạt cà phê, Nestlé Việt Nam đầu tư từ phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho đến công nghệ chế biến

Để tăng giá trị xuất khẩu cho hạt cà phê, Nestlé Việt Nam đầu tư từ phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho đến công nghệ chế biến

Tại hội thảo “Xuất khẩu vào các thị trường FTA - Giải bài toán phát triển bền vững” do Bộ Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu và Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ tổ chức vào ngày 18/11, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết, mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) tăng mạnh 14-15% trong 2021-2022 (cao hơn mức trung bình 7% trước đó) nhờ Hiệp định thương mại tự do EVFTA.

Tuy nhiên, theo đại diện này, hiện có những thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt. Trong đó, EU đang siết chặt các quy định và tiêu chuẩn hiện hành, gia tăng các yêu cầu về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực môi trường, khí hậu, phát triển bền vững… Vì thế, để xuất khẩu bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ tiêu chuẩn cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU.

Chia sẻ tại hội thảo ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham cho rằng, qua đại dịch nhìn chung các chính sách nhập khẩu từ EU vẫn không có sự thay đổi. Song Việt Nam phải phải đối mặt với trở ngại khi phải đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, sạch của EU ngày càng gắt gao, mong muốn sử dụng sản phẩm xanh, sạch.

Chẳng hạn, với sản phẩm gỗ cần có chứng chỉ FSC, hay trong ngành xuất khẩu gỗ hiện nay không dùng nguyên liệu gỗ từ Nga sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Với ngành cà phê cần đảm bảo chứng chỉ phát triển bền vững để có thể đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu EU.

Tuy vậy, Việt Nam được các doanh nghiệp EU tin tưởng và Việt Nam không bị đóng cửa sau đại dịch nên có thể đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh ổn định. Đây là điều các nhà nhập khẩu tin tưởng đánh giá cao.

Thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo chỉ số phát thải, thấy được sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Một điểm quan trọng người tiêu dùng EU cần thấy được sự sẵn sàng của các nhà sản xuất Việt Nam thay đổi trong phát triển bền vững, giảm phát thải một cách mạnh mẽ.

Với ngành cà phê, chia sẻ về mô hình thành công của Nestlé Việt Nam tại hội thảo, ông Lý Trung Kiên, Trưởng bộ phận Logistics toàn quốc, Nestlé Việt Nam, cho biết, hiện sản phẩm của công ty đang xuất khẩu sang hơn 30 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính tại EU, như Thụy Sĩ, Anh… Đặc biệt, Nestlé Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm giá trị cao, được chế biến bằng công nghệ hiện đại, như các sản phẩm cà phê, gia vị.

Để có ưu thế về chất lượng và đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính, Nestlé Việt Nam không ngừng đầu tư từ phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho đến công nghệ chế biến. Trong đó, Nestlé Việt Nam hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh để hỗ trợ người nông dân trồng cà phê, từ khâu phát triển và lựa chọn hạt giống đến thực hành canh tác tốt theo tiêu chuẩn quốc tế.

Dự án đã giúp người nông dân trồng cà phê giảm 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học/ thuốc trừ sâu, góp phần bảo vệ sức khỏe và độ phì nhiêu của đất, giúp tăng tỷ lệ hấp thụ khí các-bon và giảm phát thải, cải thiện đa dạng sinh học. Đồng thời, nhằm đưa Việt Nam thành trung tâm xuất khẩu sản phẩm Nestlé cho toàn thế giới, Nestlé Việt Nam đang tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu, giá trị cao.

Năm 2022, công ty bắt đầu sản xuất và xuất khẩu những lô đầu tiên sản phẩm cà phê hòa tan siêu thượng hạng sử dụng công nghệ sấy đông, sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ. Trước đây, sản phẩm này chỉ được sản xuất quy mô nhỏ tại trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Nestlé tại Mỹ. Nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai là nhà máy đầu tiên sản xuất dòng sản phẩm này ở quy mô thương mại trong toàn bộ Tập đoàn Nestlé. Công ty cũng đang liên tục mở rộng sản xuất các sản phẩm cà phê cao cấp mang thương hiệu Starbucks chuyên biệt cho xuất khẩu sang các thị trường châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Trung Quốc.

