Giải bài toán “đầu tiên” cho phát triển xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phát triển thị trường tài chính xanh đang là yêu cầu cấp thiết, trong bối cảnh chuyển đổi xanh, phát triển bền vững trở thành mối quan tâm hàng đầu của quốc gia, của mỗi tổ chức, doanh nghiệp.

Nguồn lực tài chính, bài toán đầu tiên phải giải

Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến giá cả, chất lượng của hàng hóa, mà còn đòi hỏi quá trình sản xuất và tiêu dùng phải “xanh”, phải thân thiện với môi trường. Do đó, chuyển dịch sang sản xuất và tiêu dùng xanh là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh. Mặt khác, mỗi nền kinh tế cũng có nhu cầu tự thân phát triển xanh để đảm bảo môi trường sống xanh bền vững của họ và cũng để hạn chế các hậu quả của biến đổi khí hậu.

TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Nghiên cứu Đại học VinUni

TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Nghiên cứu Đại học VinUni

Tại Việt Nam, từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1393/QĐ-TTg thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Đến năm 2021, Thủ tướng đã ban hành Chiến lược mới về tăng trưởng xanh (Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021). Có thể thấy, mặc dù còn phải đối mặt với nhiều nhu cầu cấp thiết khác như tăng trưởng nhanh song Việt Nam đã luôn cố gắng cân bằng nhu cầu trước mắt và mục tiêu bền vững lâu dài.

Cũng như mọi sự thay đổi khác, chuyển đổi xanh đòi hỏi một nguồn lực rất lớn để thực hiện, như nguồn vốn cho các hạ tầng năng lượng tái tạo, công nghệ sạch và bảo tồn môi trường tự nhiên, chuyển đổi các ngành nghề không thân thiện với môi trường (khai thác than, dầu, khí, ngành sử dụng năng lượng xám…), xử lý chất thải, hạn chế phát thải… Như vậy, bài toán đầu tiên cần phải giải cho chuyển đổi xanh là nguồn lực tài chính.

Trong thập niên 1980 và 1990, ý tưởng thị trường tài chính có thể được tận dụng để thúc đẩy tính bền vững môi trường bắt đầu hình thành. Một trong những hình thức tài chính xanh sớm nhất là phát hành trái phiếu xanh, được chỉ định để tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường. Trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành bởi Ngân hàng Đầu tư châu Âu vào năm 2007, mặc dù các khái niệm tương tự đã được sử dụng trong vài năm trước đó. Hình thức tín dụng xanh còn ra đời muộn hơn. Chưa có đánh giá chính thức, nhưng qua rà soát các nguồn mở trên Internet thì khoản tín dụng xanh đầu tiên được thực hiện hợp vốn bởi nhóm ngân hàng Lloyd cho dự án Unibail-Rodamco-Westfield vào tháng 4/2017.

Do khái niệm “xanh” khá rộng và chưa có định nghĩa rõ ràng nên hàng loạt loại hình tài chính tương tự đã ra đời: tín dụng và trái phiếu bền vững (là những khoản tín dụng và trái phiếu cho mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 mặt kinh tế, môi trường và xã hội), tín dụng và trái phiếu xã hội (là những khoản tín dụng và trái phiếu cho mục tiêu phát triển bền vững về mặt xã hội), tín dụng và trái phiếu chuyển đổi bền vững (là những khoản tín dụng và trái phiếu cho mục tiêu chuyển đổi sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững), trái phiếu biển xanh (cho mục tiêu bảo vệ sinh thái biển)…

Dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam mới đạt 4,3% tổng dư nợ của nền kinh tế, tính đến tháng 3/2025

Dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam mới đạt 4,3% tổng dư nợ của nền kinh tế, tính đến tháng 3/2025

Theo thống kê của Environmental Finance Data, trong tài chính xanh thì trái phiếu chiếm tỷ lệ lớn hơn so với tín dụng. Điều này là do các dự án xanh thường đòi hỏi khoản vốn dài hạn, nên huy động vốn qua kênh trái phiếu phù hợp hơn. Nếu chỉ xét theo phân loại trái phiếu xanh và tín dụng xanh (không kể các loại trái phiếu và tín dụng gắn với phát triển bền vững) thì tỷ lệ tín dụng so với trái phiếu tăng dần từ mức 5,8% năm 2021 lên 39,13% vào năm 2024.

Trên thị trường trái phiếu, trái phiếu xanh chiếm tỷ trọng áp đảo các phân loại trái phiếu khác. Đây chủ yếu là các khoản trái phiếu tài trợ cho các dự án phù hợp với tiêu chí xanh như năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, vận tải bền vững, xây dựng xanh… Bên cạnh đó, trái phiếu được gắn nhãn là phục vụ phát triển bền vững, hay gắn với phát triển bền vững, trái phiếu hỗ trợ xã hội bền vững cũng chiếm tỷ trọng đáng kể.

Trên thị trường tín dụng, tỷ trọng tín dụng được gắn nhãn tín dụng xanh ngày càng tăng nhưng chủ đạo vẫn là tín dụng phát triển bền vững (hoặc gắn với phát triển bền vững). Do thời gian đầu thiếu sự phân loại thống nhất về các khái niệm xanh, bền vững, ESG nên có sự giao thoa lớn giữa các khoản tín dụng xanh và bền vững.

