Nhờ đẩy mạnh số hóa, việc xác minh hồ sơ và chi trả bồi thường của Manulife trong vụ cháy chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày. Ảnh: Dũng Minh

Nhờ đẩy mạnh số hóa, việc xác minh hồ sơ và chi trả bồi thường của Manulife trong vụ cháy chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày. Ảnh: Dũng Minh

Khi khách hàng hiểu đúng giá trị của bảo hiểm

(ĐTCK) Việc chi trả quyền lợi bảo hiểm cho nạn nhân vụ cháy chung cư mini mới đây không chỉ cho thấy việc thực hiện cam kết của nhà bảo hiểm với khách hàng, mà còn cho thấy sự cải tiến đáng kể về quy trình xử lý bồi thường.

Rủi ro xảy ra mới thấy ý nghĩa của bảo hiểm

Thông tin từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, tới thời điểm này, đã có 10 doanh nghiệp bảo hiểm có khách hàng tham gia bảo hiểm bị thiệt hại về người trong vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vào ngày 12/9/2023. Tổng số tiền chi trả bảo hiểm cho nạn nhân ước tính vào khoảng hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, bảo hiểm nhân thọ chi trả lớn nhất (AIA chi trả 4,3 tỷ đồng, Manulife chi trả 4,8 tỷ đồng, Chubb Life chi trả 200 triệu đồng, Generali chi trả 496 triệu đồng, Prudential chi trả gần 1 tỷ đồng). Bảo hiểm phi nhân thọ chủ yếu là bảo hiểm học sinh, sinh viên (Bảo hiểm Bảo Việt chi trả 80 triệu đồng, Bảo Minh chi trả 100 triệu đồng, PVI chi trả 105 triệu đồng, PJICO chi trả 78 triệu đồng, MIC chi trả 140 triệu đồng, VBI chi trả 15 triệu đồng).

“Rủi ro xảy ra mới thấy ý nghĩa của bảo hiểm”, một độc giả bình luận bên dưới bài viết cập nhật về tình hình bồi thường bảo hiểm tại vụ cháy chung cư mini nói trên (đăng tải trên báo điện tử tinnhanhchungkhoan.vn). Độc giả này cũng tiết lộ bản thân đang sở hữu 4 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và một số hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ khác.

Một độc giả khác bày tỏ: “Dù không muốn nhưng hãy tưởng tượng xem nếu trụ cột gia đình trong vụ cháy ra đi, bỏ lại con thơ mà không có gì bảo vệ thì cuộc sống của đứa trẻ sau này sẽ thế nào? Không ai lường trước được rủi ro, tai nạn nên bảo hiểm nhân thọ là cách bảo vệ cuối cùng”.

Độc giả có tên An Bình chia sẻ quan điểm, về nguyên tắc, bảo hiểm nhân thọ là một phương pháp quản trị rủi ro tài chính cho gia đình, là sản phẩm văn minh, vấn đề là mọi người cần chọn được gói bảo hiểm phù hợp với khả năng tài chính của mình…

Thực tế, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, ngay sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã phối hợp với các doanh nghiệp hội viên đẩy nhanh các công việc liên quan đến công tác bồi thường. Trong tình huống thông thường, khách hàng hoặc người thân của họ sẽ gửi hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm để nhà bảo hiểm xem xét giải quyết theo quy định của hợp đồng bảo hiểm. Nhưng trong vụ việc trên, các nhà bảo hiểm đã chủ động giải quyết quyền lợi bảo hiểm một cách nhanh chóng nhất nhằm giúp gia đình các nạn nhân sớm ổn định cuộc sống.

Manulife Việt Nam là công ty bảo hiểm đầu tiên rà soát được danh sách khách hàng có liên quan đến vụ cháy và cũng là một trong những công ty đầu tiên hoàn tất thủ tục chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các gia đình khách hàng. Công ty cho biết, kể từ khi xác minh được thông tin nạn nhân, đại lý hỗ trợ nộp các giấy tờ cần thiết lên hệ thống theo quy trình trực tuyến nên quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm không mất quá nhiều thời gian. Dựa theo thông tin nhận được từ hệ thống, Công ty tiến hành xác minh hồ sơ và chi trả trong vòng 1 ngày.

