Giới đầu tư mua mạnh nhóm cổ phiếu công nghệ, phố Wall bay cao

Giới đầu tư mua mạnh nhóm cổ phiếu công nghệ, phố Wall bay cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tăng vọt trong phiên ngày thứ Năm (28/4) sau báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ từ Meta Platforms đã giúp cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng bay cao, đồng thời bù đắp những lo lắng về sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ trong quý đầu tiên.

Cổ phiếu Meta (Facebook) đã tăng tới 17,6% sau khi mạng xã hội này báo cáo lợi nhuận cao doanh thu quý đầu tiên của năm 2022 tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 27,9 tỷ USD và lợi nhuận ròng đạt gần 7,5 tỷ USD.

Nhóm ngành dịch vụ truyền thông và công nghệ theo đó nằm trong số 11 chỉ số ngành thuộc S&P 500 tăng mạnh nhất, lần lượt tăng 4,04% và 3,89%.

Cổ phiếu Apple, công ty giá trị nhất thế giới và gã khổng lồ thương mại điện tử Amazo đều tăng hơn 4%. Các cổ phiếu công nghệ lớn khác như Microsoft tăng hơn 2,2%, Alphabet (Google) tăng 3,7%, Netflix tăng 5,82%.

Cổ phiếu Qualcomm vọt 9,7% nhờ kết quả lợi nhuận quý I mạnh mẽ, còn cổ phiếu PayPal tăng 11,5% mặc dù đưa ra dự báo yếu kém cho quý II.

Các nhà đầu tư trước đó đã bán tháo các cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng cao trong nhiều tuần, do lo lắng về lạm phát, lãi suất tăng và khả năng suy giảm kinh tế sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận trong tương lai của nhóm này.

Nhưng ngay cả với mức tăng mạnh hôm nay, chỉ số Nasdaq vốn thiên về công nghệ đã giảm gần 10% trong tháng 4, trên đà giảm sâu nhất trong một tháng kể từ tháng 3 năm 2020.

Còn chỉ số S&P 500 cũng biến động rất mạnh, khi đã có những phiên tăng hoặc giảm 2% trở lên với khoảng 32 lần từ đầu năm đến này, so với chỉ 24 ngày như vậy trong cả năm 2021.

Zach Hill, người đứng đầu danh mục đầu tư chiến lược tại Horizon Investments ở Charlotte, North, cho biết: “Khi lãi suất, lạm phát và những gì Fed làm sẽ gây ra rất biến động, điều đó có nghĩa là việc định giá mọi tài sản khác sẽ khó hơn nhiều".

Dù vậy, nhìn chung mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm 2022 tốt hơn dự kiến, với 81% trong số 237 công ty trong S&P 500 đã báo cáo kết quả cho đến nay đều vượt qua kỳ vọng của Phố Wall. Thông thường, con số này chỉ 66%, theo dữ liệu của Refinitiv.

Mặt khác, số liệu công bố ngày 28/4 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý I/2022 đã giảm 1,4% do sự lây lan mạnh của biến thể Omicron, và chính phủ cắt giảm chi tiêu, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Đây là lần đầu tiên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới sụt giảm kể từ khi dịch Covid-19 hoành hành trong gần hai năm qua. Tuy nhiên, tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng, đóng góp hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, vẫn mạnh mẽ, dù chịu ảnh hưởng từ làn sóng lây lan dịch đại dịch.

Kết thúc phiên 28/4, chỉ số Dow Jones tăng 614,46 điểm (+1,85%), lên 33.916,39 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 103,54 điểm (+2,47%), lên 4.287,50 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 382,59 điểm (+3,06%), lên 12.871,53 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục tăng, khi kết quả kinh doanh tại nhiều công ty đã đánh bại các dự báo của thị trường, bao gồm cả tập đoàn năng lượng Total Energies và nhà sản xuất ô tô Volvo đã giúp loại bỏ những lo lắng về việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,62% lên 447,07 điểm.

Tháng 4 này là một tháng đầy biến động đối với thị trường chứng khoán trên toàn cầu, với STOXX 600 có thời điểm đã chìm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng do lo ngại về lãi suất tăng, định giá của các công ty công nghệ Mỹ, xung đột tại Ukraine và tình trạng phong tỏa nhiều nơi tại Trung Quốc.

Nhưng lợi nhuận khả quan tại nhiều công ty đã giúp ​​chỉ số tăng trong phiên này, với Total Energies của Pháp tăng 3,7%, sau khi có kế hoạch mua lại cổ phiếu nhờ lợi nhuận cốt lõi tăng mạnh do giá dầu và khí đốt tăng vọt.

Các nhà sản xuất ô tô tăng 2,2%, với Volvo đã tăng 8% sau khi lợi nhuận của hãng này vượt qua dự báo của các nhà phân tích do nhu cầu đối với các sản phẩm của hãng vẫn tăng mạnh.

Cổ phiếu Standard Chartered tăng 14,2% sau khi báo cáo thu nhập hàng quý khả quan.

Trong số 23% các công ty thuộc STOXX 600 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý I cho đến nay, 65% đã vượt dự báo thị trường, trong khi một quý bình thường và điển hình con số này chỉ 52%.

Kết thúc phiên 28/4: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 83,58 điểm (+1,13%), lên 7.509,19 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 185,90 điểm (+1,35%), lên 13.979,84 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 62,88 điểm (+0,98%), lên 6.508,14 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục duy chính sách tiền tệ nới lỏng.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố sẽ ổn định việc làm và phục hồi các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, trong khi số ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày giảm đã giúp kỳ vọng điều tồi tệ nhất có thể đã qua.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ bật mạnh sau khi thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết hỗ trợ nền kinh tế.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, nhờ kết quả kinh doanh mạnh mẽ trong và ngoài nước đã nâng cao niềm tin của nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 28/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 461,27 điểm (+1,75%), lên 26.847,90 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 17,20 điểm (+0,58%), lên 2.975,48 điểm. Chỉ số Hang Seng-Index tại Hồng Kông tăng 329,81 điểm (+1,65%), lên 20.276,17 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 28,43 điểm (+1,08%), lên 2.667,49 điểm.

Tin bài liên quan