Giao dịch chứng khoán sáng 14/2: HAG bị bán tháo, VN-Index lùi về lấp gap

Giao dịch chứng khoán sáng 14/2: HAG bị bán tháo, VN-Index lùi về lấp gap

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán diễn ra trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index lùi về lập gab đã tạo ra trong phiên đầu Xuân mới. Đáng chú ý, cổ phiếu HAG bị bán tháo mạnh với lượng dư bán sàn hơn 10 triệu đơn vị.

Mặc dù thanh khoản khá thấp cùng việc quay đầu điều chỉnh trong phiên cuối tuần ngày 11/2, nhưng thị trường đã có tuần giao dịch chào Xuân mới vẫn khá tích cực. Về khung đồ thị tuần, chỉ số VN-Index tạo cây nến Doji xanh nhẹ, cho thấy vẫn đang giữ xu hướng tăng giá khi tiếp tục tăng từ vùng hỗ trợ dưới của kênh tăng giá.

Trong ngắn hạn, kể từ khi tạo đáy ngắn hạn xong, chỉ số vẫn chưa có phiên bùng nổ tích cực để xác nhận đà tăng trở lại trong ngắn hạn. Nếu tiếp tục kéo dài lâu thì xu hướng ngắn hạn sẽ trở nên xấu dần và VN-Index rất có thể sẽ phải giảm về các vùng hỗ trợ sâu hơn như vùng hội tụ MA(20) và MA(50) hay xa hơn là test lại đáy cũ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, Công ty Chứng khoán YSVN đã dự báo thị trường trong nước có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh ở phiên giao dịch đầu tuần và VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng khoảng trống tăng giá đã được hình thành trong phiên 7/2/2022, tức là vùng 1.485 - 1.494 điểm.

Đúng như dự báo trên, thị trường bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 14/2 đột ngột giảm mạnh. Chỉ số VN-Index đã lấp gap và rơi về dưới mốc 1.485 điểm với sắc đỏ bao trùm trên diện rộng bảng điện tử ngay khi mở cửa.

Bên cạnh hàng trăm mã giảm điểm, nhóm bluechip cũng chỉ còn một vài mã le lói sắc xanh.

Cổ phiếu lớn VIC sau 1 tuần giảm trọn vẹn đầu Xuân, đã quay đầu hồi phục trở lại sáng nay, góp phần giúp VN-Index không bị đẩy xuống quá sâu. Sau hơn 1 giờ giao dịch, VIC tăng gần 2%.

Một điểm nhấn khác của thị trường đó là nhóm cổ phiếu dầu khí. Trái với diễn biến chung hầu hết các nhóm bị bán khá mạnh và phủ kín sắc đỏ như ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản, thì nhóm cổ phiếu dầu khí đang có diễn biến khả quan nhất. Cụ thể, các mã PLX, OIL, PVS, PVC đều tăng hơn 3%, PVD tăng 2,3%, GAS tăng 2,7%...

Trong khi đó, cổ phiếu HAG lại bị bán tháo mạnh lùi về mức sàn 11.550 đồng và "múa bên trăng" với lượng dư bán sàn hơn 11 triệu cổ phiếu.

Việc HAG bị bán tháo sáng nay có thể xuất phát từ thông tin, cơ quan quản lý đã có những cuộc họp để xem xét trường hợp hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG).

Cụ thể, nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết, không có nhiều ý kiến ủng hộ việc để doanh nghiệp này tiếp tục niêm yết trên HOSE.

Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai đã kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và HOSE để không hủy niêm yết cổ phiếu HAG trên HOSE.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 120, Nghị định 155 về việc huỷ niêm yết bắt buộc, HAG đã lỗ liên tiếp 3 năm và buộc phải giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Đã có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện quy định trên, nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam cho phép HAG ở lại HOSE, sẽ tạo tiền lệ để các doanh nghiệp khác khi rơi vào trường hợp này xin ở lại, tạo cơ chế xin - cho. Đó là một số ý kiến đưa ra trước cuộc họp trực tuyến liên quan đến vấn đề trên ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tuần này.

Các dữ liệu cho thấy, HAG đã lỗ 4 năm liên tiếp từ các năm 2017, 2018, 2019 và 2020.