Những năm qua, Manulife Việt Nam là doanh nghiệp tiên phong trong ngành bảo hiểm về chuyển đổi số. Một trong những giải pháp được Công ty liên tục đầu tư cải tiến là eClaims - trang yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến. Giải pháp này cho phép người dùng nộp yêu cầu bồi thường bảo hiểm trực tuyến chỉ trong vòng chưa đến 1 phút.

Theo thống kê của Manulife Việt Nam, 95% yêu cầu bồi thường bảo hiểm tại Công ty đã được nộp qua cổng eClaims và được thanh toán trực tuyến.

Tương tự, ngay sau khi có thông tin về vụ cháy, AIA Việt Nam đã tích cực truyền thông tới đội ngũ tư vấn viên để tìm kiếm thông tin khách hàng. Theo đại diện AIA Việt Nam, việc chi trả quyền lợi bảo hiểm là thực hiện cam kết với khách hàng đã đặt niềm tin và đồng hành cùng Công ty.

“Dù hiểu rằng không gì có thể bù đắp được việc mất đi người thân, song chúng tôi hy vọng, việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau và giúp gia đình khách hàng sớm ổn định cuộc sống”, đại diện Công ty cho biết.

Nỗ lực chi trả nhưng phải đúng người, đúng việc

Ước tính, tổng số tiền chi trả bảo hiểm cho nạn nhân vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội vào khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 8 tháng đầu năm, ngành bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm khoảng 46.529 tỷ đồng cho các khách hàng, tăng 20,78% so với cùng kỳ năm trước. Con số này đã nói lên ý nghĩa rất lớn của ngành bảo hiểm trong việc bảo vệ các gia đình cũng như doanh nghiệp và nền kinh tế.

Vậy nhưng, lâu nay, các doanh nghiệp bảo hiểm chịu định kiến “mua dễ, khó đòi”. Về vấn đề này, trong một buổi giao lưu với báo giới, ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch GAMA Việt Nam nhìn nhận: “Một hệ thống tốt nhất vẫn có lúc bị lỗi, nhất là khi hệ thống ấy do con người thực hiện. Gần đây, khi thị trường bảo hiểm phải triển nóng, với số lượng khách hàng gia tăng mạnh, dẫn tới việc có sai sót trong quá trình xác minh, giải quyết quyền lợi, điều này tạo nên phản ứng tiêu cực từ thị trường và khách hàng là điều dễ hiểu”.

Từng có thời gian làm việc tại doanh nghiệp bảo hiểm, ông Thắng khẳng định, các doanh nghiệp bảo hiểm luôn nỗ lực mang đến những điều tốt nhất cho khách hàng. Khi một doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường, niềm tin của khách hàng sẽ tăng cao, theo đó, cơ hội khai thác, phát triển thị trường lập tức gia tăng. Ngược lại, chỉ cần một ca từ chối bồi thường bảo hiểm, dù đúng, sai chưa biết, lập tức công ty bảo hiểm sẽ nhận phản ứng tiêu cực từ khách hàng.

“Vì thế, các doanh nghiệp bảo hiểm luôn nỗ lực tối đa để có thể chi trả cho khách hàng, dĩ nhiên phải đúng người, đúng việc”, ông Thắng cho biết.

CEO một doanh nghiệp bảo hiểm cũng trải lòng, những trải nghiệm không vui của khách hàng với ngành bảo hiểm thời gian qua là có thật, nhưng đó là con số rất nhỏ so với những gì ngành bảo hiểm đã làm cho khách hàng hay cho nền kinh tế.

“Thực tế, những khách hàng hài lòng với dịch vụ của ngành bảo hiểm rất ít khi lên tiếng, nhưng số đó là có thực và không phải là ít. Bởi thế, dù ngành bảo hiểm đang tồn tại những khuyết điểm nhất định, nhưng cũng cần nhìn nhận khách quan hơn. Vì nếu ngành này toàn chuyện xấu thì nó đã không tồn tại hàng trăm năm trên thế giới và cũng trải qua vài thập kỷ tại thị trường Việt Nam”, vị CEO nói.

Tin bài liên quan