Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được 590 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Có gần 2.100 khách hàng tiếp cận được với gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 590 tỷ đồng.
Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được 590 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 6/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt hơn 56.000 tỷ đồng cho gần 2.100 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 590 tỷ đồng. Như vậy, gói 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được gần 1,5%.

Riêng gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các NHTM với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường được triển khai khá tích cực.

Ngày 16/6/2023, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 01 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ tham gia chương trình với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 20,5 tỷ đồng. Agribank cũng đã cấp tín dụng đối với 01 dự án với số tiền cam kết cấp tín dụng là 950 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong quý III/2023. Bên cạnh đó, các NHTM đang tiếp cận khoảng 16 dự án (Agribank 11 dự án, BIDV 5 dự án).

Nhiều doanh nghiệp cho hay, điều kiện vay chặt chẽ, rủi ro thanh kiểm tra cao là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng. Thay vào đó, nhiều doanh nghiệp đánh giá cao chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Đến cuối tháng 7/2023, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 96.000 tỷ đồng, với gần 97.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Tính đến hết tháng 7/2023, tín dụng toàn hệ thống tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm nay cũng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 9,54%), thậm chí chưa đạt được một nửa tăng trưởng năm ngoái. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%.

Đáng chú ý, theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03 - 3,27 - 4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng 6, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng 7.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay. Trong khi các nước vẫn đang thắt chặt tiền tệ thì chúng ta giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ. Đến nay nhiều khoản nợ giãn hoãn từ dịch Covid-19 chưa xong, chúng ta lại tiếp tục giãn hoãn cho nhiều khoản nợ khác. “Cứ 10 năm thì lại rơi vào tình trạng khó khăn. Người ta hay nói phải chăng đó là quy luật. Vậy khó khăn sẽ kéo dài đến bao giờ? Thực tế hiện nay trên thế giới, chưa thấy nước nào tuyên bố hết khó khăn”.

Hiện nay, nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Nhưng Phó thống đốc cũng bày tỏ lo ngại, nếu “tháo” điều kiện tăng trưởng tín dụng thì nợ xấu tăng lên, khiến “cục máu đông” nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại. “Nếu nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế”, ông nói.

Theo ông Tú, các ngân hàng đang đứng giữa 2 dòng nước, vừa phải đảm bảo an toàn nợ xấu, vừa phải tăng trưởng, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhau vượt qua. Phó Thống đốc đánh giá, các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ khách hàng. Thực tế, các ngân hàng không thể lỗ, nếu ngân hàng lỗ sẽ dẫn đến đổ vỡ, kéo theo cả hệ thống khó khăn. Không chỉ Việt Nam mà các nước cũng vậy.

Định hướng của NHNN những tháng cuối năm là sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.

Tin bài liên quan