Việc mở rộng sản xuất các sản phẩm cà phê giá trị cao là một phần trong khoản cam kết đầu tư thêm 132 triệu đô la Mỹ được Nestlé Việt Nam công bố vào những tháng cuối năm ngoái, góp phần đưa sản phẩm “Made-in-Vietnam” chất lượng cao ra khu vực và thế giới. Khoản đầu tư này đã nâng tổng giá trị đầu tư nước ngoài của Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu USD.

Trong một phát biểu gần đây khi sang thăm Việt Nam, ông David Rennie, Phó Chủ tịch Điều hành & Giám đốc Các Thương hiệu Cà phê của Tập đoàn Nestlé chia sẻ rằng, mục tiêu kim ngạch đạt 6 tỷ USD xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ không thành hiện thực chỉ bằng cách tăng số lượng trang trại cà phê.

Trong vài năm tới, sự gia tăng này sẽ không đến từ sản lượng mà đến từ việc gia tăng giá trị cho cà phê. Các thị trường sẽ sẵn sàng trả phí cao hơn cho những sản phẩm chất lượng, được canh tác bền vững. Ví dụ như thị trường EU đang ngày càng kiểm soát chặt hơn đối với hàng nhập khẩu.

Vì vậy, Nestlé đang tập trung đi theo hướng phát triển nông nghiệp tái sinh thông qua hợp tác với chính phủ, các viện nghiên cứu, các tổ chức và người nông dân để tìm ra cách thức cải thiện chất lượng của cà phê Robusta tại Việt Nam, tạo nên những hạt cà phê Robusta năng suất hơn, sinh lời hơn so với những hạt cà phê Robusta thông thường. Điều cần làm là tạo giá trị gia tăng cho hạt cà phê Việt Nam thông qua việc gia tăng hàm lượng chế biến thay vì chỉ xuất khẩu cà phê xanh, vốn có giá trị hạn chế.

Hiện Việt Nam là nước sản xuất cà phê xanh lớn thứ hai trên thế giới và là nhà cung ứng nguyên liệu này lớn nhất cho Nestlé; và Nestlé cũng là đơn vị thu mua cà phê lớn nhất với tổng giá trị thu mua hàng năm khoảng 20-25% tổng sản lượng cà phê Việt Nam, tương đương 700 triệu USD/năm.

Với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) chia sẻ, trước khi có FTA, ngành gỗ đã có lợi thế về thuế khi xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, nếu không ký kết các FTA thì rất có thể mức thuế sẽ cao trở lại.

Với ngành gỗ, khi tham gia các FTA, doanh nghiệp có nhiều lợi thế hơn so với các nước khác. Minh chứng là kim ngạch xuất khẩu gỗ vào các thị trường đều giữ mức ổn định. Với các yêu cầu về môi trường, về lao động hay nguồn gốc xuất xứ, mặc dù là rào cản kỹ thuật, tuy nhiên đây là cơ hội để nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Khi doanh nghiệp vượt qua được những yêu cầu này sẽ tạo ra bước tiến mới. Do vậy, doanh nghiệp phải xem những yêu cầu về môi trường, lao động này là thành tựu và phải vượt qua.

"Thời gian qua, tuy xuất khẩu ngành gỗ có chững lại, nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhìn lại, xây dựng lại kế hoạch để phát triển để phát triển bền vững hơn", ông Chánh nói.

Hiện nay ngành gỗ có khoảng 14 triệu ha rừng, trong đó có 4 triệu ha rừng sản xuất. Nếu quy hoạch tốt, theo ông Chánh, chúng ta có thể đảm bảo 60% nguyên liệu, phần hụt có thể thiếu bù đắp từ Mỹ, Chile. Do đó, các doanh nghiệp không chỉ đảm bảo tiêu chí môi trường trong nước mà cả trên toàn cầu. Do vậy việc nhập khẩu gỗ phải đảm bảo nguồn gốc. Việc áp dụng tiêu chí về lâm luật ở các thị trường sẽ làm rất chặt, nên nếu doanh nghiệp không đảm bảo được thì sẽ mất cơ hội kinh doanh.

Tin bài liên quan