Chuyển đổi xanh đòi hỏi một nguồn lực rất lớn để thực hiện, trong đó có nguồn vốn cho các hạ tầng năng lượng tái tạo

Chuyển đổi xanh đòi hỏi một nguồn lực rất lớn để thực hiện, trong đó có nguồn vốn cho các hạ tầng năng lượng tái tạo

Nhiều vướng mắc trong triển khai tín dụng xanh tại Việt Nam

Theo thống kê của Tập đoàn Tài chính BBVA của Tây Ban Nha thì thị trường cho vay bền vững (sustainable loan market) trên toàn cầu năm 2024 tăng trưởng 17%, đạt 907 tỷ EUR trên toàn cầu. Trong đó, 72% là cho vay gắn với phát triển bền vững và thị trường tín dụng xanh chiếm tỷ trọng khoảng 20%, tăng trưởng khá khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 6% so với năm 2023. Tín dụng xanh chủ yếu mở rộng ở các nước châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ. Các nước này chiếm đến 84% thị phần toàn cầu. Tín dụng xanh ở các nước đang phát triển châu Á là không đáng kể.

Như vậy, thị trường tín dụng xanh mặc dù có phát triển trên toàn cầu nhưng đều chưa đạt được kết quả như mong đợi. Điều này cũng được quan sát thấy trên thị trường Việt Nam. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có những định hướng và hướng dẫn phát triển tín dụng xanh từ năm 2015 (Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng) nhưng tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Đến tháng 3/2025, tổng dư nợ tín dụng được phân loại là tín dụng xanh chỉ chiếm khoảng 4,3% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Trên thực tế, các tổ chức tín dụng và người đi vay đang gặp phải nhiều vướng mắc trong triển khai tín dụng xanh tại Việt Nam.

Nguồn: Environmental Finance Data, TP: trái phiếu, TD: Tín dụng, PTBV: phát triển bền vững, CĐ: chuyển đổi bền vững

Nguồn: Environmental Finance Data, TP: trái phiếu, TD: Tín dụng, PTBV: phát triển bền vững, CĐ: chuyển đổi bền vững

Một là, hiện chưa có phân loại ngành xanh, dự án xanh tương thích với các chuẩn mực quốc tế. Do đó, các tổ chức tín dụng và người đi vay khó xác nhận khoản tín dụng nào là xanh, khoản nào là không xanh.

Hai là, do chưa có phân loại nên các hoạt động thống kê, cơ chế báo cáo, giám sát chưa được ban hành. Điều này làm cho việc đánh giá sự phát triển của tín dụng xanh không đầy đủ và phiến diện.

Ba là, các dự án xanh thường đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua những chi phí ban đầu (chi phí công nghệ cao hơn, mức độ ổn định của công nghệ chưa cao, chi phí chuyển đổi từ công nghệ truyền thống sang công nghệ sạch…). Hiện các chính sách hỗ trợ này chưa rõ ràng (các dự án điện tái tạo có sự hỗ trợ giá bán của Nhà nước đã bị lợi dụng và đình trệ cho đến nay) cũng là nguyên nhân chính khiến tín dụng xanh khó phát triển ở nước ta.

Nhìn sang Trung Quốc, tính đến cuối quý III/2024, tổng dư nợ tín dụng xanh đạt gần 4.900 tỷ USD. Tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng của nước này đã tăng từ mức 5,8% vào cuối quý I/2019 lên 13,9% vào cuối quý III/2024. Sự gia tăng nhanh chóng này là nhờ sự hỗ trợ mạnh tay từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC). Các khoản tín dụng xanh của các ngân hàng thương mại sẽ được PBoC tái cấp vốn lên đến 60% giá trị khoản vay với lãi suất chỉ 1,75%/năm. Chương trình này được kéo dài cho đến ít nhất là vào năm 2027.

Bốn là, nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi xanh chưa cao. Áp lực cạnh tranh và mục tiêu đảm bảo lợi nhuận trước mắt đã làm hạn chế nhu cầu chuyển đổi xanh của cả doanh nghiệp lẫn các tổ chức tín dụng. Điều này cũng khá phổ biến tại các nước đang phát triển tại khu vực châu Á.

Năm là, Việt Nam cũng chưa có các quy định để phát triển thị trường trái phiếu xanh trước để tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường tín dụng xanh.

Giải pháp kiến nghị

Để thực hiện thành công mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần phải phát triển mạnh mẽ tài chính xanh để tài trợ cho quá trình này. Lộ trình phát triển tài chính xanh ở Việt Nam cần được xác định rõ ràng, kịp thời.

Thứ nhất, cần có một chiến lược tổng thể phát triển tài chính xanh ở Việt Nam, với khung pháp lý rõ ràng, phân loại chi tiết, các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.

Thứ hai, nên phát triển thị trường trái phiếu xanh trước để tạo tiền đề cho thị trường tín dụng xanh phát triển.

Thứ ba, tài chính xanh đòi hỏi có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các định chế tài chính và nhà đầu tư chấp nhận các rủi ro cao hơn, chi phí lớn hơn. Các chính sách ưu đãi thường được các nước vận dụng như tái cấp vốn, bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh phát hành…

Thứ tư, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo cho các định chế tài chính, các chủ doanh nghiệp hiểu rằng chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mà còn là xu hướng không thể đảo ngược trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tín dụng xanh góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững, qua đó, giảm thiểu rủi ro hệ thống nói chung. Đồng thời, tín dụng xanh cũng là cơ hội sinh lời mới khi tận dụng được các ưu đãi của Chính phủ và các tổ chức quốc tế và thông qua gia tăng giá trị thương hiệu.

Tin bài liên quan