Mặc dù thanh khoản có chút cải thiện với sự góp mặt của nhiều mã vừa và nhỏ, nhưng áp lực bán trên diện rộng khiến thị trường chím trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 317 mã giảm, gấp hơn 2 lần số mã tăng (119 mã), VN-Index giảm 12,54 điểm (-0,84%), xuống 1.489,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 474 triệu đơn vị, giá trị hơn 14.774 tỷ đồng, tăng 29% về khối lượng và 12,7% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 11/2. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 39,94 triệu đơn vị, giá trị tương ứng hơn 1.218,6 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn là gánh nặng chính của thị trường với số mã giảm điểm gấp gần 4 lần số mã tăng, chỉ số VN30-Index giảm hơn 18%.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tạo sức ép lớn nhất khi chỉ có duy nhất EIB tăng nhẹ hơn 1% và MSN đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm điểm. Cụ thể, VCB, TCB, CTG, STB, SHB, OCB đều giảm hơn 2%, BID giảm 3,34%, SSB giảm 3,27%, HDB giảm mạnh nhất khi để mất 4,17%; các mã khác như ACB, MBB, VPB, VIB, TPB, LPB cùng giảm hơn 1%.

Nhóm chứng khoán chung cảnh ngộ khi chỉ có duy nhất VIX hồi phục thành công và chốt phiên tăng 2,6% lên mức 29.100 đồng/CP, còn lại đều đứng dưới mốc tham chiếu, với các mã lớn như SSI giảm 1,7%, HCM giảm 3,1%, VCI giảm 2,6%, VND giảm 1,5%...

Nhóm cổ phiếu trụ cột còn lại là thép cùng trong xu hướng với duy nhất NKG tăng nhẹ 1,4%, còn lại HPG, HSG, POM, SMC, TLH đều mất điểm.

Nhóm bất động sản cũng không thoát khỏi sự điều chỉnh. Cổ phiếu lớn VIC thu hẹp biên độ về cuối phiên và chỉ còn nhích nhẹ chưa tới 0,5%, cùng một số ít cổ phiếu khởi sắc khác như DIG, LGC, IJC, LCG…, còn lại chủ yếu mất điểm.

Trong đó, ở top cổ phiếu lớn như VHM, NVL giảm hơn 1%; tiếp đó PDR, KDH, VCG, DXG, TCH… đều giảm hơn 1%. Cổ phiếu FLC dù có thời điểm khởi sắc nhưng chốt phiên giảm 1,7% xuống mức 11.800 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 16,22 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã thanh khoản tốt khác có STB, MBB, VPB, HPG, HAG, POW khớp hơn 10-15 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, với những thông tin khá tiêu cực, cổ phiếu HAG vẫn trong trạng thái bị bán tháo. Chốt phiên, HAG giảm 6,9% xuống mức giá sàn 11.550 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh 10,7 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 14,1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 55 mã tăng và 149 mã giảm, HNX-Index giảm 2,42 điểm (-0,57%) xuống 424,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,57 triệu đơn vị, giá trị gần 1.373 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,66 triệu đơn vị, giá trị 20,98 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí trên HNX cũng có phiên khởi sắc, với PVS tăng 4,1% lên 30.200 đồng/CP, PVC tăng 2,6% lên 15.900 đồng/CP, PVB tăng 1,6% lên 19.300 đồng/CP.

Bên cạnh đó, dù không còn giữ được sắc tím nhưng nhóm cổ phiếu than cũng là điểm sáng của thị trường. Bên cạnh NBC tăng 6,25%, các mã khác như TVD tăng 6,71%, TC6 tháng 5,13%, MDC, TCS, TDN đều tăng gần 4%...

Cổ phiếu CEO cũng hồi phục sau phiên giảm mạnh cuối tuần trước. Chốt phiên, CEO tăng 2,7% lên 57.000 đồng/CP và khớp hơn 3,56 triệu đơn vị.

Trái lại, các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng như BAB, chứng khoán như MBS, SHS, BVS, APS, ART… cũng trong trạng thái điều chỉnh.

Về thanh khoản, đại diện nhóm P là PVS giao dịch vượt trội trên HNX với 10,64 triệu đơn vị khớp lệnh. Đứng ở vị trí tiếp theo là CEO khớp 3,56 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng trong trạng thái giảm điểm. Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,8 điểm (-0,71%), xuống 111,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 42,73 triệu đơn vị, giá trị 962,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,33 triệu đơn vị, giá trị 12,33 tỷ đồng.

Bộ đôi nhóm dầu khí gồm BSR tăng nhẹ 0,7% lên 27.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường, đạt 10,66 triệu đơn vị; còn OIL tăng 2,2% lên 18.900 đồng/CP và khớp xấp xỉ 3 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng trên UPCoM cũng đồng loạt điều chỉnh như ABB, BVB, NAB, SGB…

Tin bài liên quan